Công nghệ số và xu hướng “công nghiệp hoá” mô hình hoạt động ngân hàng
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 17:51, 04/07/2022
Mô hình tập trung và bài toán chi phí
Sự suy giảm lợi nhuận biên hiện nay đang thách thức nhiều ngân hàng phải xem lại mô hình hoạt động của họ do giảm doanh thu biên trong khi chi phí biên lại không giảm. Ví dụ, chi phí biên của các ngân hàng tư nhân ở châu Á ở cùng mức như ở các thị trường Tây Âu phát triển (khoảng 60 bp[1]). Ngược lại, ngân hàng ở khu vực Mỹ Latinh và Trung Đông hoạt động với chi phí biên thấp hơn (khoảng 40bp) do chi phí nhân viên hỗ trợ, công nghệ thông tin (CNTT) và văn phòng thấp hơn hai khu vực trên (Vandenberghe et al., 2014). Trong khi các mô hình kinh doanh coi doanh thu, chi phí và kết quả là khả năng sinh lời, thì các mô hình hoạt động tập trung vào chi phí như mục tiêu chính để chú trọng tính hiệu quả, đây được coi là một trong hai ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng (Crosby và cộng sự, 2013).
“Mô hình hoạt động” là mô tả trừu tượng về cách một tổ chức hoạt động theo các quy trình, tổ chức và các miền công nghệ để hoàn thành chức năng của mình (De Vries và cộng sự, 2011). Đối với ngân hàng, khác với mô hình hoạt động, mô hình kinh doanh của ngân hàng mô tả cách ngân hàng đó tạo ra, cung cấp, mang đến giá trị cho khách hàng và duy trì điều đó trong cả một quá trình (Osterwalder & Pigneur, 2011).
Bên cạnh chi phí nhân sự chiếm tỷ trọng chủ yếu gần 60%, chi phí CNTT chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong tổng chi phí của các ngân hàng với khoảng 20% (Gopalan và cộng sự, 2012). Nhìn chung, các ngân hàng có chi phí CNTT cao nhất trong tất cả các ngành liên quan đến doanh thu của họ. So với các ngành khác mà chi phí CNTT được dự đoán sẽ giảm (ô tô -1%, ngành hóa chất -3%), chi phí CNTT trong các ngân hàng được dự báo sẽ tăng với mức tăng hàng năm là 3% (BCG, 2013). Điều này được cho là do một số lượng lớn các hệ thống CNTT không đồng nhất với tuổi thọ tổng thể có thể lên đến hơn 40 năm.
Tác động đột phá ngày càng tăng của CNTT đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính đã mang lại những hệ quả như phi trung gian hóa, giảm thu nhập và tổ chức lại chuỗi giá trị với các tác nhân mới. Các công ty khởi nghiệp Công nghệ tài chính (FinTech) và các tổ chức phi ngân hàng khác đang phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới cho tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành ngân hàng bằng việc thiết lập hệ sinh thái mới với các tổ chức phi ngân hàng khác và các định chế khác trong ngành dịch vụ tài chính. Điều đó đang đặt ra những câu hỏi và thách thức đối với mô hình hoạt động của các ngân hàng.
Mô hình hoạt động của các ngân hàng cho đến nay vẫn chủ yếu dựa trên sự tích hợp mạnh mẽ theo chiều dọc của các quy trình quản lý, ngân hàng lõi và hoạt động hỗ trợ. Nhờ sự phát triển gần đây (được gọi là “siêu chuyên môn hóa”) đã xuất hiện các dịch vụ cung ứng có xu hướng chi tiết hơn trong tương lai cũng như các mô hình cung ứng mới, như nguồn cung ứng cộng đồng. Do sự phát triển của CNTT (ví dụ công nghệ chuỗi khối - blockchain) và tiêu chuẩn hóa (ví dụ giao diện lập trình ứng dụng (API) mở), các ngân hàng hiện có thể thuê ngoài dịch vụ ở cấp độ các nhiệm vụ đơn lẻ (ví dụ: DNAappstore). Việc nguyên tử hóa chuỗi giá trị này có thể dẫn đến các cấu trúc tổ chức phi tập trung hơn thứ chúng ta biết ngày nay.
