Biến số và động lực trong tăng trưởng kinh tế năm 2025
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:08, 21/01/2025
Kinh tế Việt Nam năm 2025 vẫn có nhiều tiềm năng để tăng tốc. Ảnh: Đức Thanh |
Phấp phỏng biến số mới
Rạng sáng ngày 21/1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức. Một sự kiện quốc tế rất quan trọng, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới cục diện kinh tế thế giới trong năm 2025.
Liên quan vấn đề này, trong một báo cáo về các động lực tăng trưởng kinh tế 2025, Tổng cục Thống kê cho rằng, những chính sách kinh tế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tác động sâu sắc hơn đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong một cuộc hội thảo cách đây ít ngày, cũng đã nhắc đến sự phức tạp về tình hình kinh tế thế giới và khu vực trong năm 2025. “Tại thời điểm này, các kịch bản xung quanh việc Mỹ gia tăng các biện pháp thuế quan và các công cụ chính sách thương mại khác còn nhiều bất định”, bà Minh nói.
Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 gấp tới hơn 1,6 lần GDP. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dễ hiểu vì sao nhiều ý kiến quan ngại về các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trong một cuộc trao đổi gần đây với báo giới, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu (Ngân hàng UOB), đã nhấn mạnh về 3 thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam và ASEAN trong “thời kỳ Trump 2.0”. Đó là thách thức về thuế quan, thách thức về thị trường tài chính và thách thức về chuỗi cung ứng. Những thách thức này được cho là sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tỷ giá, cũng như có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu. Dù bất cứ điều gì trong 3 thách thức trên xảy ra thì cũng đều tác động tới kinh tế Việt Nam.
Xuất khẩu có lẽ là nỗi lo lớn nhất, bởi đây chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam. Có một rủi ro được nhắc tới, đó là rất có thể, Mỹ sẽ đánh thuế trực tiếp vào hàng hóa của Việt Nam.
Trên thực tế, ngay cả khi chưa có biến số “Trump 2.0”, thì nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế và cả từ các cơ quan hoạch định chính sách đều cho rằng, thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn chịu những rủi ro nhất định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn khó khăn, căng thẳng địa chính trị phức tạp.
Một thông tin đáng chú ý, đầu năm 2025, khi S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12/2024, thì PMI của Việt Nam đã giảm xuống ngưỡng 50 điểm, chỉ còn đạt 49,8 điểm. Báo cáo đã chỉ ra những lo ngại về sự bất ổn và không chắc chắn của thị trường thế giới, do đó đã làm giảm niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới.
“Những bất ổn trên thị trường thế giới cũng làm giảm niềm tin kinh doanh khiến chỉ số này giảm thành mức thấp nhất trong hơn một năm rưỡi. Điều này một phần phản ánh tình trạng không chắc chắn liên quan đến những kế hoạch của chính quyền sắp tới của Mỹ về thuế quan”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, bình luận.
Kinh tế năm 2025 trông vào đâu?
Dù có những phấp phỏng, lo âu về những rủi ro của kinh tế năm 2025, nhưng các dự báo cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng để tăng tốc.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đã chỉ ra 3 cơ hội quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
Thứ nhất, xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành, hoạt động, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng, khoa học - công nghệ cao hơn.
Thứ hai, Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài. “Cơ hội từ thu hút đầu tư nước ngoài có thể mở rộng không gian cho tăng trưởng kinh tế thông qua chuyển giao công nghệ”, ông Nguyễn Anh Dương nói.
Thứ ba, Việt Nam có cơ hội gia tăng đáng kể năng suất lao động nhờ cải cách thể chế, trong đó có cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.
Những cơ hội này là có thật, tuy nhiên, nó có thể tác động nhanh và trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế năm 2025 hay không thì lại chưa dễ đong đếm. Kinh tế năm 2025, trước mắt, vẫn phải trông vào các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư công tiếp tục là một động lực quan trọng, khi mà năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025, do vậy sẽ được đẩy mạnh giải ngân.
“Kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295.000 tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm nói.
Liên quan đến vấn đề này, khi chia sẻ tại sự kiện “Investor Day 2025” mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital đã khẳng định, tiêu dùng nội địa cùng đầu tư công - hai cấu phần lần lượt chiếm tới 52,3% và 30,9% GDP - sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025.
Những động lực này là quan trọng để thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Nhưng để kinh tế có thể bứt phá, đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, có lẽ, còn phải trông chờ vào các động lực tăng trưởng mới, như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, việc thúc đẩy các dự án như bán dẫn, AI, cũng như việc đẩy mạnh xây dựng các dự án hạ tầng chiến lược. Thêm vào đó, nếu đẩy nhanh được việc xây dựng trung tâm tài chính ở TP.HCM và Đà Nẵng thì cũng sẽ có thêm không gian mới cho tăng trưởng kinh tế.