Kinh tế Việt Nam bứt phá để về đích năm 2024
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:20, 19/10/2024
Thúc đẩy xuất khẩu là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đức Thanh |
Những dự báo lạc quan
Các dự báo lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục được đưa ra, sau khi mức tăng trưởng 7,4% trong quý III/2024 và 6,82% trong 9 tháng được Tổng cục Thống kê công bố.
Mới đây nhất, hôm 15/10, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố báo cáo kinh tế quý III/2024. Theo đó, VEPR cập nhật 2 kịch bản cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong quý IV/2024 và cả năm 2024.
Cụ thể, với kịch bản thấp, tăng trưởng quý IV dưới mức 7%, tăng trưởng GDP cả năm sẽ quanh mức 6,84%. Còn với kịch bản cao, tăng trưởng quý IV ở mức 7,4%, tăng trưởng cả năm sẽ đạt 7%.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV) lại đưa ra tới 3 kịch bản. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,8-7%; ở kịch bản tích cực, con số là trên 7%; còn ở kịch bản tiêu cực, mức tăng trưởng là 6,6-6,8%.
“Để đạt được mức tăng trưởng 6,8-7% năm 2024, thì GDP quý IV/2024 cần tăng 6,8-7,8%. Với năm 2025, tiếp đà tăng trưởng cao của năm 2024, các động lực tiếp tục được thúc đẩy, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,7-7%, tương đương năm 2024”, Nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tính toán.
HSBC cũng là một trong những đơn vị có dự báo lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong báo cáo đưa ra cách đây ít ngày, các chuyên gia của HSBC đã nhấn mạnh rằng, sau năm 2023 và quý I/2024 đầy vất vả, Việt Nam đã trở lại là “ngôi sao tăng trưởng của ASEAN”.
Sự dẫn dắt của khu vực sản xuất và thương mại được HSBC cho là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được mức cao, bất chấp những tác động của cơn bão Yagi. HSBC dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm nay.
Con số trên khá tương đồng với kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam. Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc đầu tuần tới, Chính phủ cũng dự báo rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 6,8-7%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,6-8%, để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 7% và thậm chí cao hơn trong năm nay. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của các thành viên Chính phủ.
Bứt phá để về đích
Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng, nhiệm vụ đặt ra cho quý cuối năm là phải làm sao để có thể tăng trưởng bứt phá. Áp lực là không nhỏ khi những thách thức, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn đó.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR, khi công bố báo cáo nghiên cứu của VEPR, đã nhắc đến những bất định trong triển vọng xuất khẩu liên quan nhu cầu tiêu dùng của các thị trường như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. “Hơn nữa, độ trễ từ tác động của cơn bão Yagi cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong quý IV”, ông Việt nhận định.
Những ảnh hưởng của bão Yagi đối với tăng trưởng kinh tế cũng là điều được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán trước đó. Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão Yagi, tăng trưởng kinh tế kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 có thể giảm 0,15 điểm phần trăm.
Còn theo tính toán của nhóm nghiên cứu của chuyên gia Cấn Văn Lực, mức giảm tăng trưởng GDP có thể là 0,22 điểm phần trăm so với kịch bản không có bão.
Thực tế, chính sản xuất công nghiệp và thương mại tăng trưởng mạnh mới là những động lực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng của quý III/2024 và 9 tháng đầu năm. “Điểm tựa” nông nghiệp đã tăng trưởng chậm lại do bão và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bởi vậy, để bứt phá trong quý IV/2024, giải pháp là tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Gỡ vướng cho du lịch cũng là một giải pháp quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bởi đây là giải pháp trong tầm tay, phụ thuộc lớn vào nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, đã chỉ đạo các tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân để làm sao cả năm đạt tỷ lệ 95%, đóng góp cho tăng trưởng.
Điểm tích cực là, các tổ công tác đã bắt đầu xuống từng địa phương, vào từng dự án để gỡ vướng. Phó thủ tướng Lê Thành Long vừa dẫn đầu Tổ công tác số 3 làm việc với Bình Phước về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công năm 2024. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Gỡ được điểm nghẽn này, kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có cơ hội để bứt phá, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Nhưng đó mới chỉ là những động lực tăng trưởng truyền thống. Theo Nhóm nghiên cứu của BIDV, cần phải khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng... Đồng thời, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa, như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, cũng như các chính sách về tín dụng - tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực bị thiệt hại bởi bão Yagi.
Đây cũng chính là những giải pháp quan trọng được Chính phủ đề ra. Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Chính phủ xác định tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ về thể chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công…