Chuyển đổi mô hình: Thách thức hay cơ hội?
Tổng hợp lại, ba xu hướng sau đây đặc trưng cho sự phát triển của các mô hình hoạt động mới đối với các ngân hàng:
• Tăng cường quy định pháp lý: Quy định pháp lý đề cập đến tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng và thể hiện sự hội tụ giữa thị trường trong nước và nước ngoài (do các quy định trong nước và xuyên biên giới chặt chẽ hơn, chẳng hạn như FATCA hoặc BASEL III). Ví dụ, theo một cuộc khảo sát của Liên minh Châu Âu, ước tính chi phí liên quan đến các quy định là 8,6 tỷ EUR từ năm 2010 đến năm 2015 (Pukropski và cộng sự, 2013).
Các danh mục dự án của nhiều ngân hàng chiếm hơn 50% chi phí liên quan các quy định. Các lĩnh vực có liên quan tới pháp lý nhiều nhất là kiểm soát/quản lý rủi ro (56%), tuân thủ (54%), tài chính doanh nghiệp (52%), sửa đổi nội bộ (32%) và CNTT/tổ chức (27%). Mặc dù CNTT/tổ chức chỉ bị ảnh hưởng 27%, nhưng số tiền đầu tư tuyệt đối là cao nhất trong tất cả các lĩnh vực nói trên vì quy trình và CNTT là thành phần của tất cả các lĩnh vực khác. Việc đáp ứng của hệ thống với các yêu cầu của quy định mới được coi là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng (Crosby et al., 2013).
• Tăng cường phân cấp: Nhiều ngân hàng vẫn chưa chuyển đổi mô hình hoạt động của mình từ chuỗi giá trị tích hợp theo chiều dọc sang các mô hình phân rã, linh hoạt hơn như nhiều ngành hiện nay, chẳng hạn ngành sản xuất ô tô. Một thước đo chính để đánh giá mức độ chuyên môn hóa là mức độ sản xuất nội bộ liên quan đến việc tạo ra giá trị tổng thể. Mặc dù các ngân hàng không nhìn thấy năng lực cốt lõi của họ trong các quy trình hỗ trợ và giao dịch, họ vẫn thể hiện mức độ sản xuất nội bộ cao trong các lĩnh vực này. Ví dụ, các ngân hàng trực tiếp có mức sản xuất nội bộ trung bình là 50%, các ngân hàng nhỏ là 80% và các ngân hàng lớn là 70%.
Một xu hướng chính là các dịch vụ không chỉ bắt nguồn từ các mối quan hệ cung ứng song phương, mà có xu hướng trở nên nhỏ hơn về độ chi tiết của chúng (Malone và cộng sự, 2011). Xu hướng “siêu chuyên môn hóa” này dẫn đến các mô hình tìm nguồn cung ứng hoàn toàn mới, chẳng hạn như nguồn cung ứng cộng đồng được kích hoạt thông qua các thị trường dịch vụ điện tử. Công ty Local Motors, Hoa Kỳ, một nhà cung cấp cho BMW, chỉ sử dụng 100 công nhân, trong khi có 40.000 nhà phát triển được sử dụng để cung cấp cho các nhiệm vụ khác nhau.
• Tăng cường công nghiệp hóa: Thuật ngữ công nghiệp hóa bắt nguồn từ việc chuyển đổi xã hội từ nông nghiệp sang công nghiệp và tiếp tục phát triển với chủ nghĩa Taylor[2]. Nguyên tắc cơ bản là có thể đạt được hiệu quả cao thông qua việc xác định các hoạt động nhỏ, được tiến hành tương tự như những hoạt động mà Henry Ford đã giới thiệu với cách tiếp cận sản xuất hàng loạt đối với dây chuyền lắp ráp ô tô. Theo thời gian, công nghiệp hóa được bổ sung với các nguyên tắc khác, chẳng hạn như tiêu chuẩn hóa, tự động hóa và định hướng chất lượng. Việc áp dụng các nguyên tắc đó vào các ngành dịch vụ đang ngày càng phát triển, vì việc tiêu chuẩn hóa các dịch vụ, chẳng hạn như các sản phẩm ngân hàng, vẫn chưa chín muồi như những chiếc đinh vít được sử dụng trong xe hơi.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp phần mềm trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc áp dụng các cơ chế công nghiệp hóa vào ngành ngân hàng. Ví dụ, một cuộc khảo sát đã xác định được 700 quy trình đầu cuối (end-to-end) trong các ngân hàng, trong đó khoảng một nửa có thể được tự động hóa hoàn toàn (Hirt & Willmott, 2014). Các dịch vụ như vậy đã được cung cấp thông qua các cửa hàng ứng dụng doanh nghiệp với doanh nghiệp (b2b) như DNAappstore hoặc Yodlee ở Hoa Kỳ. Các công ty này cung cấp thị trường dịch vụ điện tử cho các ngân hàng và là nhà cung cấp nơi các ngân hàng có thể tùy chỉnh dịch vụ của họ.
Hiệu quả hoạt động sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng của các ngân hàng trong tương lai. Yếu tố này cũng sẽ chứng minh sự bền vững của các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới lấy khách hàng làm trung tâm. Điều này đang đặt ra những câu hỏi cho các nhà quản lý và điều hành về mô hình hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới: (i) Mức độ ứng dụng tối đa các thông lệ tốt nhất trong công nghiệp hóa của các ngành sản xuất hàng hóa vật chất vào lĩnh vực ngân hàng là bao nhiêu, để áp dụng vào việc xây dựng các mô hình hoạt động của ngân hàng trong tương lai dựa trên các quy trình và dịch vụ được công nghiệp hóa? (ii) Làm thế nào để các dịch vụ có thể được chia thành nhiều phần chi tiết hơn; và những mô hình tìm nguồn cung ứng mới nào có thể được áp dụng để các dịch vụ được tạo nguồn ở cấp độ các nhiệm vụ đơn lẻ (siêu chuyên môn hóa)? (iii) Làm thế nào các quy trình ngân hàng và cấu trúc ứng dụng (ngân hàng lõi) của nhiều nhà cung cấp có thể được chuẩn hóa để đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa và cho phép các mô hình tìm nguồn cung ứng linh hoạt?
Sự phát triển đó có thể dẫn đến việc tổ chức lại toàn bộ hệ thống ngân hàng hiện có tại các quốc gia. Các hệ quả đối với ngành ngân hàng có thể được cấu trúc theo cấp độ đổi mới (gia tăng so với đột phá) và các quy trình ngân hàng lõi (hỗ trợ so với kinh doanh trực tiếp) và có khả năng dẫn đến những mô hình mới cho các ngân hàng.
Mặc dù sự chuyển đổi trong mô hình hoạt động ngành ngân hàng đặt ra những thách thức lớn, nhưng nó chứa đựng nhiều cơ hội cho những tổ chức đang đối mặt với sự chuyển đổi này. Đến nay, vẫn có nhiều người xem các công nghệ tài chính như blockchain chỉ là “hệ thống chuyển động” mới, tương tự như sự thay đổi từ video ghi âm sang video youtube. Nhưng như lịch sử đã chỉ ra, việc chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng mới thường hay dẫn đến việc cơ cấu lại cơ bản hiện trạng. Không phụ thuộc vào bất kỳ thành công hay thất bại nào của các ngân hàng đơn lẻ, sự chuyển đổi của ngành đang dẫn đến thay đổi về chất như một phần cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Do đó, việc đầu tư nhiều hơn nữa vào việc nghiên cứu về hệ thống tài chính phát triển trong tương lai là rất cần thiết.
Trong danh mục chi phí hoạt động ngân hàng, chi phí nhân sự thường chiếm tỷ trọng chủ yếu và tỷ lệ chi phí nhân sự/tổng chi phí khá khác biệt giữa các quốc gia. Trong đó chi phí nhân sự chiếm khoảng 80% tổng chi phí của các ngân hàng ở Thụy Sĩ, 70% ở Đức, 60% ở Mỹ, 50% ở Thụy Điển và Luxemburg, 40% ở Singapore và Hồng Kông, còn Trung Quốc là 30% (Hintermann và cộng sự, 2014).