Vùng đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội số
Tin tức - Ngày đăng : 21:34, 12/07/2022
Lịch sử phát triển lâu đời nhưng chưa có bứt phá
Ngày 14/9/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị, vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ (KHCN) và môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Văn hóa chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức, chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững. KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển, chưa tạo đột phá để nâng cao năng suất lao động. Y tế, giáo dục còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với vùng nói riêng và cả nước nói chung. Một số mục tiêu của Nghị quyết 54 đề ra chưa đạt được...
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng chưa có bước đột phá, phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu còn rộng, tri thức, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp. Cùng với đó, thị trường lao động phát triển chưa toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế, tỉ lệ việc làm phi chính thức còn cao....
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang thừa nhận, kết quả hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Tiềm lực KHCN của các tỉnh, thành phố còn yếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực KHCN trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật tiến bộ; đầu tư cho KHCN còn hạn chế. Thị trường KHCN trong vùng phát triển chậm.
Định hướng đô thị thông minh, kinh tế số
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, giao lưu quốc tế mạnh mẽ, văn hóa ngoại lai đang dần thấm sâu trong các hoạt động nghệ thuật, giải trí cũng như mọi hoạt động thường ngày... nguy cơ về việc "xâm lấn" văn hóa là hiện hữu. Do đó, với vai trò là cái nôi phát triển của đất nước, với nền văn hóa truyền thống lâu đời, khu vực này có sứ mệnh quan trọng lan tỏa tài nguyên văn hóa. Để phát triển văn hóa đặc sắc không thể dùng cách áp đặt thô, hoặc đưa vào một vài sản phẩm du lịch bình thường mà cần có giải pháp thực chất, khoa học, trong đó lưu ý đến khái niệm "vốn hóa" các nguồn lực văn hóa, cần có cách thức triển khai bài bản, tạo dựng nên mô hình phát triển với chuỗi giá trị thực, có sức lan tỏa cao.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm phát triển văn hóa thể thao và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng sẽ theo hướng: Phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế của thời đại; tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giữa các địa phương trong vùng; bảo đảm tính liên thông, kết nối hiệu quả giữa các cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch.
Thực hiện chính sách ưu tiên hỗ trợ hoạt động bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Gắn kết các hoạt động phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Còn Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, cần đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực.
Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung...
Thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao tham luận, trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành. Ban Chỉ đạo sẽ giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc kết quả Hội thảo để lựa chọn, tổng hợp bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa và tác động lớn đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất cả nước; được Đảng ta quan tâm thường xuyên, liên tục thể hiện qua Văn kiện Đại hội các nhiệm kỳ và các Nghị quyết chuyên đề cho từng lĩnh vực. Trong đó, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân
Đặc biệt, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn.