Mức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chưa hấp dẫn
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 17:07, 28/10/2024
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) |
Ông đánh giá thế nào về mức thuế ưu đãi hiện nay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ?
Từ ngày 1/7/2013, doanh nghiệp nhỏ được hưởng thuế suất thuế TNDN 20%, thay vì mức thuế suất phổ thông 22%. Nhưng kể từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông được giảm xuống còn 20%, tức là doanh nghiệp nhỏ phải nộp thuế ngang bằng các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Thực ra, thuế suất thuế TNDN phổ thông của Việt Nam không cao so với các nước trong khu vực.
Ở đây không bàn về mức thuế suất thuế TNDN phổ thông cao hay thấp, mà chỉ muốn nói đến chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Kể từ năm 2016, khi thuế suất phổ thông hạ xuống còn 20%, thì doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ không còn được ưu đãi thuế.
Trong khi đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018) quy định, doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường. Như vậy, riêng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã không thực hiện được, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều có chính sách ưu đãi thuế cho đối tượng này.
Kỳ họp thứ tám của Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hưởng mức thuế TNDN thấp hơn thuế suất phổ thông. Theo ông, mức thuế đề xuất đã hấp dẫn chưa?
Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp trình Quốc hội lần này đưa ra 2 mức thuế suất ưu đãi: 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm; và 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng/năm (không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty liên kết mà công ty mẹ, công ty liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thuế này).
Để thuyết phục, Ban Soạn thảo (Bộ Tài chính) phải có đánh giá cụ thể, nếu áp mức thuế này hay mức thuế khác thì bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng, được hưởng bao nhiêu (trên cơ sở số giảm thu ngân sách nhà nước dự tính hàng năm). Với mỗi mức thuế suất ưu đãi, dự kiến hàng năm tăng thêm bao nhiêu doanh nghiệp mới được thành lập, tạo ra bao nhiêu việc làm...
Trên cơ sở đó, Quốc hội mới có cứ liệu để so sánh và quyết định áp mức thuế ưu đãi nào là phù hợp. Hiện tại, Hồ sơ xây dựng Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp chỉ đưa ra đúng 2 mức thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên nói là hấp dẫn hay không chỉ là cảm tính.
Vậy cảm tính của ông ra sao?
Trong số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có khoảng 94% quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó chủ yếu là siêu nhỏ, vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Trong số doanh nghiệp này, chỉ có khoảng 20% hoạt động có lãi, phải nộp thuế TNDN. Vì thế, mức thuế suất như đề xuất của Bộ Tài chính chỉ mang tính động viên, chứ chưa thực sự hỗ trợ doanh nghiệp, chưa phải là cú hích, tạo điều kiện để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn ra kinh doanh.
So với các nước, thì mức thuế ưu đãi của Việt Nam không hấp dẫn. Cụ thể, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông của Trung Quốc hiện là 25%, nhưng doanh nghiệp nhỏ được hưởng thuế suất 20%, tức là thấp hơn 5 điểm phần trăm. Còn với Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ hưởng thuế suất 17%, tức là chỉ thấp hơn 3 điểm phần trăm so với mức thuế phổ thông là 20%.
Ý ông là cần phải ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ?
Đây là mong mỏi của cả cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Trên thực tế, khu vực này đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước không lớn như các khoản thu khác, nhưng là khu vực tạo việc làm, nhất là lao động phi chính thức rất lớn; tạo thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động không qua đào tạo, không có bằng cấp, chứng chỉ; góp phần quan trọng trong giải quyết an sinh xã hội. Vì vậy, cần mạnh dạn hỗ trợ, ưu đãi bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó giảm thuế chỉ là một cách.
Một trong những mục tiêu của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp, nhưng gần 7 năm thực thi, đến nay, có thể nói, mục tiêu này thất bại. Lý do khiến hàng vạn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu rất lớn, thậm chí còn hơn cả doanh nghiệp có quy mô vừa, vẫn không muốn thành lập doanh nghiệp là kinh doanh theo hộ được nộp thuế khoán tính trên doanh thu hấp dẫn hơn.
Cụ thể, hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa nộp thuế tương đương 1,5% doanh thu; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu nộp 7%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu nộp 4,5%; hoạt động dịch vụ khác nộp 3%.
Tôi cho rằng, nếu đưa ra mức thuế suất ưu đãi thực sự hấp dẫn, sẽ có hàng loạt hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thành lập doanh nghiệp vì mức thuế ưu đãi thấp hơn thuế khoán.
Theo ông, cách tính ưu đãi thuế dựa vào doanh thu có hợp lý?
Doanh thu cao không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có lợi nhuận lớn. Trong bối cảnh “trăm người mua vạn người bán”, để bán được hàng, cung cấp được dịch vụ, phải giảm giá, ưu đãi, hậu mãi, khuyến mại, quảng cáo, tiếp thị... cho khách hàng, nên doanh thu không phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Vì vậy, theo tôi, thay vì đánh thuế dựa vào doanh thu, nên căn cứ vào thu nhập chịu thuế (doanh thu trừ chi phí hợp lý, hợp lệ). Nhiều nước cũng ưu đãi thuế dựa vào thu nhập chịu thuế, có thể áp một mức thuế suất hoặc áp thuế lũy tiến.