Tài chính toàn diện đúng nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:08, 30/10/2024

(HQ Online) - Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, TS. Nguyễn Đức Kiên (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng, Củ tịch Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho rằng, cần những giải pháp, chính sách cụ thể và chuyên biệt để các doanh nghiệp này nâng cao khả năng tiếp cận vốn và công nghệ.

Ông đánh giá như thế nào về những những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia?

TS. Nguyễn Đức Kiên (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS)
TS. Nguyễn Đức Kiên (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS)

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 1/2020, tính đến nay cũng gần 5 năm triển khai nên đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.

Theo đó, quá trình thực hiện Chiến lược đã thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong hệ thống tín dụng, đặc biệt là ngành ngân hàng. Với sự phát triển của công nghệ và các chương trình chuyển đổi số do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai, quy trình phê duyệt và tiếp cận nguồn vốn đã được cải tiến đáng kể. Nhờ đó, thời gian xử lý nhanh hơn, chi phí giảm đi, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng bộc lộ một số bất cập, nổi bật là sự chênh lệch giữa các loại hình doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp lớn và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu hoặc hợp tác quốc tế có tốc độ tăng trưởng rõ rệt thì doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh lại có xu hướng chậm hơn. Điều này xuất phát từ thực tế rằng các doanh nghiệp lớn có nguồn lực dồi dào và dễ dàng thích ứng với công nghệ trong khi các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều hạn chế về vốn và nhân lực.

Vì vậy, để đạt được tài chính toàn diện đúng nghĩa, chúng ta cần có những chiến lược riêng biệt, phù hợp với từng đối tượng. Với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh, cần có những giải pháp chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ họ nâng cao khả năng tiếp cận vốn và công nghệ.

Theo ông, các cơ quan quản lý cần những chiến lược gì để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi họ luôn gặp nhiều thách thức về tiếp cận nguồn vốn?

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Chiến lược tài chính cần phải giải quyết nhiều vướng mắc. Về nguồn vốn, Chính phủ và các ngân hàng đã cam kết bố trí các khoản vay ưu đãi. Tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này. Một phần do quy trình phê duyệt tín dụng hiện nay vẫn áp dụng nhiều tiêu chí an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (như Basel II và Basel III) khiến các doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện. Chính vì vậy, cần có những tiêu chí đánh giá tín nhiệm tài chính khác, phù hợp với quy mô và đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, việc tận dụng chuyển đổi số và công nghệ tài chính (fintech) là một chìa khóa quan trọng để tạo điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn cho doanh nghiệp nhỏ. Do vậy cần đẩy mạnh các giao dịch phi vật lý và tận dụng công nghệ lưu trữ dữ liệu lớn (big data) để đánh giá tín nhiệm tài chính. Những phương pháp này không chỉ giúp rút ngắn thời gian phê duyệt mà còn giảm chi phí tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ đào tạo kỹ năng công nghệ cho các chủ doanh nghiệp nhỏ. Nhiều người trong số họ, đặc biệt là hộ kinh doanh gia đình vẫn quen với phương thức kinh doanh truyền thống và chưa có kinh nghiệm trong việc sử dụng công nghệ thanh toán điện tử. Do đó, các cơ quan quản lý nên hợp tác với các tổ chức đào tạo, cung cấp khóa học ngắn hạn về thanh toán điện tử và quản lý tài chính cơ bản. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình mà không phải chịu áp lực tài chính quá lớn.

Tiềm năng thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam hiện nay ra sao, thưa ông?

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu tất yếu trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh, việc chuyển đổi này không hề dễ dàng.

Đối với chuyển đổi số, nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một công cụ đơn giản, nhưng thực tế quá trình này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn về công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Để thực hiện các giao dịch số hóa, doanh nghiệp phải có cơ sở hạ tầng như thiết bị chấp nhận thanh toán, đường truyền internet ổn định…

Tất cả đều tốn kém và nhiều doanh nghiệp nhỏ khó lòng đáp ứng. Hơn nữa, đội ngũ nhân sự của các doanh nghiệp này thường chưa có kinh nghiệm với công nghệ số nên cần có thêm các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ năng cho họ.

Đối với chuyển đổi xanh, đây là một thử thách còn lớn hơn bởi nguồn lực tài chính để đầu tư vào các công nghệ xanh không hề nhỏ. Chuyển đổi xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn mạnh và cơ sở khoa học công nghệ cao. Nhiều nước phát triển đã đầu tư hàng chục năm vào công nghệ xanh và có sẵn các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu chuyển đổi xanh, phần lớn công nghệ vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí cao. Vì thế, các doanh nghiệp cần tận dụng những ưu thế của người đi sau, không chỉ cần nguồn lực tài chính mà còn cần có sự phối hợp quốc tế và chia sẻ công nghệ.

Tôi cũng muốn lưu ý rằng, trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, Việt Nam cần thận trọng để không bị rơi vào phong trào nhất thời. Việt Nam nên thực hiện các chính sách chuyển đổi xanh một cách linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh và khả năng thực tế, tránh tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu (thực hiện)