Chuyển đổi kép là động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 09:02, 01/10/2024
Chuyển đổi kép là ứng dụng công nghệ và dữ liệu giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mối quan hệ tương hỗ, theo đó, chuyển đổi số là phương tiện để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Chính phủ Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 với mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đồng hành với việc đó, doanh nghiệp cần hướng tới yếu tố song hành của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo nên chuyển đổi kép.
MỘT SỐ THÁCH THỨC CHO DOANH NGHIỆP
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có những chuyển động mạnh mẽ trong chuyển đổi kép.
Tuy nhiên thực tế cho thấy quá trình chuyển đổi mang tính toàn diện này đang tạo ra những xáo trộn, thách thức lớn, đặt ra những yêu cầu vượt xa những phương thức và ý tưởng truyền thống, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc, thay đổi căn bản về tư duy và hành động.
Tại Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi kép: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững” do Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 30/9/2024, ông Lý Đức Tài, Phó Chủ tịch GHG Việt Nam, đã chỉ ra một số những thách thức trong tiến trình này.
Về tài chính, việc nâng cấp công nghệ, mua sắm thiết bị mới, thay đổi quy trình sản xuất xanh đòi hỏi một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vay vốn để đầu tư chuyển đổi xanh.
Việc nâng cấp công nghệ, mua sắm thiết bị mới, thay đổi quy trình sản xuất xanh đòi hỏi một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vay vốn để đầu tư chuyển đổi xanh.
Về công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được các công nghệ xanh tiên tiến, dẫn đến khó khăn trong áp dụng các giải pháp hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang các công nghệ mới đòi hỏi chi phí lớn cho đào tạo nhân lực, mua sắm thiết bị và nâng cấp hệ thống.
Về nhân lực, Việt Nam còn thiếu các chuyên gia có kiến thức, kỹ năng về công nghệ xanh. Việc đào tạo lại đội ngũ nhân viên để thích ứng với công nghệ mới, quy trình sản xuất mới cũng đòi hỏi thời gian và chi phí.
Về thị trường, các sản phẩm xanh thường có giá thành cao hơn so với sản phẩm thông thường. Người tiêu dùng Việt Nam chưa hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm xanh, chưa sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm xanh, ít phát thải.
Về chính sách và pháp luật, chính sách khuyến khích đầu tư và các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xanh còn thiếu hoặc chưa cụ thể hóa.
NHỮNG CƠ HỘI CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA DOANH NGHIỆP
Từ phía doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Đình Tuấn, Công ty Viettel IDC, nhấn mạnh: công nghệ có thể giải quyết các vấn đề ESG và công nghệ cũng chính là một vấn đề ESG cần giải quyết.
Là công ty công nghệ, nhưng Viettel IDC đang đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững gắn bó chặt chẽ với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và cam kết của Việt Nam tại COP26. Bởi chuyển đổi kép không chỉ đóng góp cho ngân sách nhà nước mà còn tăng vị thế của doanh nghiệp.
Viettel IDC đã đạt được những thành tựu nhất định như đóng góp 147,2 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước; được các tổ chức trong nước và quốc tế công nhận những đóng góp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và năng lượng năm 2023 trong quá trình hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Chuyển đổi kép mang lại cơ hội cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên thì thông thường chất lượng sản phẩm kém và sử dụng nhiều lao động. Do đó, cải tiến chất lượng sản phẩm song hành với cải tiến công nghệ sẽ giảm sử dụng nguyên liệu khai thác, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải... từ đó, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Góp ý kiến về vấn đề này, theo bà Vương Phan Liên Trang, Chuyên gia Quy hoạch và Chính sách Đô thị và Môi trường, Công ty enfarm Agritech, chia sẻ thực tiễn khi ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy nông nghiệp bền vững về sinh kế, an ninh lương thực và môi trường.
Cụ thể, điều này giúp tăng thu nhập tới 50% với cùng chi phí đầu vào trong sản xuất, giúp tăng và ổn định thu nhập cho nông dân; Đảm bảo an ninh lương thực cho nhân loại với việc sản xuất nhiều hơn 20% sản lượng với ít hơn nguồn tài nguyên; Giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ trồng trọt; Cải tạo đất, gia tăng dinh dưỡng và đa dạng sinh học bằng việc cắt giảm phân bón vô cơ.
Chuyển đổi kép mang lại cơ hội cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Theo đại diện của GHG Việt Nam, các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên thì thông thường chất lượng sản phẩm kém và sử dụng nhiều lao động.
Do đó, cải tiến chất lượng sản phẩm song hành với việc cải tiến công nghệ, sẽ giảm sử dụng nguyên liệu khai thác, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải... từ đó, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, cách mạng 4.0 đòi hỏi việc sử dụng vật liệu mới, ít phát thải carbon, năng lượng tái tạo…, do đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo về công nghệ để tạo các sản phẩm phù hợp cho tương lai.
Các ý kiến cho rằng hoạt động kinh tế ít sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng... sẽ tiết kiệm được chi phí chủ yếu trong cấu thành chi phí sản phẩm. Các công nghệ xanh, phát thải thấp thường có thời gian hoạt động lâu dài, ít khấu hao và giảm chi phí vận hành và duy trì...