Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam rất cao

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 18:09, 06/10/2024

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018 - 2022. Các tài liệu trên cho thấy loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Bộ Tài chính vừa thông tin về bản tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018 - 2022, với nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi cơ quan này quản lý.

Trong quá trình thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia lần này, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã tiến hành xem xét, đánh giá nguy cở rửa tiền của tất cả các loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Căn cứ kết quả đánh giá, sau khi xem xét các nguy cơ do các tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền tạo ra, xu hướng và kỹ thuật rửa tiền, nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình cao.

Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam rất cao - Ảnh 1

Phân theo lĩnh vực, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm được đánh giá trung bình thấp, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng là cao, lĩnh vực chứng khoán ở mức trung bình…

NGÂN HÀNG LÀ KHU VỰC NHẠY CẢM VỀ RỬA TIỀN

Thông tin về nguy cơ rửa tiền đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, báo cáo nêu rõ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng trở nên đa dạng, thủ đoạn tinh vi hơn. Một số thủ đoạn phạm tội điển hình của loại tội phạm này có thể kể đến một là,trong lĩnh vực ngân hàng, các vụ đại án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều, giá trị bị chiếm đoạt cũng rất lớn.

Các thủ đoạn thường gặp bao gồm việc đối tượng phạm tội giả mạo chữ ký của lãnh đạo ngân hàng để làm chứng thư bảo lãnh giả, giả các lệnh chi, sử dụng con dấu của ngân hàng để đóng dấu khống. Tiếp đó, đối tượng ngoài ngân hàng sử dụng chứng thư bảo lãnh giả để viết tên của khách hàng.

Hai là,một số hình thức lừa đảo khác trong lĩnh vực ngân hàng như: lắp đặt thiết bị ăn trộm dữ liệu thẻ ở các cây ATM, in thẻ giả và chiếm đoạt tiền trong thẻ của khách hàng; lừa khách hàng truy cập vào các trang web giả mạo để lấy thông tin về tên truy cập (user), mật khẩu (password), OTP và thực hiện các lệnh đánh cắp tiền qua internetbanking.

Tội phạm giả danh công an gọi điện đe dọa khách hàng, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để phục vụ công tác điều tra sau đó chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng phát hiện thủ đoạn mua bán, chiếm đoạt thông tin, tài khoản cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tình trạng bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho các đối tượng lừa đảo.

Ba là, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với các hình thức bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Bốn là,thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản nổi lên trong thời gian qua thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân. Tiền, tài sản có được từ loại tội phạm này thường được các bị cáo sử dụng đầu tư vào các dự án vì vậy tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền đáng kể.

Năm là, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản đang diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn.

Theo đó, đối tượng phạm tội đã dùng thủ đoạn tạo ra các dự án “ma” để phân lô rồi rao bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền đầu tư. Trong một số vụ án, bọn tội phạm cũng bày ra việc tiến hành các thủ tục xin đầu tư như các dự án thật, tạo ra hoạt động xin phép đầu tư, kêu gọi đầu tư, với thủ đoạn này khiến nhiều người cả tin để rồi trao giấy tờ, tài sản cho chúng nhưng thực tế không có những dự án đầu tư.

"Căn cứ vào những nội dung trên cho thấy nổi lên thời gian gần đây, loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp", báo cáo nêu rõ.

Đối tượng phạm tội bao gồm những người có vị trí xã hội, chủ doanh nghiệp thành lập những đường dây phạm tội, với thủ đoạn tinh vi, giá trị các khoản tiền phạm tội thường lớn hoặc đặc biệt lớn.

Công an các địa phương: Hà Nội, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam... phát hiện triệt phá nhiều đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hàng nghìn bị hại, số tiền bị chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

So với các loại tội phạm nguồn khác của tội rửa tiền, trong giai đoạn 2018 - 06 tháng đầu năm 2022, số liệu điều tra đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) ở mức rất cao, truy tố của loại tội phạm này ở mức rất cao, trong đó số vụ được xét xử đạt tỷ lệ 95% trên tổng số vụ được truy tố, đây cũng là tỷ lệ rất cao trong giai đoạn 2018 - 2022.

