Ngân hàng tìm cách “đẩy” tín dụng ngay từ đầu năm
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:39, 13/01/2025
Năm 2025, các nhà băng sẽ đưa ra nhiều giải pháp kích cầu để đẩy mạnh tín dụng |
Giảm lãi vay, kích cầu tín dụng
Để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% của Chính phủ, năm nay, ngành ngân hàng đề ra mức tăng trưởng tín dụng 16%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Hiện các ngân hàng đã được cấp room tín dụng năm 2025 và đang tích cực triển khai các giải pháp kích cầu ngay từ đầu năm.
“Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác vừa nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cách tính chỉ tiêu tín dụng năm 2025. Theo cách tính này, năm 2025, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng 13%. Kết thúc năm 2024, quy mô tín dụng của Agribank là hơn 1,7 triệu tỷ đồng; như vậy, năm 2025, Agribank có thể bơm thêm 230.000 tỷ đồng ra nền kinh tế. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trên 8%. Trong bối cảnh này, chúng tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 sẽ thuận lợi hơn năm 2024”, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay.
Được biết, ngay từ đầu năm 2025, Agribank triển khai 4 chương trình cho vay ưu đãi với pháp nhân (doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI, khách hàng lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Theo đó, tùy đối tượng, quy mô, thời hạn vay, khách hàng sẽ được giảm 1,2-1,8%/năm lãi suất cho vay thông thường. Với khách hàng cá nhân, Agribank cũng tung gói tín dụng ưu đãi lên tới 110.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, BIDV cũng đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2024 (tín dụng tăng 15,3%, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 12,4%). Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 tối thiếu 14%.
Năm nay, NHNN không giao chỉ tiêu tín dụng “cứng” cho từng nhà băng, mà để cho các ngân hàng chủ động đưa ra mục tiêu tăng trưởng theo hệ số áp dụng chung NHNN công bố trên cơ sở chấm điểm xếp hạng, kết quả cho vay năm 2024…
Năm 2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 15,08%. Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng 16%, song đây không phải là con số pháp định, mà có thể linh hoạt điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế. Tùy vào điều kiện kinh tế, nhu cầu đầu tư, hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhu cầu rót vốn vào một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… thì tín dụng có thể tăng trưởng cao hơn.
Năm 2025, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn so với 5 năm gần đây (2020-2024) và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Gói 145.000 tỷ đồng sẽ giải ngân mạnh hơn
Ngoài tín dụng lĩnh vực ưu tiên, ngay từ đầu năm 2025, NHNN có công văn đề nghị 9 ngân hàng thương mại khẩn trương giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng (gốc là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng).
Theo đề xuất của các tổ chức tín dụng, NHNN đồng ý với đề xuất loại trừ dư nợ cho vay gói tín dụng này vào room tín dụng của các ngân hàng.
NHNN đang nghiên cứu biện pháp điều hành tín dụng phù hợp hơn, thị trường hơn, tăng tính chủ động cho các ngân hàng, song vẫn đảm bảo hai mục tiêu là kiểm soát lạm phát và tín dụng tăng trưởng hợp lý trên cơ sở đảm bảo an toàn, lành mạnh, chỉ kiểm soát chặt tín dụng của những ngân hàng dồn vốn quá nhiều vào lĩnh vực rủi ro.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Bà Phùng Thị Bình cho biết, việc loại dư nợ gói 145.000 tỷ đồng ra khỏi room tín dụng hàng năm sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong giải ngân cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quan trọng nhất trong giải ngân gói tín dụng này.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2021 đến hết năm 2024, cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 580.000 căn. Trong đó, mới có 96 dự án hoàn thành, với quy mô hơn 57.600 căn. Năm 2024, cả nước chưa đạt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao là hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội.
Theo phản ánh của các ngân hàng, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng đạt kết quả thấp (mới giải ngân trên 1%) do nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm, việc phê duyệt các điều kiện tiếp cận của người dân vẫn còn vướng mắc, một số dự án không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Phần lớn các dự án nhà ở xã hội nằm ở ngoại ô, xa trung tâm, không thuận tiện cho người lao động làm việc tại đô thị, nên người dân cũng chưa mặn mà vay mua.
Ngoài ra, người dân và các chủ đầu tư cũng cho rằng, gói tín dụng này lãi suất cao, thời gian vay ngắn nên chưa thực sự hấp dẫn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng sử dụng tiền của các ngân hàng thương mại (là tiền huy động của người dân) do đó không thể giảm sâu lãi suất. Để phát triển nhà ở xã hội, cần phải sử dụng nguồn vốn ngân sách, thay vì vốn của các ngân hàng thương mại.
Hiện nay, Agribank là ngân hàng dẫn đầu giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2024, ngân hàng đã cam kết cho vay 4.000 tỷ đồng với 13 dự án, 252 khách hàng cá nhân, dư nợ giải ngân thực tế đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Bà Phùng Thị Bình cho rằng, với xu hướng phục hồi của nền kinh tế, cầu nhà ở xã hội tại các địa phương sẽ tăng trở lại, cộng thêm vào động thái tích cực tháo gỡ khó khăn pháp lý cho các dự án, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng sẽ giải ngân tốt hơn trong năm 2025.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, nhiều dự án nhà ở xã hội bế tắc cả năm qua, nhưng đã được giải quyết pháp lý nhanh chóng trong 2 tháng cuối năm 2024. Với đà này, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội sẽ khởi sắc hơn trong năm nay, từ đó thúc đẩy gói tín dụng 145.000 tỷ đồng.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại đã tham gia gói tín dụng này phải nghiêm túc cho vay với lãi suất ưu đãi như đã cam kết.