Làm rõ tư duy vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:44, 05/11/2024
Sở dĩ phải làm rõ khái niệm này bởi nó sẽ quyết định nhiều vấn đề tại doanh nghiệp. Và nếu không phân định được rõ khái niệm, nhiều doanh nghiệp sẽ vừa phải tuân thủ luật này, vừa phải tuân thủ các luật khác một cách rối ren.
“TÔI CẢM THẤY LO CHO DOANH NGHIỆP”
Lấy một ví dụ, Bộ Xây dựng đại diện vốn nhà nước tại Viglacera xây dựng phương án thoái vốn tại doanh nghiệp này, khi có phương án giá phải xin ý kiến cơ quan tài chính cùng cấp rồi mới tiến hành bán đấu giá. Trong khi đó, với những doanh nghiệp mà nhà nước chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn cho SCIC thì sau khi được chấp thuận chủ trương thoái vốn từ cơ quan có thẩm quyền, SCIC sẽ thuê thẩm định giá và tiến hành bán đấu giá mà không phải xin ý kiến cơ quan tài chính cùng cấp. Tương tự là những đầu việc liên quan đến chia cổ tức, đầu tư dự án…
Ông Lê Anh Xuân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế toán Ngân hàng Nhà nước, cho rằng phải làm rõ khái niệm vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp. Với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, điều này hiển nhiên là rõ ràng. Song với các doanh nghiệp có nhiều thành phần cổ đông, trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước, vốn cổ đông cá nhân, vốn cổ đông tổ chức ngoài nhà nước, vốn cổ đông nước ngoài… Khi đã đầu tư vào doanh nghiệp thì đồng vốn đó trở thành vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có quyền với đồng vốn đó.
Cũng cần làm rõ khái niệm phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác bởi nếu không, rất khó minh định và thực hiện quyền của cơ quan chủ sở hữu trong doanh nghiệp cổ phần.
“Chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ có thể có ý kiến với đại diện chủ sở hữu, đại diện phần vốn sẽ biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT theo tỷ lệ chứ chủ sở hữu không thể quyết định được”, ông Xuân nêu quan điểm.
Chuyên gia Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần phải rõ tư duy vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp phải trở thành vốn của doanh nghiệp, không thể phân tách đồng vốn của từng nhóm cổ đông để rạch ròi “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn không thể với tay quyết định mọi vấn đề, can thiệp ở doanh nghiệp con mà phải qua hệ thống quản trị công ty, phải thông qua cơ cấu quyền lực quản trị trong công ty.
“Tôi cảm thấy lo cho doanh nghiệp”, ông Cung bình luận khi trao đổi về tư duy lẫn lộn trong khái niệm vốn nhà nước và vốn doanh nghiệp.
BĂN KHOĂN CỦA SCIC VÀ DOANH NGHIỆP
Tâm tư của ông Nguyễn Đình Cung hẳn cũng là băn khoăn của các doanh nghiệp có vốn của SCIC và chính SCIC khi gần đây một câu hỏi được đặt ra: Vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi SCIC nhận bàn giao là vốn của SCIC hay vốn nhà nước?
Theo các quy định hiện hành, vốn nhà nước bàn giao về SCIC được ghi nhận vào vốn điều lệ (vốn chủ sở hữu) của SCIC, phần vốn sau khi tiếp nhận là tài sản của SCIC và là vốn đầu tư của SCIC tại doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, tại Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, vốn chủ sở hữu của SCIC bao gồm: Vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty. Tổng công ty có trách nhiệm phản ánh đầy đủ giá trị vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp đã nhận chuyển giao theo giá trị vốn được xác định tại Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước giữa các bên hoặc Biên bản điều chỉnh việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước (nếu có). Trong quá trình hoạt động, vốn điều lệ của SCIC có thể tăng lên do vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty nhận chuyển giao.
Hiểu một cách nôm na, vốn chủ sở hữu của SCIC hiện là 61.000 tỷ đồng, trong đó đã tính phần vốn của SCIC tại các doanh nghiệp có trong danh mục đầu tư của SCIC như FPT, Nhựa Tiền Phong, Traphaco, Dược Hậu Giang, TCT Dược Việt Nam…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, xét về bản chất và căn cứ theo các quy định pháp luật, việc Nhà nước chuyển giao vốn cho SCIC là việc nhà nước mang tài sản (biểu hiện là quyền sở hữu cổ phần, quyền sở hữu phần vốn góp tại các doanh nghiệp) để góp vốn vào SCIC (mô hình công ty TNHH một thành viên). Sau khi nhận bàn giao, vốn góp, quyền sở hữu cổ phần, quyền sở hữu phần vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp trở thành tài sản của SCIC. SCIC có quyền tài sản, có quyền ký kết hợp đồng từ các tài sản đó.
Chuyên gia nhấn mạnh, cũng phải phân biệt SCIC với các cơ quan đại diện sở hữu vốn nhà nước khác như Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, địa phương… vì SCIC hoạt động theo mô hình doanh nghiệp không phải là cơ quan hành chính, có bảng cân đối kế toán, phải tuân thủ các quy định của luật doanh nghiệp.
Khoản 9 Điều 3 Luật số 69 quy định: “Vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động”.
Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP: “Vốn chủ sở hữu của SCIC bao gồm: “b) Vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty theo quy định tại Điều 7 Nghị định này”;
Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 147/2017/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP quy định “Tổng công ty có trách nhiệm phản ánh đầy đủ giá trị vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp đã nhận chuyển giao theo giá trị vốn được xác định tại Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước giữa các bên hoặc Biên bản điều chỉnh việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước (nếu có)”.
Trường hợp coi vốn SCIC nhận bàn giao tiếp tục là vốn nhà nước sẽ dẫn đến 1 đồng vốn nhà nước bàn giao về SCIC được phản ánh trùng ở hai pháp nhân độc lập, thể hiện trên báo cáo tài chính của 2 doanh nghiệp: một là vốn nhà nước tại SCIC; hai là vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chuyển giao cho SCIC.
Nói về điều này ông Cung cho rằng: “Thế giới không phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước trực tiếp, hay gián tiếp bởi đã là doanh nghiệp thì sẽ tuân thủ loại hình công ty cổ phần hoặc công ty TNHH. Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp dùng vốn này đi đầu tư, có sản phẩm thì đó là sản phẩm của doanh nghiệp, có lợi nhuận thì đó là lợi nhuận của doanh nghiệp, không phải sản phẩm hay lợi nhuận của nhà nước. Còn nhà nước thông qua tỷ lệ cổ phần hoặc phần vốn của mình ở doanh nghiệp quyết định hoặc tham gia quyết định việc phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp”.