Rào cản pháp lý khiến doanh nghiệp Fintech Việt “chậm chân”

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:46, 05/12/2024

Tài chính toàn diện đóng vai trò không thể tranh cãi trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển. Một số quốc gia nỗ lực hướng tới tài chính toàn diện bằng cách phát triển mạnh mẽ các mô hình tài chính số (Fintech). Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong phát triển dịch vụ tài chính số nhưng lại “chậm chân” hơn do khung pháp lý khá thận trọng với doanh nghiệp Fintech.

Fintech Việt đang ở đâu trên bảng xếp hạng thế giới?

Theo số liệu vừa được Công ty Tư vấn Ernst & Young (EY) công bố, điểm số tài chính toàn diện toàn cầu ghi nhận sự tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây, phần lớn nhờ vào sự cải thiện của các nền kinh tế châu Mỹ Latin và Đông Nam Á. Đặc biệt, khu vực các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), ghi nhận sự cải thiện tốt hơn so với các nước phát triển.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam thuộc top các quốc gia đứng đầu về phổ cập tài chính toàn diện. Tuy nhiên, trong 10 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức độ tiếp cận được dịch vụ tài chính hiện đại của Việt Nam xếp sau 6 quốc gia, chỉ cao hơn Lào, Myanmar, Philippines. Điều đó cho thấy Việt Nam còn nhiều cơ hội để thúc đẩy và phổ cập tài chính toàn diện.

Trên thế giới, các doanh nghiệp Fintech đang khai thác sức mạnh của internet, công nghệ di động và phân tích dữ liệu để cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính có thể được tiếp cận dễ dàng, giá cả phải chăng và thân thiện với người dùng.

3-968.jpg
Các dịch vụ fintech ngày càng phổ biến trong đời sống của người dân. Ảnh: TL

Doanh nghiệp Fintech đưa dịch vụ tài chính đến những vùng xa xôi nhất, kết nối các cộng đồng gặp hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính với nền kinh tế toàn cầu. Theo EY, hiện nay Fintech trên thế giới giúp nâng cao tài chính toàn diện bằng 6 giải pháp: nâng cao khả năng tiếp cận thanh toán số; nền tảng cho vay thay thế; tài chính vi mô và cho vay vi mô; blockchain và tài chính phi tập trung; kiến thức và giáo dục tài chính; hoàn thiện các quy định về bảo vệ người tiêu dùng.

Một số quốc gia đã có ngân hàng số, thực hiện nhiều nghiệp vụ giống ngân hàng truyền thống, nhưng ở quy mô nhỏ hơn và hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến. Đơn cử như NuBank ở Brazil nổi lên là một ngân hàng số cam kết phục vụ người dân chưa từng dùng dịch vụ ngân hàng. Để phục vụ tốt nhất nhóm đối tượng yếu thế, NuBank cung cấp tài khoản miễn phí duy trì, chuyển khoản miễn phí không giới hạn, và lãi suất cao hơn so với tài khoản tiết kiệm thông thường.

Tại Hàn Quốc, Kakaobank - ngân hàng điện tử hoàn toàn đầu tiên, tập trung vào tệp khách hàng có tiếp cận hạn chế tới dịch vụ tài chính bằng cách cung cấp dịch vụ với phí thấp, yêu cầu số dư tài khoản tối thiểu và trải nghiệm người dùng đơn giản hóa, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và nâng cao kiến thức về tài chính.

Tại Việt Nam, thời gian qua các ngân hàng và doanh nghiệp Fintech đã chủ động hợp tác nhằm gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho khách hàng, tối ưu hóa quy trình và tiết giảm chi phí. Nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam đã xem doanh nghiệp Fintech là đối tác quan trọng trong công cuộc cung cấp các sản phẩm tài chính đổi mới sáng tạo tới khách hàng. Qua việc hợp tác với Fintech, các ngân hàng có thể tiếp cận với công nghệ và nền tảng tiên tiến, cho phép họ tiếp cận các phân khúc thị trường mới và đáp ứng được nhu cầu luôn luôn thay đổi.

Chiều ngược lại, chính các doanh nghiệp Fintech Việt Nam cũng đang đổi mới, đa dạng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của nhóm người dùng chưa có tài khoản ngân hàng cũng như khó tiếp cận tới dịch vụ tài chính, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa dịch vụ ngân hàng truyền thống và nền kinh tế số.

Gỡ khung pháp lý để khai phá tiềm năng

Mặc dù doanh nghiệp Fintech tại nước ta đã phát triển nhanh và đóng góp tích cực vào công cuộc phổ cập tài chính toàn diện, song nếu so với các mô hình tiên tiến nhất của Fintech thế giới, thì Fintech tại Việt Nam còn ở phía sau với vị trí khá cách biệt.

Lấy ví dụ, những doanh nghiệp Fintech thuộc top đầu của Việt Nam như MoMo, ShopeePay, Viettel Money thông qua ví điện tử đã cung cấp đa dạng các dịch vụ bao gồm thanh toán hóa đơn, các dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống và chuyển tiền. Các ví điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt và giúp người dân trước đây gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán, tài chính. Tuy nhiên với mô hình hiện tại, các công ty Fintech chỉ được giới hạn trong lĩnh vực thanh toán, trong khi có tiềm năng rất lớn khi phối hợp với ngân hàng để cung cấp các dịch vụ tài chính số vi mô, đặc biệt là mô hình ngân hàng số để phục vụ các đối tượng yếu thế theo xu hướng chung của thế giới.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho thấy, một số dịch vụ mà ngân hàng số các nước đang thực hiện gồm nhận tiền gửi nội tệ - rút tiền mặt; cho vay; nhận và đổi ngoại tệ… thì hiện nay ở Việt Nam đều chưa được thử nghiệm và thực hiện. Với lợi thế công nghệ, ngân hàng đã kết hợp với các công ty Fintech để tạo ra mô hình ngân hàng số và được trao quyền để mở rộng nghiệp vụ hoạt động sang các lĩnh vực mà ngân hàng truyền thống đang thực hiện, nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhằm phục vụ cụ thể các đối tượng yếu thế - cũng là các nhóm mà ngân hàng truyền thống chưa chạm tới được.

Nhìn nhận về lý do khiến Fintech tại Việt Nam còn cách biệt xa so với thế giới, EY cho rằng vướng mắc lớn nhất là khung pháp lý. Các quy định pháp lý cần được phát triển theo hướng rõ ràng và nhất quán nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời quản lý rủi ro liên quan đến các công nghệ tài chính mới. Đáng chú ý, Việt Nam đang nỗ lực thiết lập một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

Một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ bảo đảm các công ty Fintech có thể đổi mới sáng tạo một cách có trách nhiệm, theo hướng ứng dụng công nghệ để cung ứng dịch vụ tài chính toàn diện cho các nhóm đối tượng yếu thế. EY cũng nhấn mạnh đây là cơ sở để khuyến khích sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính truyền thống và doanh nghiệp Fintech, giúp hai bên tận dụng những lợi thế của nhau.

TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cũng đánh giá khuôn khổ pháp lý chưa bắt kịp sự xuất hiện của các sản phẩm dịch vụ tài chính, tổ chức cung ứng mới. Ông Tú phân tích, các sản phẩm dịch vụ tài chính số cần được đa dạng hóa, thiết kế phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu của một số phân khúc khách hàng là đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.

Vấn đề là do khung pháp lý chưa hoàn thiện, nên bản thân các tổ chức cung ứng dịch vụ cũng rất dè dặt trong việc phát triển và mở rộng các sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, ông Tú khuyến nghị các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam cần phải bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với xu thế phát triển tài chính toàn diện số.

Cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh các sản phẩm dịch vụ, các tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính số. Theo đó, quy định rõ các vấn đề liên quan đến sản phẩm dịch vụ tài chính số, tổ chức cung ứng; hoàn thiện quy định cho hoạt động Fintech (sớm ban hành nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng); tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Đan Thanh