Nghiên cứu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech
Fintech - Ngày đăng : 11:06, 14/07/2022
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 1124/QĐ-NHNN Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Định kỳ trước ngày 15/11 hàng năm, các đơn vị chủ trì thực hiện có báo cáo về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, kế hoạch bao gồm 3 nội dung chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo phân công tại Nghị quyết số 54/NQ-CP của Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm 3 nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng: Nghiên cứu hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới; Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Nghiên cứu các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan; Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và phát triển bền vững; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Nghiên cứu xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng trình Chính phủ ban hành trong năm 2022; Hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài để tài trợ cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.
Thứ hai, về cơ cấu lại, phát triển doanh nghiệp nhà nước: Tổ chức thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ động xây dựng phương án nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và tổ chức triển khai thực hiện theo các giải pháp phù hợp; Chỉ đạo Agribank chủ động xây dựng phương án để cơ cấu lại toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn thông qua các giải pháp phù hợp; Tham mưu, thực hiện đúng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tổ chức tài chính, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý; Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước…;
Thứ ba, về cơ cấu lại đầu tư công và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp: Thực hiện những nhiệm vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước nêu tại điểm 1(a) và điểm 1(d) Mục II Chương trình hành động đính kèm Nghị quyết 54/NQ-CP.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo phân công của Thống đốc, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm triển khai quyết liệt các nhiệm vụ có liên quan nêu tại Kế hoạch hành động; Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nội dung công việc nêu tại Kế hoạch hành động có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; cụ thể hóa thành nhiệm vụ của đơn vị tại chương trình công tác và chỉ đạo triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, có hiệu quả, kịp thời báo cáo Thống đốc các khó khăn, vướng mắc phát sinh đột xuất (nếu có); Định kỳ trước ngày 15/11 hàng năm, các đơn vị chủ trì thực hiện có báo cáo về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, đề xuất giải pháp xử lý gửi về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để tổng hợp.
Thống đốc cũng giao Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch hành động, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả; Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng các giải pháp tăng cường năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh; Đầu mối đôn đốc, theo dõi, tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Thống đốc về tiến độ, kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kế hoạch hành động và đề xuất các giải pháp xử lý.
Đối với các nhiệm vụ tại Nghị quyết 54/NQ-CP được Chính phủ phân công các bộ, cơ quan khác chủ trì và Ngân hàng Nhà nước là có trách nhiệm phối hợp, các đơn vị thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phân công của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để tham mưu trong công tác phối hợp, đảm bảo mục tiêu thực hiện hiệu quả, đồng bộ chương trình hành động đã được Chính phủ ban hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 04/7/2022.