Cũng trong giai đoạn 2018 - tháng 06/2022, số tiền phải thi hành án ít nhất vào năm 2019 và cao nhất vào năm 2021. Tuy nhiên tỷ lệ thi hành án còn chưa cao.

Lý do là bởi dạng tội phạm này thường tinh vi, xảo quyệt và có sự chuẩn bị từ trước, dùng mọi thủ đoạn để che giấu tài sản phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, thu hồi tài sản bị chúng chiếm đoạt hoặc “khéo léo” chuyển nhượng, sang tên hoặc bán cho người khác khiến việc thi hành án dân sự đối với loại tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây điển hình có thể kể đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh phát. Tại các vụ án này, đối tượng phạm tội đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người bị hại nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Các bị can, cá nhân trong vụ án trên đang sở hữu hoặc ủy quyền cho người thân sở hữu nhiều tài sản là bất động sản, tài sản trên đất tại các tỉnh, thành phố.

Số liệu điều tra, khởi tố và bị kết án khá cao, số tiền phải thi hành án là rất lớn, đã có 10 vụ điều tra về tội rửa tiền có nguồn gốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù chưa có vụ khởi tố nào về tội rửa tiền nhưng giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng lớn dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền có nguồn gốc từ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với phân tích nêu trên, nguy cơ rửa tiền liên quan đến loại tội phạm này ở mức cao.

CHƯA PHÁT HIỆN RỬA TIỀN TRONG LĨNH VỰC BẢO HIỂM

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành xây dựng bản tóm tắt kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022, trong đó bao gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi Bộ Tài chính quản lý. Báo cáo này cho thấy theo số liệu thống kê của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, không có vụ rửa tiền nào bị điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiệu quả của các biện pháp phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đa phần ở mức cận xuất sắc.

Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam rất cao - Ảnh 2

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm luôn xác định hoạt động quản lý, giám sát công tác phòng chống rửa tiền đây là công tác quan trọng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tham gia Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền và trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống rửa tiền của ngành bảo hiểm.

Ngoài ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm luôn chủ động yêu cầu, đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật đảm bảo đúng chức năng nhiệm vụ như yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng quy chế và cử cán bộ/bộ phận phụ trách về công tác phòng chống rửa tiền, thực hiện đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp số liệu về công tác phòng chống rửa tiền để gửi Ngân hàng Nhà nước; giải đáp kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống rửa tiền.

“Trong giai đoạn từ 2018 - tháng 6/2022, theo số liệu thống kê của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, không có vụ rửa tiền nào bị điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm”, báo cáo nêu rõ.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống rửa tiền, từ năm 2018- 6/2022 đã tiếp nhận số lượng giao dịch lớn là 5.171 giao dịch và 526 giao dịch đáng ngờ (STR) từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm, chiếm 6% tổng số STR.

Phần lớn các báo cáo đều liên quan đến những hợp đồng đóng phí 1 lần, có số tiền phí bảo hiểm lớn và có trường hợp hủy ngay trong thời gian 21 ngày tự do cân nhắc của hợp đồng.

Các vụ việc được chuyển giao sang cơ quan công an chủ yếu liên quan đến việc các doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành rà soát và phát hiện các đối tượng có liên quan trong các hợp đồng bảo hiểm có tên trong danh sách tội phạm bị truy nã, là đối tượng đang bị Viện kiểm sát khởi tố, đang thuộc diện thi hành án.

Tuy nhiên, các hợp đồng bảo hiểm vẫn tiếp tục được duy trì do và việc đóng phí bảo hiểm trong các vụ việc này được thực hiện bởi người thân của các đối tượng truy nã. Ngoài ra, vào thời điểm cơ quan công an tiến hành xác minh thông tin đã xác định các đối tượng phạm tội có liên quan trong các hợp đồng bảo hiểm nêu trên đã thi hành xong án phạt tù, trở về địa phương nên không còn vi phạm hình sự nữa. Vì vậy, cơ quan công an không có ý kiến về việc xử lý đối với các hợp đồng bảo hiểm này.

