Fintech - ngân hàng không còn nỗi lo “cướp khách” của nhau
Fintech - Ngày đăng : 06:55, 04/12/2024
Thông qua MoMo, hơn 1 triệu khách hàng chưa có lịch sử tín dụng lần đầu tiên tiếp cận được kênh tín dụng của các ngân hàng |
Chia sẻ doanh thu, lợi nhuận
Từ khi xuất hiện đến nay, fintech và ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn hợp tác. Trước năm 2012, hai bên có thái độ dè chừng lẫn nhau. Ngân hàng phần nào lo lắng sẽ bị fintech “lấn” thị phần. Tuy nhiên, sau giai đoạn “đốt tiền” để khuyến mại, cạnh tranh khách hàng, nhiều fintech đã rơi vào khó khăn tài chính. Từ năm 2012, nhiều fintech thay đổi tư duy, chuyển sang bắt tay vào hợp tác với ngân hàng và hai bên có sự kết nối khá hài hòa từ đó đến nay.
Phó tổng giám đốc thường trực MoMo, ông Đỗ Quang Thuận cho hay, ban đầu, việc thuyết phục các ngân hàng hợp tác với fintech rất khó khăn vì họ chưa có niềm tin. Tuy nhiên, MoMo đã tận dụng dữ liệu giao dịch của khách hàng, xây dựng hồ sơ tín dụng cho khách hàng, từ đó giúp các ngân hàng tin tưởng và bước đầu cho vay khách hàng của MoMo, dù các khách hàng này chưa có lịch sử tín dụng.
Hiện tại, thông qua MoMo, hơn 1 triệu khách hàng chưa có lịch sử tín dụng “bước ra khỏi bóng tối”, lần đầu tiên tiếp cận được kênh tín dụng chính thống của các ngân hàng. Việc có lịch sử tín dụng giúp khách hàng thuận lợi tiếp cận vốn ngân hàng trong tương lai.
“Thông qua MoMo, các ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các sản phẩm tiết kiệm, đầu tư với quy trình thủ tục đơn giản, nhanh chóng. MoMo đang đóng vai trò xây một cây cầu, kết nối người dùng với các ngân hàng, tổ chức tài chính”, ông Thuận cho biết.
Ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thừa nhận, không phải ngân hàng không muốn cho vay do nguồn vốn đang dư thừa, trong khi cầu tín dụng của nền kinh tế đang ở mức yếu. Việc cho vay đối tượng nhỏ lẻ, với ngân hàng không chỉ vì mục tiêu chính trị (phục vụ tài chính toàn diện), mà còn vì mục tiêu tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tuy vậy, theo ông Trung, ngân hàng không thể có đủ nhân lực để cho vay các đối tượng nhỏ lẻ do chi phí cho vay, thẩm định quá lớn. Việc hợp tác với fintech giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro mà vẫn có thêm doanh thu, thêm khách hàng.
- Ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)
Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ khó tiếp cận vốn ngân hàng do không có tài sản thế chấp, hồ sơ tín dụng không rõ ràng, thủ tục phức tạp, thời gian giải ngân chậm… Trong bối cảnh đó, fintech có thể hỗ trợ cung cấp thêm nguồn dữ liệu hữu ích cho ngân hàng, từ đó giúp ngân hàng xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng, đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp và tự động.
Hiện các ngân hàng thừa vốn, nhưng không dám cho vay, các khách hàng chưa có lịch sử tín dụng muốn vay song không đủ điều kiện tiếp cận vốn. Theo thống kê của Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY), 42% nhóm khách hàng chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính - ngân hàng khi được hỏi cho biết, trong một năm gần đây, đã phải vay nóng, chơi hụi… để tìm vốn.
Theo các fintech, sở dĩ họ có thể tự tin kết nối với ngân hàng để cho vay với các khách hàng chưa có lịch sử tín dụng là nhờ ứng dụng AI, Big Data, thu thập được đa dạng dữ liệu của khách hàng thông qua các giao dịch của họ ngay trên ứng dụng, bao gồm thói quen, hành vi, thu nhập... Quan trọng nhất là fintech tạo ra các sản phẩm rất linh hoạt, “đúng người, đúng thời điểm”, phù hợp với nhu cầu của người vay nhỏ lẻ và quy trình đơn giản, dễ dàng.
Còn nhiều dư địa cùng phát triển
Cầu vốn trên thị trường hiện nay còn rất lớn. Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), chỉ tính riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có tới khoảng 20,3 tỷ USD vốn chưa được đáp ứng, do thiếu tài sản đảm bảo và rủi ro tín dụng cao. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng đen ở Việt Nam vẫn như vòi bạch tuộc, không thể chặt đứt.
Ông Vũ Thành Trung cho hay, ngân hàng đang rất muốn cùng fintech vào cuộc để từng bước đẩy lùi tín dụng đen, xóa khoảng trống tín dụng. “Chúng tôi cần dữ liệu, cần thêm thông tin để mở rộng cho vay. Ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, miễn là đủ dữ liệu tin cậy”, ông Trung cho biết.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, hiện fintech vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, vì ngân hàng không thể “ôm” hết, bao gồm cả dư địa mảng thanh toán (hiện tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn cao), mảng đầu tư (bảo hiểm, chứng chỉ quỹ…), cho vay tiêu dùng…
Ngân hàng và fintech còn có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Đơn cử, MB vừa phối hợp với một fintech phát triển công nghệ phân tích hành vi khách hàng để phát hiện khách hàng có nguy cơ bị lừa đảo qua hành vi của họ. Từ khi sản phẩm ra mắt đến nay, ngân hàng đã phát hiện 2.500 lượt khách hàng có nguy cơ bị lừa đảo.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam khuyến nghị, các cơ quan quản lý cần thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng để khuyến khích đổi mới và quản lý rủi ro, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng các thông lệ quốc tế, sớm ban hành cơ sở pháp lý cho sandbox dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Việc khuyến khích fintech không nên chỉ tập trung vào dịch vụ thanh toán, mà còn phải đẩy mạnh các lĩnh vực khác như chấm điểm tín dụng người dùng, cho vay ngang hàng và công nghệ bảo hiểm... Với fintech, để phát triển mạnh hơn nữa, EY cho rằng, fintech nên tiếp tục hợp tác với ngân hàng để đơn giản hóa dịch vụ và áp dụng các công nghệ mới nổi, giúp mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ.