Ba điểm mới trong Dự thảo Nghị định quản lý hải quan xuất nhập khẩu thương mại điện tử
Chính sách - Ngày đăng : 08:50, 11/10/2024
Báo cáo từ nền tảng phân tích số liệu thị trường Metric.vn cho thấy nửa đầu năm 2024, tổng doanh thu của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok shop đạt 156.000 tỷ đồng, tăng mạnh 78% so với cùng kỳ.
Với dự báo doanh thu thương mại điện tử năm 2024 ước đạt 27,5 - 28 tỷ USD, mở ra triển vọng đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
SỚM HOÀN THIỆN NGHỊ ĐỊNH QUẢN LÝ XUẤT NHẬP KHẨU QUA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển lớn, giúp người tiêu dùng trong nước tiếp cận với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú hơn từ thị trường nước ngoài, đặc biệt khi ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế cùng đổ bộ lên sàn livestream (phát sóng trực tuyến). Mặt khác, doanh nghiệp Việt cũng dễ dàng đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường quốc tế.
Dù vậy, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới với công tác quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.
Chia sẻ với báo giới gần đây, ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cho rằng thương mại điện tử hiện vẫn là mô hình mới tại Việt Nam và hoạt động này ngày càng sôi động. Cơ quan hải quan đang được Chính phủ giao xây dựng Nghị định về về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử và dự thảo đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ từ năm 2023.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau khi có hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ việc quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch trên sàn, Nghị định này sẽ ban hành và chính thức đi vào cuộc sống.
Cũng theo đại diện Tổng cục Hải quan, Việt Nam hiện chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử. Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau.
Theo đó, hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh được thực hiện theo quy định về hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh. Hàng hóa gửi qua dịch vụ đường biển, đường bộ, đường không thông thường thì thực hiện thủ tục hải quan như hàng hóa thông thường.
Dù vậy, cơ quan hải quan nhận thấy thời gian vừa qua, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Để phòng ngừa và kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trên tuyến bưu điện, chuyển phát nhanh, cơ quan hải quan chủ động thu thập thông tin, nắm vững tình hình địa bàn, kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống, nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm.
Cán bộ hải quan cũng chủ động phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường tổ chức đấu tranh, kịp thời ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua khu vực cửa khẩu, cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
TẠO THUẬN LỢI THÔNG QUAN
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh song cũng đặt ra yêu cầu có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt, vừa đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia; đồng thời, đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà chúng ta ký kết với song phương, đa phương.
Góp ý về dự thảo Nghị định về về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, ông Kiên cho rằng rất cần thông tin để quản lý hải quan tập trung, gồm cả thông tin người bán, người mua, hàng hóa, thành phẩm có liên quan. Qua đó, giúp tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng và cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia, theo dõi để đồng bộ các chính sách, thủ tục.
Nhờ vậy, công tác khai báo hải quan điện tử, kê khai thuế, theo dõi thanh toán thuận lợi hơn và phòng, chống trục lợi, gian lận cũng như thực thi Luật Sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn.
"Cơ quan hải quan tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách để đảm bảo các quy định của hoạt động thương mại điện tử, vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán nhanh chóng, vừa bảo hộ nền sản xuất trong nước".
Dù nghị định chưa ban hành nhưng hiện cơ quan hải quan luôn tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch này dựa trên nguyên tắc tuân thủ các thông lệ quốc tế cũng như các công ước về quản lý đối với hàng hóa vận chuyển, bưu chính chuyển phát nhanh, tuân thủ các tiêu chuẩn miễn thuế và tuân thủ theo các quy định về của luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Thời gian qua, ngành hải quan triển khai nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh hàng hóa xuyên biên giới nói riêng.
Cơ quan hải quan đa dạng các hình thức hỗ trợ dành cho doanh nghiệp đối tác như hướng dẫn và tư vấn, hỗ trợ về khai báo hải quan, chế độ ưu đãi và giảm thuế, hỗ trợ trong giải quyết thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường tương tác, cung cấp thông tin. Từ đó, giúp doanh nghiệp chuyển phát nhanh và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giảm thời gian và chi phí trong quy trình thông quan.
Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ về khai báo hải quan, tư vấn về quy định và quy trình giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và năng lực trong việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của cơ quan hải quan. Các hình thức hỗ trợ từ cơ quan hải quan giúp tăng tính chính xác và tuân thủ, giúp doanh nghiệp nắm vững các quy định và quy trình hải quan, góp phần xây dựng quan hệ đối tác và tạo niềm tin giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
ĐIỂM NỔI BẬT TRONG QUẢN LÝ HẢI QUAN
Nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan hiện đang tiếp thu ý kiến và xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để tiếp tục hoàn thiện sau nhiều vòng góp ý.
Một số nội dung nổi bật trong dự thảo đó là thứ nhất,xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách thương mại điện tử, chính sách mặt hàng và thanh toán đối với giao dịch thương mại điện tử. Từ đó, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển, đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển song vẫn đảm bảo quản lý từ các cơ quan nhà nước.
Thứ hai,xây dựng hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.
Thứ ba,thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết việc ban hành Nghị định còn phụ thuộc tiến độ đầu tư hệ thống hải quan số. Ngành hải quan cũng cần có thời gian để rà soát lại các chủ trương, chính sách, vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân mua bán nhanh chóng, nhận hàng nhanh, các sàn giao dịch thương mại điện tử có điều kiện được phát triển ở Việt Nam; đồng thời, phải bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách để vận chuyển hàng trái phép, Hải quan Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan hải quan các nước trong công tác chia sẻ thông tin, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa.
Cùng với đó, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ để phát hiện và phòng ngừa tiêu cực, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp.