Tài trợ SMEs qua fintech gia tăng nhanh chóng tại châu Á

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 19:47, 04/07/2022

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang phải vật lộn để có được các nguồn tài chính thông thường, các đổi mới công nghệ tài chính mới nổi ở châu Á đã thay đổi mô hình truyền thống để giảm bớt khó khăn cho SMEs trong tiếp cận vốn. Những năm gần đây, các công ty fintech và công ty công nghệ lớn ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc cung cấp vốn cho SMEs.

Công nghệ tài chính san sẻ gánh nặng vốn 

Mặc dù có tầm quan trọng đối với nền kinh tế châu Á nhưng SMEs thường gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn lực tài chính. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy SMEs ở châu Á đi sau SMEs toàn cầu trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, đặc biệt là về tín dụng (OECD và ADB, 2014). Họ chỉ có khả năng nhận được hạn mức tín dụng gần bằng một nửa so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu nên phải dựa vào thu nhập giữ lại hơn là tài trợ bên ngoài để đầu tư. Theo kết quả của một cuộc khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á, SMEs châu Á báo cáo nguồn vốn hạn chế là một lý do phổ biến kìm hãm các giao dịch thương mại trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với 60% SMEs nói rằng họ không tiến hành giao dịch vì thiếu nguồn lực tài chính.

Lý do khiến SMEs châu Á gặp khó khăn vay vốn có thể là do các yêu cầu khắt khe hơn từ ngân hàng. Các ngân hàng ở châu Á thường yêu cầu SMEs cung cấp tài sản thế chấp cho các khoản vay và nếu được vay họ chỉ nhận được khoản vay với tỷ lệ khoảng hơn 50% trên tổng giá trị tài sản thế chấp. Ngược lại, ở châu Âu, các khoản cho vay đối với SMEs chủ yếu dưới hình thức hạn mức tín dụng và thường không yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều có tổ chức bảo lãnh, là các tổ chức phi lợi nhuận cho phép các doanh nghiệp nhỏ cải thiện khả năng vay vốn của họ (xem Columba, Gambacorta và Mistrulli 2010 đối với trường hợp ở Ý). Các ngân hàng cũng có thể ít sẵn sàng cho vay đối với SMEs ở châu Á vì cho rằng rủi ro và chi phí giao dịch cao hơn. Các nhà hoạch định chính sách châu Á từ lâu đã nhận ra nghịch lý về khả năng tiếp cận tài chính hạn chế do không có đủ dữ liệu về SMEs trong thời đại mà dữ liệu đã trở nên nhiều hơn đáng kể và cũng đã lưu ý ngành công nghệ tham gia điều hòa nghịch lý này (Carney, 2019).

Trong bối cảnh SMEs đang phải vật lộn để có được các nguồn tài chính thông thường, các đổi mới công nghệ tài chính mới nổi ở châu Á đã thay đổi mô hình truyền thống để giảm bớt khó khăn cho SMEs trong tiếp cận vốn. Trong những năm gần đây, các công ty fintech[2] và công ty công nghệ lớn [3] ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc cung cấp vốn cho SMEs. Đặc biệt, tín dụng fintech đã mở rộng nhanh chóng. Theo dữ liệu từ Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF),[4] khối lượng tài chính thay thế (tín dụng fintech) đã tăng 26% trong năm 2017, từ 287 tỷ USD năm 2016 lên 373 tỷ USD năm 2017. Nếu tính thêm tín dụng của các công ty công nghệ lớn thì tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn và tổng tín dụng fintech đạt mức 543 tỷ đô la trên toàn cầu vào năm 2017. Phần lớn khối lượng này (492 tỷ đô la) là ở Trung Quốc và một số nước khác ở châu Á.

Mặc dù vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ, tín dụng fintech đang trở thành nguồn tài chính phù hợp về mặt kinh tế cho SMEs ở một số quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á. Tại Trung Quốc, WDZJ.com ước tính rằng tín dụng fintech chiếm 13% khoản cho vay mới đối với khu vực tư nhân trong 5 tháng đầu năm 2018. Tại Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, tín dụng fintech lần lượt ở mức 652 triệu đô la, 220 triệu đô la và 190 triệu đô la, phần lớn trong số đó là dành cho các doanh nghiệp nhỏ (CCAF, 2018). Tính đến tháng 7/2018, các nền tảng tín dụng fintech đang trở nên phù hợp về mặt kinh tế ở Indonesia, với tổng các khoản vay 9,21 nghìn tỷ Rp (650 triệu USD) đã được giải ngân cho 1,43 triệu khách hàng (KPMG, 2018). Các công ty công nghệ lớn như Grab và Go-Jek cũng có hoạt động cho vay rộng rãi ở Indonesia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, bao gồm cả cho vay người mua xe hơi. Gần đây, các công ty này đã bắt đầu cung cấp tín dụng tiêu dùng để mua hàng tại các cửa hàng (Tani, 2019).

Hoá giải bất lợi trong “chấm điểm” SMEs

Các công ty fintech và công ty công nghệ lớn có một số lợi thế cụ thể so với các hoạt động tài chính hiện thời, bao gồm quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu và mạng (FSB 2019a; BIS 2019; Stulz 2019); trong một số trường hợp, điều này có thể cho phép họ thích ứng với những thách thức và nhu cầu riêng của SMEs. So với các ngân hàng, các công ty fintech và công ty công nghệ lớn có khả năng sử dụng các nguồn dữ liệu và công nghệ thay thế tốt hơn để bổ sung thông tin tín dụng truyền thống. Điều này đã giúp SMEs trước đây gặp bất lợi do lịch sử tín dụng hạn chế; đồng thời có khả năng giải quyết một vấn đề phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á là thiếu sự bao phủ toàn diện của các văn phòng tổ chức tín dụng.

Các mô hình đánh giá tín dụng được sử dụng bởi các công ty fintech và các công ty cho vay công nghệ lớn ở khu vực Châu Á có thể hỗ trợ SMEs tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng. Ví dụ, Hau và cộng sự, 2018, đưa ra bằng chứng cho thấy tín dụng của công ty fintech ở Trung Quốc tạo điều kiện bổ sung nguồn cung và cho phép các doanh nghiệp có điểm tín dụng thấp hơn vẫn có thể tiếp cận tín dụng.[5] Tín dụng của công ty fintech cũng có thể phục vụ các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, chẳng hạn như các doanh nghiệp mới thành lập chỉ có tài sản chủ yếu là tài sản trí tuệ vô hình. Tín dụng fintech vừa có thể tăng cường tài chính toàn diện, vừa có thể tiếp cận những khách hàng đi vay dưới mức chuẩn - những khách hàng có thể có mức độ tín nhiệm thấp hơn.

Phương pháp chấm điểm tín dụng của các công ty công nghệ lớn có thể mang lại lợi thế hơn so với các ngân hàng hiện nay, nơi thường phụ thuộc nhiều vào các nguồn thông tin truyền thống như báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tài sản thế chấp và đánh giá của nhân viên tín dụng để chấp thuận hoặc từ chối một khách hàng vay tiềm năng. Việc sử dụng máy móc có thể hỗ trợ việc đánh giá rủi ro tín dụng trực tiếp và nhanh chóng. Đặc biệt, nó có thể cải thiện việc bảo lãnh phát hành, thu hút thông tin từ các mối quan hệ giữa khách hàng, và trong một số trường hợp ngăn chặn sự thiên vị của con người vào việc ra quyết định. Các nguồn dữ liệu lớn hơn có thể mở ra khả năng các công ty công nghệ lớn cho vay những khách hàng chưa từng tham gia thị trường tín dụng ngân hàng chính thức trước đó.

Một lĩnh vực khác mà công nghệ có thể đóng vai trò đáng chú ý trong việc chuyển đổi phương thức kinh doanh là tài trợ thương mại. Tầm quan trọng ngày càng tăng của Châu Á trong thương mại thế giới nhấn mạnh nhu cầu mở rộng khả năng tiếp cận tài chính của SMEs. Bất chấp sự tham gia hiện tại của SMEs vào thương mại ở Châu Á, sự hiện diện của SMEs bị hạn chế bởi khả năng tiếp cận tài chính. Trong lĩnh vực tài trợ thương mại, công nghệ thúc đẩy thay đổi mô hình kinh doanh có thể giúp mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính với sự nâng cao tiềm năng của SMEs châu Á thông qua hiện đại hóa các quy trình kém hiệu quả và giảm vai trò của các trung gian tốn kém. Tương tự như vậy, các đổi mới công nghệ có khả năng biến đổi hình thức tài trợ hóa đơn bằng cách tận dụng quá trình số hóa thương mại để làm cho các khoản phải thu được định giá và giao dịch dễ dàng hơn.

Tính chất phức tạp và đòi hỏi nhiều giấy tờ của các giao dịch tài trợ thương mại đã khiến công nghệ sổ cái phân tán (DLT) trở thành một lựa chọn hấp dẫn ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. DLT có thể giúp số hóa và tự động hóa chuỗi cung ứng thương mại và thực hiện kiểm tra nhanh hơn, hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn. DLT cũng có thể cải thiện các quy trình thông qua các hợp đồng thông minh, hoạt động giống như các hợp đồng truyền thống, nhưng có thể được thực thi tự động mà không cần người trung gian hoặc quy trình dựa trên giấy tờ. Sử dụng DLT để tạo hồ sơ kỹ thuật số duy nhất để thông quan về nguyên tắc có thể giúp giảm phí và giảm các rào cản đối với thương mại.

Những vấn đề còn băn khoăn

Trong khi các bằng chứng sẵn có cho thấy những đổi mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở châu Á đã thay đổi các mô hình tài trợ truyền thống, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, giúp thu hẹp khoảng cách và bổ sung nguồn tài trợ mới cho SMEs thì vẫn tồn tại một số câu hỏi đặt ra đối với vấn đề này.

Thứ nhất là những đổi mới này có thể mang lại hiệu quả vượt trội hơn so với mô hình các ngân hàng cũng đổi mới và sử dụng các thông tin mềm đó hay không? Liệu những đổi mới đó có thể được duy trì trong toàn bộ chu kỳ kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp hay không? Đặc biệt là có nhiều mô hình đánh giá tín dụng mới dựa trên chuỗi thời gian tương đối ngắn, chưa được thử nghiệm qua thời kỳ kinh tế suy thoái (Claessens và cộng sự, 2018).

Thứ hai là việc sử dụng DLT trong các lĩnh vực như tài trợ thương mại và thư bảo lãnh tuy có khả năng giảm đáng kể thời gian xử lý và chi phí chung so với các quy trình thông thường, nhưng vẫn còn có lo ngại rằng những lợi thế đó chưa được kiểm tra nhiều trong thực tế.

Thứ ba là vẫn còn tồn tại một số thách thức liên quan đến pháp lý và quy định cụ thể. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng Trung ương và Chính phủ ở một số quốc gia châu Á đang can thiệp tích cực hơn, thường là với khu vực tư nhân, để thúc đẩy các công nghệ mới nhằm tăng cơ hội tài trợ cho SMEs. Những hành động này bao gồm cả việc xem xét các lợi ích tư nhân và công cộng và các quyền liên quan đến tiếp cận thông tin.

SMEs đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế châu Á. Với số lượng chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp, SMEs đóng góp 50% –70% việc làm và chiếm 30% –60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia[1]. Đồng thời, trong khi châu Á hiện nay đóng góp khoảng 1/3 của thương mại toàn cầu, chỉ sau châu Âu, thì các SMEs đóng góp tới hơn 40% kim ngạch xuất khẩu tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ (WTO, 2016).


[1] Theo Diễn đàn Tài chính DNVVN, các DNVVN chiếm 98% số doanh nghiệp và sử dụng 50% lực lượng lao động ở Châu Á và Thái Bình Dương (Ata 2014). Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 96% tổng số doanh nghiệp Châu Á và cung cấp 2/3 việc làm cho khu vực tư nhân (ADBI 2019). Đáng chú ý, định nghĩa về doanh nghiệp vừa và nhỏ khác nhau giữa các quốc gia. Hầu hết xác định chúng dựa trên các ngưỡng về việc làm, vốn và doanh thu.

[2] Tín dụng Fintech đề cập đến tín dụng thông qua các nền tảng trực tuyến (phi ngân hàng), bao gồm tất cả các hoạt động tín dụng được tạo điều kiện bởi các nền tảng trực tuyến mà không được vận hành bởi các ngân hàng thương mại (CGFS và FSB 2017; Claessens và cộng sự, 2018). Tùy thuộc vào nền kinh tế, những nền tảng này có thể được gọi là người cho vay ngang hàng (P2P), người huy động vốn cộng đồng dựa trên khoản vay hoặc người cho vay trên thị trường.

[3] Một tập hợp tín dụng fintech đang phát triển nhanh chóng, thường không được thu thập trong các nguồn dữ liệu tiêu chuẩn, là tín dụng công nghệ lớn, tức là tín dụng được cung cấp bởi các công ty công nghệ lớn có hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ kỹ thuật số chứ không phải dịch vụ tài chính (Frost và cộng sự, 2019).

[4] Như đã đề cập trước đây, dữ liệu về tín dụng công nghệ lớn rất khan hiếm và không được đưa vào dữ liệu từ Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF). Do đó, khối lượng đã được ước tính dựa trên dữ liệu có sẵn công khai. Dữ liệu tổng hợp về lợi nhuận và lỗ ròng thường không được công bố rộng rãi. Vi dữ liệu về tổn thất có sẵn cho chính các công ty công nghệ lớn và có thể được sử dụng để phân tích thực nghiệm (Frost và cộng sự, 2019).

[5] Tương tự, đối với cho vay tiêu dùng, Tang (2019) chỉ ra rằng tín dụng fintech bổ sung tín dụng ngân hàng đối với các khoản vay quy mô nhỏ ở Hoa Kỳ. Jagtiani và Lemieux (2018) phát hiện Lending Club đã thâm nhập vào các lĩnh vực mà các ngân hàng truyền thống chưa phục vụ. De Roure, Pelizzon và Tasca (2016) chỉ ra rằng tín dụng fintech phục vụ một phần của thị trường tín dụng tiêu dùng bị các ngân hàng ở Đức bỏ qua.

ThS. Dương Quốc Anh và Nhóm nghiên cứu