Mặc dù lĩnh vực bảo hiểm có nguy cơ rửa tiền cố hữu, đặc biệt là đối với các sản phẩm bảo hiểm dài hạn liên quan đến đầu tư hoặc các sản phẩm có tính năng tích lũy giá trị tiền mặt, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm được coi là thấp so với các lĩnh vực khác.

Trong số các vụ việc được điều tra về tội rửa tiền giai đoạn 2018-2022, chưa có vụ việc nào được phát hiện có liên quan đến hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm và không có sự tham gia đồng lõa của các nhân viên trong lĩnh vực bảo hiểm trong việc rửa những khoản tiền bất hợp pháp.

Mặc dù ở Việt Nam chưa ghi nhận vụ án nào có hành vi rửa tiền liên quan lĩnh vực bảo hiểm, tuy nhiên, một số thủ đoạn tội phạm có thể sử dụng để rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được nêu rõ.

Theo đó, cá nhân yêu cầu tham gia hợp đồng bảo hiểm mới có phí đóng bảo hiểm lớn, trong khi hợp đồng bảo hiểm hiện tại có phí đóng bảo hiểm nhỏ, các cá nhân này thường là chủ doanh nghiệp, cán bộ cấp quản lý, buôn bán kinh doanh.

Bên cạnh đó, cá nhân thanh toán phí bảo hiểm bằng thẻ ngân hàng của một chủ tài khoản khác, không phải từ tài khoản của người mua bảo hiểm. Cá nhân thường xuyên thực hiện giao dịch nộp/rút tiền, thực hiện giao dịch tạm ứng từ giá trị tài khoản hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả khoản tạm ứng.

Các giao dịch đáng ngờ (STRs) có lý do nghi ngờ liên quan đến nghiệp vụ của đại lý/tư vấn viên bảo hiểm như: cá nhân chia nhỏ hợp đồng bảo hiểm do các đại lý khác nhau của một vùng kinh doanh đứng tên tư vấn và đều được lập cùng một ngày; cá nhân là người tư vấn bảo hiểm của công ty, trong thời gian qua có nhiều hợp đồng bảo hiểm do cá nhân đứng tên tư vấn mà người chuyển tiền đóng phí bảo hiểm không phải bên mua bảo hiểm; giao dịch hợp đồng bảo hiểm được thực hiện bởi bị can, bị cáo, đối tượng truy nã...

Một vấn đề nguy hiểm hơn trong lĩnh vực này đó là có dấu hiệu “móc nối’’ của các đại lý bảo hiểm hoặc từ chính các công ty bảo hiểm. Dấu hiệu rửa tiền thông qua việc đòi bồi thường số tiền khổng lồ cho những vụ được dàn dựng.

Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu đáng ngờ được cho là có hành vi rửa tiền bao gồm: cố ý gây hỏa hoạn, tìm cách đòi bồi thường nhằm thu hồi một phần số tiền bất hợp pháp đã đầu tư, hủy hợp đồng bảo hiểm để lấy lại phí bằng séc của công ty hoặc trả quá tiền phí bảo hiểm, sau đó yêu cầu trả lại số tiền đóng quá.

Đối với việc điều tra tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo số liệu thống kê, Bộ Công an đã tiến hành: (i) điều tra 2 vụ án về tội rửa tiền với số tiền bị phong tỏa là 7.850 triệu đồng trong năm 2019, (ii) điều tra 5 vụ án về tội rửa tiền với số tiền bị phong tỏa là 500 triệu đồng trong năm 2020 và (iii) điều tra 3 vụ án về tội rửa tiền với số tiền bị phong tỏa là 2.438 triệu đồng trong năm 2021. Giai đoạn 2018-2022 có chưa có vụ án nào bị xét xử về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống rửa tiền, trong giai đoạn từ năm 2018 - tháng 6/2022, Cục đã chuyển 92 báo cáo giao dịch đáng ngờ có nghi ngờ liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang cơ quan có thẩm quyền.

Ánh Tuyết