Cơ hội cho “quản trị số” quốc gia
Tin tức - Ngày đăng : 11:23, 04/07/2022
Đơn cử như 2 trường hợp khiến không chỉ người dân mà cả người đứng đầu Chính phủ cũng bức xúc, nhiều lần chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn chậm trễ trong khắc phục, rời rạc trong thực hiện. Một là, lưu thông hàng hóa. Một Công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, nhà máy nằm ở Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách thành phố 30km. QRcode được cấp cho xe tải nằm tại nhà máy ở Bình Dương nhưng tài xế nhà ở quận 12, giáp ranh với Thuận An, không cách nào có thể di chuyển đến nhà máy để lấy xe tải ra chở hàng được. Cầm giấy phép của xe tải với QRcode và công văn giới thiệu của công ty ghi rõ trên đường tới nhà máy để lấy xe tải, tài xế đã tiêm chủng, có giấy xét nghiệm âm tính, thực hiện đầy đủ 5K nhưng các trạm kiểm soát dịch bệnh vẫn không cho qua vì lý do “QRcode cấp cho xe tải, anh phải ở trên xe tải, chứ không phải trên xe máy”. Vậy là ách tắc. Hàng hóa sản xuất ra chất đầy kho nhưng không có xe để vận chuyển. Và việc này đã diễn ra 3 tháng nay.
Với những lô hàng gửi theo xe khách, xe hàng đi được, có tỉnh cho qua, nhưng đến tỉnh cuối cùng nơi giao hàng thì không vào được, thế là đành mang về. Hai lần cước phí vận chuyển, doanh nghiệp méo mặt. Chi phí chồng chi phí. Lỗ chồng lỗ. Nguy cơ phá sản do không trả được nợ ngân hàng, không trả được lương cho công nhân, bị phạt vì không thực hiện hợp đồng là hiện hữu. Có hàng trăm nghìn doanh nghiệp rơi vào tình cảnh này.
Hai là, các ứng dụng (app) trên nền tảng di động liên quan đến kiểm soát dịch bệnh. Người dân phải cài cả chục ứng dụng vì hầu như cứ mỗi lần chính quyền yêu cầu khai báo lại đưa ra một ứng dụng mới: từ đi lại, tới bệnh viện khám bệnh, đăng ký tiêm vaccine, sổ sức khỏe điện tử, Bluezone, Ncovi… Có ứng dụng do Bộ Y tế triển khai, có ứng dụng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, TP. Hồ Chí Minh… Việc triển khai các ứng dụng này chắc cũng tốn không ít tiền của ngân sách, của xã hội, chưa kể đến mặt trái của các ứng dụng này là vấn đề an ninh, an toàn dữ liệu, thông tin cá nhân. Tin mừng là TP. Hồ Chí Minh vừa quyết định sẽ phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố thành nền tảng ứng dụng thống nhất để phục vụ người dân tham gia sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 và mỗi người dân được cấp một QRcode trên ứng dụng điện thoại thông minh hoặc bản in giấy. Khi ứng dụng này liên thông, kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch thống nhất, dùng chung quốc gia, thành một ứng dụng duy nhất trong thời gian tới, thì chính quyền nên thông báo với người dân những ứng dụng nào bỏ đi, ứng dụng nào giữ lại.
Trong đại dịch, có nhiều ứng dụng công nghệ được người dân đồng tình, khen ngợi như Bản đồ số Covid-19 TP. Hồ Chí Minh do Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố thực hiện. Trên đó, người dân có thể nắm được tình hình diễn biến dịch bệnh theo số liệu chính thức cập nhật của ngành y tế đến tận từng tổ dân phố trên bản đồ thành phố, còn trên bản đồ cả nước thì xem được đến cấp xã, phường, thị trấn.
Mới đây Grab Việt Nam đã cũng cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab để kết nối người dân, cửa hàng thực phẩm và người “đi chợ hộ” để giải tỏa nhanh các đơn hàng ùn ứ làm thủ công và đã được TP. Hồ Chí Minh chấp thuận. Các ví điện tử như Momo, Eco, Zalopay… cũng phát huy tối đa ưu thế công nghệ, rất tiện lợi khi kết nối dịch vụ giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ.
Vậy nên, đợt bùng phát dịch bệnh lần này vừa là thách thức lớn nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho chuyển đổi số, quản trị số quốc gia. Đẩy nhanh chuyển đổi số, quản trị số quốc gia cũng sẽ giúp khắc phục những khiếm khuyết như đã nêu ở trên. Vấn đề là tầm nhìn, sự chuẩn bị về công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm chi phí xã hội, ngân sách nhà nước cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.