Lần đầu có cơ chế đóng thuế trực tiếp

Chính sách - Ngày đăng : 11:27, 04/07/2022

Vấn đề tồn tại nhiều năm nay là thiếu hướng dẫn chi tiết việc nộp thuế của doanh nghiệp xuyên biên giới đối với doanh thu phát sinh từ việc bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng cá nhân không kinh doanh đã được giải quyết. Điều này mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp này đóng thuế một cách thuận lợi vào ngân sách nhà nước.

Thu thuế như thế nào?

Dịch vụ xuyên biên giới và thương mại điện tử đã trở thành một phần tất yếu của “thế giới phẳng"ngày nay. Hầu hết chúng ta đều biết đến các dịch vụ xuyên biên giới, từ mua bán hàng hóa trên các sàn như Amazon, eBay cho đến các dịch vụ giải trí trực tuyến Netflix; nghe nhạc trực tuyến như Spotify, Youtube; dịch vụ tìm kiếm Google; dịch vụ đặt phòng Airbnb; hay khách sạn và vé máy bay Kayak, Cheapflights…

Vậy việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp này như thế nào? Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp xuyên biên giới đang trốn tránh nghĩa vụ thuế. Nhận định trên không hẳn chính xác! Cần phải nói rõ rằng chúng ta chỉ chưa thu được thuế từ khoản doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ cho cá nhân không kinh doanh. Ví dụ khi người sử dụng dịch vụ trả tiền 119.000 đồng/tháng để đăng ký tài khoản dịch vụ truyền hình giải trí AppleTV hay 19.000 đồng để dùng dịch vụ lưu trữ 50GB trên iCloud… 

Từ nhiều năm nay, cơ quan thuế đã thu được thuế từ các doanh nghiệp xuyên biên giới theo cơ sở pháp lý là Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp và Thông tư 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, các doanh nghiệp xuyên biên giới có thể nộp thuế theo phương pháp kê khai, phương pháp trực tiếp hay phương pháp hỗn hợp. Để thực hiện các phương pháp này, doanh nghiệp xuyên biên giới sẽ phải dựa vào khách hàng của họ là các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam để khấu trừ và nộp thuế thay cho họ.

Trong khi đó, giao dịch giữa nền tảng số với cá nhân không kinh doanh dường như đã bị bỏ quên, vì 8 năm trước, khi Thông tư 103 ra đời, viễn cảnh người dùng có thể mua dịch vụ trực tiếp từ các doanh nghiệp xuyên biên giới còn rất xa vời đối với xã hội nói chung và cơ quan thuế nói riêng. Vì vậy, dù muốn, các nền tảng số xuyên biên giới cũng không thể nộp thuế áp trên khoản doanh thu này, do không có hướng dẫn cách khai thuế, tính thuế, quy trình nộp thuế, thậm chí là đầu mối cơ quan thuế thụ lý hồ sơ. Do đó, Việt Nam đã bị thất thu các khoản thuế này.

Quy định mới mở ra cơ hội đóng thuế

Tháng 10.2020, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuếvà tiếp đó Bộ Tài chính ra Thông tư 80/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. Theo đó, lần đầu tiên các doanh nghiệp xuyên biên giới được hướng dẫn kê khai và đóng thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Cổng thông tin điện tử sẽ gửi thông tin về tài khoản giao dịch điện tử và mã số thuế cho doanh nghiệp qua thư điện tử. Các nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi vào tài khoản thu ngân sách nhà nước theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hay ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế Việt Nam đăng ký, kê khai và nộp thuế. Quy định này sẽ áp dụng với mọi giao dịch giữa nhà cung cấp nước ngoài và tổ chức, cá nhân Việt Nam, bao gồm cả người tiêu dùng đầu cuối.

Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam với doanh thu từ cá nhân, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ thuế từ giá trị hợp đồng và nộp thay cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng cục Thuế có trách nhiệm thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho Hội sở chính của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. 

Như vậy, vấn đề tồn tại nhiều năm nay là thiếu hướng dẫn chi tiết cho việc nộp thuế của các doanh nghiệp xuyên biên giới đối với doanh thu phát sinh từ việc bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng là các cá nhân đã được giải quyết, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trên đóng thuế một cách thuận lợi vào ngân sách nhà nước.

Đây cũng là thông lệ chung ở hầu hết các quốc gia. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều quốc gia đã thực hiện từ rất sớm cơ chế thu thuế giá trị gia tăng ngoài lãnh thổ nhằm thu thuế từ các doanh nghiệp xuyên biên giới đang hoạt động kinh doanh trong lãnh thổ của họ như Hàn Quốc vào năm 2015, New Zealand vào năm 2016, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2017, hay gần hơn về địa lý là Singapore, Malaysia, Indonesia vào năm 2020 và Thái Lan vào năm 2021.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến hướng dẫn kê khai thuế theo quy định tại Thông tư 80/2021/TT-BTC trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế. Để chính sách sớm phát huy tác dụng, cần sớm nâng cấp, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế để các doanh nghiệp xuyên biên giới để có thể trực tiếp đăng ký, kê khai và nộp thuế cho Việt Nam với thủ tục đăng ký trực tuyến đơn giản, tờ khai đơn giản, nộp thuế giá trị gia tăng trực tiếp cho cơ quan thuế qua tài khoản ngân hàng nước ngoài, không yêu cầu gửi hóa đơn đối với các giao dịch B2C (doanh nghiệp - cá nhân) điện tử. Hơn nữa, hiện nay các ngân hàng thương mại cũng còn nhiều câu hỏi chưa được ngành thuế giải đáp trong việc thu hộ thuế trên từng giao dịch của người mua hàng là cá nhân không kinh doanh.

Một chuyên gia lâu năm của ngành thuế cho biết, toàn bộ vấn đề thu thuế đối với thương mại điện tử đang là khoảng trống và còn nhiều dư địa chính sách. Cho nên, chính sách đã ban hành là phải có tính khả thi, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, người dân ủng hộ. Có như vậy người dân, doanh nghiệp mới thực hiện được nghĩa vụ thuế của mình đối với đất nước, góp phần cân đối ngân sách trong một môi trường kinh doanh hiện đại, công khai, minh bạch theo hướng số hóa.

TS Trần Văn - Viện trưởng Viện kinh tế số