Nếu có khung khổ pháp lý, Việt Nam sẽ thành “trung tâm tài sản số” của khu vực
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 06:49, 04/12/2024
Tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS 2024) do Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI và Tập đoàn FPT tổ chức ngày 3/12/2024, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI lại một lần nữa kiến nghị Việt Nam cần sớm có khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực tài sản số, bởi đây là cơ hội chưa từng có và nếu bỏ lỡ sẽ không bao giờ mới có cơ hội để phát triển lên một tầm cao mới.
VTIS 2024 với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. VTIS 2024 còn có sự tham gia từ hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước, tập trung vào 4 lĩnh vực chính trong chương trình và hàng nghìn khách mời.
TÀI SẢN SỐ, CƠ HỘI CHƯA TỪNG CÓ CỦA VIỆT NAM
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, trong bài phát biểu cho biết công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tao (AI), game… tất cả trước đây chỉ trong câu chuyện hay ý tưởng của nước này nước khác thì nay đã đi vào từng ngóc ngách của xã hội Việt Nam, của từng gia đình.
Theo ông Hưng, mới đây, Forber đã đưa ra một nghiên cứu rằng người Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm tới tài sản số. Các tổ chức giao dịch trên thế giới, và đặc biệt có tới 10 sàn giao dịch lớn nhất thế giới cũng góp mặt tại VTIS 2024 - cũng thừa nhận Việt Nam là thị trường có mức độ giao dịch trong top 4 thế giới.
Bà Gracy Chen, CEO of Bitget and BitEXC, cho biết tính đến tháng 11/2024, có hơn 9.000 loại tiền điện tử đang hoạt động trên toàn thế giới. Con số này đã dao động theo thời gian, đạt đỉnh vào khoảng 10.397 vào tháng 2/2022 trước khi giảm do động lực thị trường và việc ngừng hoạt động của nhiều dự án. Việc dễ dàng tạo ra các tài sản kỹ thuật số mới đã dẫn đến sự gia tăng của tiền điện tử, mặc dù nhiều loại không có tiện ích đáng kể hoặc đã bị bỏ rơi. Do đó, trong khi hàng nghìn loại tiền điện tử tồn tại, chỉ một phần nhỏ có giá trị thị trường đáng kể hoặc được áp dụng rộng rãi.
Từ thực tế hiện nay, ông Hưng cho rằng đây không còn là những giải pháp công nghệ, những câu chuyện của ý tưởng, tài sản số đã đi vào trong cuộc sống, trong từng gia đình ở Việt Nam. Nhưng theo ông, tất cả những gì liên quan đến tài sản số lại chưa có một khung pháp lý để làm rõ ràng, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm, tạo điều kiện để phát triển. Đồng thời tránh bị các thế lực, các nhóm xấu lừa đảo trên không gian mạng.
“Nếu như tài sản hữu hình có thể quản lý được thông quan hải quan, biên giới để ngăn chặn ra nước ngoài, tài sản số không có biên giới, có thể mang sang bất cứ nước nào nếu Việt Nam không có cơ sở pháp lý để giữ gìn, phát triển và đảm bảo sự tồn tại trong nước. Việc có khung pháp lý là cần thiết để những nhà đầu tư hay những người làm ra sản phẩm công nghệ yên tâm, được bảo vệ và phát triển”, Chủ tịch SSI nhấn mạnh.
Khi có khung pháp lý, các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ của Việt Nam không phải bay sang những nước như Singapore, Mỹ để mở doanh nghiệp, sau đó lại quay về Việt Nam tuyển người và “lò sản xuất” ở chính Việt Nam, nhưng doanh nghiệp lại không phải doanh nghiệp Việt Nam, tài sản không phải tài sản của Việt Nam.
Ở góc độ của nhà đầu tư, cơ sở pháp lý cần để những người hiện đang đầu tư vào các tài sản ảo, tài sản công nghệ yên tâm rằng tất cả những tài sản đó được pháp luật thừa nhận và được công khai đóng thuế. Vì chỉ khi công khai đóng thuế thì những tiền và tài sản đó mới là tài sản hợp pháp ở bất cứ quốc gia nào.
“Chúng ta cần khung pháp lý minh bạch để những người phát triển và những nhà đầu tư được bảo vệ, được minh bạch, không ai có thể lừa được ai, không ai có thể trục lợi qua các chiêu trò trên thị trường”, ông Hưng nói, và cho biết với các tổ chức quốc tế, việc hoàn thiện khung pháp lý để phát triển thị trường tài sản số sẽ thúc đẩy những hợp tác, khi các tổ chức “bay đến” Việt Nam sẽ thấy được họ có thể đóng góp gì và có lợi gì.
Vị Chủ tịch SSI cũng cho rằng cần khơi dậy phong trào lòng yêu nước của một quốc gia dân số trẻ đam mê với công nghệ có thể đóng góp được cho đất nước. Muốn làm được điều này thì phải có thị trường tài sản số. Vì tài sản sinh ra chỉ khi được công nhận, được quyền tự do định đoạt, mua bán trao đổi, khi đó mới cuốn hút được nguồn lực, được những người tham gia đóng góp. Do vậy, việc phát triển khung pháp lý cho thị trường tài sản số là rất cần thiết và cấp bách. “Chúng ta không có nhiều lựa chọn. Hoặc tiếp tục để con em ra nước ngoài hoạt động (trong lĩnh vực tài sản số), hai là quản lý để giữ về mình, thu thuế và để cho con em chúng ta có đất phát triển”, theo ông Hưng.
