Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần nỗ lực từ nhiều phía
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:04, 06/11/2024
Ngân hàng luôn đồng hành
Theo đó DNNVV là 1 trong số 5 lĩnh vực được ưu đãi lãi suất (phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; Phục vụ kinh doanh của DNNVV; Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực này tối đa chỉ là 4%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho nhóm doanh nghiệp này. Không chỉ thông qua các gói vay ưu đãi lãi suất, ngân hàng còn rất cởi mở với DNNVV bằng việc đơn giản thủ tục, quy trình vay vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Chẳng hạn như tại Agribank, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc ngân hàng này cho hay, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã đưa ra 6 gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Trong đó, gói tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp với quy mô 20.000 tỷ đồng có lãi suất từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu có thể tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất rất ưu đãi này.
Tương tự tại SHB, ông Đinh Ngọc Dũng, Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp của SHB cho hay, nhằm giúp khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, SHB đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, trực tiếp gặp gỡ khách hàng để lắng nghe và cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chủ động cung cấp các giải pháp phi tài chính, hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện tư vấn, đào tạo miễn phí tài chính doanh nghiệp, nhằm bảo đảm chiến lược phù hợp với giai đoạn hiện tại...
Không chỉ dành nguồn lực vốn mà việc ứng dụng các quy trình cho vay hiện đại cũng hướng tới đối tượng DNNVV. Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng đánh giá, các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng mạnh mẽ trong hầu hết các hoạt động ngân hàng; nhiều nghiệp vụ ngân hàng đã được số hóa hoàn toàn. Chẳng hạn, đối với hoạt động tín dụng, các ngân hàng đã đẩy mạnh số hóa quy trình cho vay nhằm rút gọn thủ tục vay vốn từ tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt, giải ngân… mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế, trong đó có nhóm DNNVV.
Theo nghiên cứu của McKee, tại các nước ASEAN, 3/4 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho biết mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ thanh toán số. Đây là một sự thay đổi đáng kể. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng dịch vụ vay vốn trên môi trường số cũng đang tăng trưởng tích cực. Theo thống kê của NHNN, doanh số cho vay bằng phương tiện điện tử trong tháng 7/2024 đạt khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay bằng phương tiện điện tử đến hết 31/7/2024 đạt khoảng 1.156 nghìn tỷ đồng.
Các NHTM tích cực triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV |
Cần cải thiện “sức khoẻ” của doanh nghiệp
Nhắc đến vấn đề tiếp cận vốn của DNNVV, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp DNNVV Việt Nam cho rằng, hiện đang đề cập nhiều đến chính sách tiền tệ mà quên yếu tố quan trọng đó là “sức khoẻ” của các doanh nghiệp này. Ông Hùng cho biết, các DNNVV phần lớn hoạt động manh mún, không có tư duy nhiều về tài chính doanh nghiệp và pháp lý, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt vốn chủ sở hữu rất khiêm tốn. “Phải tăng vốn chủ sở hữu thì vốn vay mới phát huy hiệu quả, đây là điều quan trọng cần lưu tâm chứ không phải đề cập nhiều tới khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp”, ông Hùng nhận định.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Trường đại học Đại Nam nhận định, có rất nhiều rủi ro cho vay các DNNVV, siêu nhỏ. Nguyên do phần lớn các doanh nghiệp đều có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trong khi định hạng tín nhiệm chưa có hoặc ở mức thấp, thiếu phương án kinh doanh khả thi và năng lực quản lý sử dụng vốn kém. Điều này khiến các TCTD khó khăn trong việc quản lý dòng tiền cũng như quản trị rủi ro trong cho vay đối với các doanh nghiệp này.
Chính vì vậy, để có thể tiếp cận vốn vay tốt hơn, sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, bản thân DNNVV cũng cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được vận hành một cách tốt nhất theo nghĩa là ổn định và hiệu quả.
Đồng thời, chủ động xây dựng hệ thống thông tin của doanh nghiệp để sẵn sàng cung cấp đầy đủ thông tin, đảm bảo sự minh bạch và tiêu chuẩn hóa thông tin báo cáo theo yêu cầu của các TCTD, quy định của pháp luật và điều kiện dữ liệu để áp dụng công nghệ. Ngoài ra, vốn cho DNNVV không chỉ từ phía ngân hàng mà còn cần phát huy hiệu quả, vai trò của các thị trường vốn khác trong nền kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Ngân hàng rất quan tâm đến DNNVV. Tuy nhiên, để có thể phát triển được doanh nghiệp đó phải đảm bảo có đủ sức khỏe hay nói cách khác một đứa con sinh ra phải “khoẻ mạnh” mới phát triển được.
Bên cạnh đó, hiện nhiều "bà đỡ" đối với DNNVV cụ thể ở đây là Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đang hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy được vai trò. Vì vậy, câu chuyện gỡ vướng mắc về tiếp cận vốn cho DNNVV phải từ rất nhiều phía, không chỉ từ phía ngân hàng. Về phía NHNN, trong thời gian tới cũng sẽ nghiên cứu chiến lược đối với DNNVV để phù hợp với yêu cầu hiện nay.