Tiềm năng và thách thức của Việt Nam trong mục tiêu tăng trưởng GDP "hai con số"

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:53, 09/01/2025

Việt Nam được dự báo lọt top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào 2025 với GDP đạt 506 tỷ USD. Song song là mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ, mở đường cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030…

Dự báo từ trang Seasia Stats cho thấy Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào năm 2025 với GDP đạt 506 tỷ USD. Theo Sia Stats, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam được thúc đẩy bởi sự bùng nổ sản xuất và thu hút FDI.

Dự kiến quy mô kinh tế khu vực châu Á năm 2025 (Nguồn: Seasia Stats).
Dự kiến quy mô kinh tế khu vực châu Á năm 2025 (Nguồn: Seasia Stats).

Kết thúc năm 2024, Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng GDP trên 7%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Đồng thời, Chính phủ đã đặt mục tiêu đạt 8% tăng trưởng trong năm 2025, vượt qua chỉ tiêu 6,5-7% đã được Quốc hội thông qua.

Công điện số 137/CĐ-TTg ký ngày 12/2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2025 sẽ là năm bứt phá, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và đặt nền tảng cho giai đoạn tăng trưởng kinh tế hai con số từ 2026-2030. Thủ tướng yêu cầu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì đà tăng trưởng và chuẩn bị cho một kỷ nguyên thịnh vượng.

4 NGÀNH TIỀM NĂNG ĐÓNG GÓP VÀO MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG

“Việt Nam đã từng gần đạt được mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 1995-1996, khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 9%. Tuy nhiên, việc duy trì mức tăng trưởng này một cách bền vững trong dài hạn là một thử thách mà Việt Nam chưa từng đối mặt”, chuyên gia kinh tế Phạm Đức Anh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đức Anh, giảng viên Học viện Ngân hàng, tăng trưởng GDP “hai con số” được định nghĩa là mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Ông nhận định rằng mục tiêu này sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế hiện tại, nhưng hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ và tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới.

Công nghiệp bán dẫn và AI: Sự quan tâm của các "đại bàng công nghệ" như tập đoàn NVIDIA và xu hướng chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện (friend-shoring) trong chuỗi cung ứng toàn cầu mang đến cơ hội lớn cho Việt Nam. Đặc biệt, với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, chi phí cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam, ngành này đóng góp 15-20% vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030.

Năng lượng tái tạo và kinh tế xanh: Với bờ biển dài và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là các dự án quy mô lớn từ các tập đoàn châu Âu như Air Liquide, CIP, Lego… Những dự án này không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hydro xanh và lưu trữ năng lượng.

Công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao: Sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Samsung và Apple thúc đẩy việc hình thành các cụm công nghiệp chuyên sâu. Việc chuyển dịch từ gia công lắp ráp sang xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), cùng với sản xuất linh kiện giá trị cao, tiềm năng ngành ô tô điện và pin, sẽ tạo động lực tăng trưởng mới.

Du lịch thông minh và kinh tế số: Việt Nam có cơ hội phát triển du lịch chất lượng cao nhờ vào thị trường 100 triệu dân và tỷ lệ sử dụng thanh toán số cao. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển hệ sinh thái dịch vụ ban đêm, từ ẩm thực, mua sắm đến văn hóa nghệ thuật, tạo việc làm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ và khách quốc tế. Các nền tảng số và fintech cũng sẽ thúc đẩy giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.

THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Nếu đi đúng kịch bản kinh tế mà Chính phủ đề ra, Việt Nam đối mặt với các thách thức lớn để duy trì tăng trưởng hai con số lâu dài như biến đổi khí hậu, cạnh tranh toàn cầu và tự động hóa. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi từ phát triển dựa vào nguồn lực bên ngoài sang phát triển nội lực và đặc biệt phải có bản sắc kinh tế riêng.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam (%) từ 1985 - 2020 (Nguồn: World Development Indicators).
Tăng trưởng GDP của Việt Nam (%) từ 1985 - 2020 (Nguồn: World Development Indicators).

Thứ nhất, để phát triển nội lực, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Điều này có thể đạt được thông qua cải cách hệ thống giáo dục đại học, xây dựng môi trường học thuật quốc tế và thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp trong nước. Đây sẽ là cơ sở để phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Thứ hai, để tạo bản sắc riêng trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần kết hợp công nghệ hiện đại với các giá trị văn hóa truyền thống như đoàn kết và khát vọng vươn lên. Biến thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và tự động hóa thành cơ hội.

Cụ thể, Việt Nam có thể tận dụng công nghệ từ các đối tác quốc tế để dẫn đầu trong phát triển giải pháp năng lượng sạch cho điều kiện nhiệt đới và các ứng dụng AI phù hợp với thị trường Đông Nam Á, qua đó trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam cần mạnh mẽ cải cách cơ chế chính sách, điều này có thể học hỏi từ các quốc gia châu Á. Ví dụ điển hình như Nhật Bản, khi chuyển đổi cơ cấu ngành từ gia công, lắp ráp sang công nghệ cao trong giai đoạn "thần kỳ" (1955-1973) để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Sáng kiến phát triển kinh tế ban đêm của Trung Quốc, với các chính sách như bổ nhiệm "CEO về đêm" ở Thượng Hải, giảm giá điện cho cửa hàng ban đêm ở Thạch Gia Trang hay tối ưu hóa giao thông công cộng ở Bắc Kinh, cũng là mô hình có thể tham khảo để thúc đẩy ngành dịch vụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Mặc dù mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số vào năm 2025 là tham vọng, nhưng với nền tảng đã có trong năm vừa qua cùng với quyết tâm cải cách mạnh mẽ từ Chính phủ, việc hướng tới mức tăng trưởng hai con số là một định hướng đúng đắn, tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế bứt phá. Đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á, như dự báo từ quốc tế.

Quỳnh Nguyễn