“Nếu hôm nay không có người đốt lửa thì ngày sau sẽ không có đám cháy. Nếu cơ hội về tài sản số lần này mà chúng ta bỏ lỡ thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có cơ hội lần nữa để cùng nhau phát triển lên một tầm cao mới. Khi có một khuôn khổ pháp lý, với lực lượng trẻ và sự đam mê của giới trẻ, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một trung tâm tài sản số của khu vực”, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nhận định.
SẼ CÒN NHIỀU CÔNG TY NƯỚC NGOÀI CHỌN VIỆT NAM LÀ “NGÔI NHÀ THỨ HAI”
Cũng tại Vietnam Tech Impact Summit 2024, ngay sau bài phát biểu đầy tâm huyết của Chủ tịch SSI, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, trong phần chia sẻ của mình, cho rằng thế giới đang trải qua những biến động chưa từng có, từ các khủng hoảng địa chính trị đến những đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Và Việt Nam đang trở thành bến đỗ an toàn nhất trong bão táp địa chính trị thế giới.
Có ba vấn đề, theo ông Bình, thứ nhất là bối cảnh thế giới và vận hội của đất nước. Thế giới đang bước vào giai đoạn lịch sử với nhiều biến đổi chưa từng thấy. Chưa bao giờ thế giới trở nên bất ổn, khó đoán lường đến thế, hay chưa bao giờ các dây chuyên bị đứt gãy, rất nhiều câu chuyện phá vỡ của startup. Một thế thế giới mới dần hiện lên.
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải ứng xử với tương lai như thế nào? Người lao động có thể đối mặt với tương lai như thế nào khi 75% công việc mà chúng ta đang làm có thể biến mất vào 2030. Trí tuệ nhân tạo đang có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường lao động, thay đổi cách thức làm việc và yêu cầu kỹ năng của người lao động. Con người cần thích ứng với sự thay đổi này bằng cách học hỏi và cải tiến kỹ năng, làm chủ AI, công nghệ trong quá trình làm việc.
Ông Bình tiếp tục đặt câu hỏi, là làm thế nào để chúng ta có sức chống đỡ? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh và sống sót qua các bão tố địa chính trị? Trong bối cảnh đó, rất may mắn cho Việt Nam, theo Chủ tịch FPT. Vì Việt Nam có những cơ hội chưa từng có đến. Đó chính là vận hội. Ông Bình cũng cho rằng vì điều đó mà Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết vào ngày 2/9 có đặt tên cuộc cách mạng mang tên: Chuyển đổi số. Phát biểu của Tổng Bí thư để đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Việt Nam có cơ hội đứng ngang hàng các dân tộc tiên tiến thế giới vào 100 năm ngày độc lập của mình.
Thứ hai, là thế và lực của Việt Nam. Ông Bình cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng tuyên bố: Việt Nam là bến đỗ an toàn của thế giới trong cơn bão địa chính trị. Việt Nam đã phát triển quan hệ ngoại giao với các cường quốc lớn trên thế giới, kết nối với thị trường bằng những nghị định thương mại cởi mở. Cơ hội đã đến với đất nước, với tất cả mọi người. Vấn đề lớn nhất là các bạn ở đây hôm nay có nắm lấy cơ hội hay không mà thôi.
Hơn thế, Việt Nam có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Ông Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys Technologies đã nói: Ấn Độ và Việt Nam đã có doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm doanh thu vượt 1 tỷ USD. Ấn Độ cũng như Việt Nam có lực lượng cán bộ công nghệ mà nhiều nước mơ không có được.
“Không phải phải ngẫu nhiên CEO Nvidia, Jensen Huang chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình vào thời điểm này. Tôi tin rằng: Vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, nhiều công ty khác sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình”, ông Bình nhìn nhận và cho rằng không nhiều nơi như Việt Nam, khi người ta nói bất kỳ công nghệ mới nào đều có lực lượng kỹ sư phần mềm có thể học và tham gia. Đó là: AI, edutech, gaming và nhiều thứ nữa. Người Việt Nam đều có thể học được, làm được.
Thứ ba là dữ liệu, và đây cũng nội dung quan trọng nhất, theo ông Trương Gia Bình. “Nếu được chọn một từ để mọi người ghi nhớ thôi, tôi chọn: dữ liệu (Data). Dữ liệu có cả AI, Blockchain, fintech, edutech…, mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu”, ông Bình nói. Theo ông, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá không chỉ của Việt Nam mà toàn thế giới. Dữ liệu đã trở thành nhiên liệu quan trọng nhất cho mọi nền kinh tế. Dữ liệu không tuân thủ bảo toàn khối lượng (không giống nguyên lý vật chất). Trật tự thế giới được thiết lập trên cơ sở quốc gia nào nắm và quản lý dữ liệu tốt hơn các dân tộc khác. Đây là thách thức vô cùng lớn.
Vậy làm thế nào để có đủ dữ liệu, để dữ liệu sạch, quyền sở hữu dữ liệu ra sao? Hay nói gọn lại: Data why? Chúng ta chưa xác định được. Theo Chủ tịch FPT, cần phải suy nghĩ thấu đáo về chuyện này. Tất cả dữ liệu có được đều có thể biến thành tiền. Dữ liệu là dầu mỏ của tương lai. Ai biết khai thác, chế biến, sử dụng, người đó có thể chiếm lĩnh đỉnh cao mới.