Fintech chuyển mình cùng xã hội không tiền mặt

Fintech - Ngày đăng : 07:32, 18/12/2024

Sự phát triển mạnh mẽ của việc ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa phổ cập kiến thức tài chính.
Fintech giúp “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàngNgân hàng bắt tay Fintech gia tăng lợi ích

Theo Ernst & Young (EY), giai đoạn 2021-2024 đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong lưu thông tiền mặt tại Việt Nam, từ mức 12,11% vào tháng 1/2021 xuống còn 9,98% vào tháng 4/2024. EY nhìn nhận để giảm được khoảng 1% lưu thông tiền mặt, Việt Nam đã mất một thập kỷ từ năm 2011 đến năm 2021. Trong khi chỉ trong 3 năm qua, lưu thông tiền mặt đã giảm tới khoảng 3%.

Kết quả này có được, một phần quan trọng là nhờ những tác động lan toả của việc phổ cập dịch vụ tài chính số (Fintech). EY nhận định, sự thiếu hụt kiến thức tài chính có thể dẫn tới khả năng khó tiếp cận các dịch vụ tài chính. Nhận thấy thực tế đó, các công ty Fintech không chỉ cung ứng dịch vụ, đưa các giao dịch tài chính lên nền tảng số, mà còn qua đó phổ cập kiến thức tài chính cho người sử dụng dịch vụ.

Trong giai đoạn vừa qua, các công ty Fintech Việt Nam không chỉ đơn thuần làm công việc số hoá các giao dịch tài chính, mà họ còn đưa cả hệ sinh thái lưu thông tiền mặt lên môi trường kỹ thuật số. Tại đây, các giao dịch từ thanh toán dịch vụ công đến mua hàng tiêu dùng; từ quán vỉa hè không tên, đến chuỗi thương hiệu nổi tiếng… đều có thể thực hiện trên nền tảng trực tuyến.

EY cũng nhìn nhận các Fintech và ngân hàng đã cùng nhau hợp tác để thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Fintech đem đến các nền tảng đổi mới sáng tạo và chiến lược tập trung trải nghiệm khách hàng, trong khi ngân hàng thực hiện rà soát khung pháp lý và cơ sở hạ tầng tài chính để hỗ trợ cung cấp dịch vụ. Sự hợp tác này đã đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng phạm vi cung cấp của các sản phẩm dịch vụ tài chính và thúc đẩy một nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Theo khảo sát của Worldpay, mặc dù tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán hàng đầu tại các điểm bán hàng vào năm 2023 với ước tính 38% giá trị giao dịch, nhưng con số này đã giảm một nửa so với 85% giá trị thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt vào năm 2019. Ước tính giá trị giao dịch tiền mặt tại các điểm bán hàng sẽ giảm xuống còn 24% vào năm 2027.

Mặc dù có những thành tựu nhất định, song vẫn còn nhiều thách thức với tài chính toàn diện ở Việt Nam. Còn một lượng dân số đáng kể, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vẫn chưa được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính chính thống. Mức độ hiểu biết về tài chính vẫn còn thấp và sự chênh lệch về số hóa đã gây ra thách thức đối với việc đẩy mạnh tài chính toàn diện.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về tài chính trên diện rộng cũng gây ra hạn chế trong việc quản lý hiệu quả các sản phẩm tài chính. Do thiếu hụt kiến thức, người dân khó tiếp cận các dịch vụ tài chính mở rộng, bỏ lỡ những lợi ích mà các dịch vụ này mang lại. Hệ quả là một bộ phận dân số không có cơ hội để tận dụng những công cụ tài chính giúp tăng thu nhập, nâng cao sự ổn định kinh tế.

Để đóng góp thêm vào công tác giáo dục tài chính, các công ty Fintech đang nâng cao khả năng tương tác với khách hàng thông qua các công cụ tự phục vụ như chatbot, thông báo hay các giao diện trực quan trên ứng dụng. Những công cụ này giúp khách hàng có thể chủ động tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính một cách độc lập, đồng thời chủ động tạo ra các cơ hội trau dồi kiến thức tài chính vào hành trình khách hàng.

Một ví dụ điển hình là MoMo đã cung cấp nội dung giáo dục tài chính cho hàng chục triệu người dùng thông qua ứng dụng và trên trang web của mình, tương tác với cộng đồng thông qua mạng xã hội và các kênh khác để chia sẻ các mẹo tài chính và cập nhật về các tính năng mới giúp người dùng quản lý tiền tốt hơn. MoMo đang thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam thông qua các hoạt động nhằm trang bị kiến thức tài chính và an ninh cho người dùng, nhấn mạnh tầm quan trọng của các giao dịch an toàn không tiền mặt.

Để tiếp tục thúc đẩy tài chính toàn diện, theo khuyến nghị của EY, các Fintech và ngân hàng cần hợp tác chặt chẽ để đẩy mạnh giáo dục về dịch vụ tài chính trên nền tảng số. Bên cạnh đó, cần tăng cường phát triển cơ chế ngân hàng mở, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và thúc đẩy phổ cập kiến thức và giáo dục tài chính.

PV