Ba điểm tích cực của kinh tế Việt Nam khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:20, 09/12/2024

Đến ngày 20/1/2025, ông Donald Trump mới chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ngay từ hiện tại, các chuyên gia đã đưa ra các kịch bản biến động của nền kinh tế Việt Nam trước bối cảnh mới.

Trong những chia sẻ mới đây về tình hình vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã dành một khoảng thời gian lớn để nhấn mạnh về những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam, khi ông Donald Trump trở lại vị trí người đứng đầu Nhà Trắng.

Về những khía cạnh tích cực, ông Lực đã chỉ ra 3 điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, chính sách giảm thuế và tăng đầu tư hạ tầng, năng lượng, quân sự… của tân Tổng thống Mỹ sẽ kích cầu đầu tư và tiêu dùng tại xứ cờ hoa. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ gia tăng.

Ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế mới với toàn bộ sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc, Mexico, Canada, ngay khi ông nhậm chức tổng thống vào tháng một năm sau. Đồ hoạ: Thanh Vũ

Thứ hai, các cuộc cạnh tranh chiến lược thương mại - công nghệ sẽ trở nên căng thẳng hơn dưới thời ông Trump. Tuy nhiên, đây cũng là lúc Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.

TS. Cấn Văn Lực nhận đình về tình hình vĩ mô của Việt Nam trước bối cảnh mới. Đồ họa: Thanh Vũ

“Cuối cùng, điểm tích cực thứ ba đến từ việc vị tỷ phú thứ 47 của Mỹ có thể tiếp tục thực hiện cam kết hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi, đàm phán về các vấn đề cùng quan tâm với một thái độ cởi mở hơn, thúc đẩy một số lĩnh vực hợp tác, như năng lượng, hàng không, y tế, giáo dục, bán dẫn, AI…”, ông Cấn Văn Lực nhận định.

Tuy nhiên, song hành với các điểm sáng trên là một số thách thức mà Việt Nam sẽ phải đương đầu. Đầu tiên, đó chính là những thay đổi trong chính sách thuế quan và mở rộng tài khoá, làm tăng lạm phát tại Mỹ và toàn cầu. Sự biến động trên có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương các nước trì hoãn việc giảm lãi suất.

Không dừng lại ở đó, động thái cứng rắn của ông Trump trong việc tăng bảo hộ thương mại, áp thuế quan, điều tra, kiện bán phá giá… cũng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng, lạm phát và thương mại toàn cầu. Trong đó, Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài phạm vi chịu ảnh hưởng từ chính sách.

“Bên cạnh đó, Việt Nam còn đứng trước rủi ro bị ‘gắn mác’ thao túng tiền tệ, chịu áp lực giải trình, thay đổi chính sách và bị áp thuế cao hơn”, ông Lực bày tỏ quan ngại.

Với tư cách là một siêu cường quốc, từng thay đổi trong chính sách điều hành kinh tế của Mỹ đều sẽ tạo ra những “dư chấn” trên toàn cầu. Hiện đây đang là chủ đề được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế bàn luận sôi nổi. Trong một bài viết mới đây trên Forbes, cây bút Cyrus Farivar nhận định rằng, Việt Nam sẽ là nước gián tiếp được hưởng lợi, từ tham vọng dịch chuyển chuỗi sản xuất về Mỹ của ông Trump. Để củng cố nhận định này, tác giả đã chỉ ra các lợi thế sẽ giúp Việt Nam vượt mặt nhiều quốc gia trong khu vực.

“Đầu tiên là sự linh hoạt trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp đến, quốc gia này có vị trí địa lý thuận lợi, với 3 cảng biển nằm trong top 50 cảng nhộn nhịp nhất thế giới và nằm sát Trung Quốc. Điều này giúp hoạt động thương mại và logistics giữa hai nước trở nên thuận tiện hơn. Đáng chú ý, trong khu vực Đông Nam Á, hiện mới chỉ có Singapore và Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu”, ông Cyrus Farivar nhận định.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được nhận định là đang nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các dự án lớn. Tiêu biểu là Nghị định số 135/2024/NĐ-CP cho phép các công ty mua năng lượng xanh trực tiếp từ các nhà sản xuất điện mặt trời, thay vì phải thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Động thái này đã nhận được sự ủng hộ lớn từ Apple, Samsung và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Trả lời Forbes, ông Trần Ngọc Anh, Giáo sư tại Đại học Indiana và cũng từng là thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, mức độ thành công và khả năng bứt phá của kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào các chính sách tạo điều kiện của nhà nước, trước làn sóng FDI mới.

Vị giáo sư chia sẻ rằng, Việt Nam đang kỳ vọng dòng vốn nước ngoài khổng lồ sẽ đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Trước làn sóng FDI thứ 4, quốc gia đang hướng mục tiêu tới các tập đoàn quốc tế.

“Việt Nam nên ưu tiên các doanh nghiệp sở hữu tiềm lực lớn và có khả năng đưa các công ty khác đến đầu tư. Ví dụ, nếu đó là Apple, nhiều nhà cung cấp linh kiện khác cũng sẽ tới, tạo tiền đề giúp Việt Nam tham gia các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao. Thay vì chỉ đơn thuần sản xuất giày dép và dệt may, Việt Nam nên hướng đến công nghệ sinh học, AI và bán dẫn”, ông Trần Ngọc Anh nhận định.

Thanh Vũ