Nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh các thương vụ hợp tác chiến lược tại Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 10:17, 18/09/2024
Giữa tháng 8/2024, Mitsui & Co, Ltd. (Mitsui) và Tasco công bố hoàn tất thỏa thuận để Mitsui trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto - đơn vị thành viên của Tasco và đồng hành cùng Tasco Auto triển khai nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển trong thời gian tới. Khoản đầu tư được giải ngân thành các đợt và đợt đầu tiên đã hoàn thành ngày 31/7/2024.
Đầu tháng 8/2024, Tập đoàn Marubeni thông qua công ty con Marubeni Growth Capital Asia Pte. Ltd. (MGCA) đã mua thêm cổ phần của Công ty cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG (AIG). Đây là bước tiếp theo sau thương vụ MGCA mua cổ phần thiểu số của AIG được công bố vào tháng 11/2023.
AEON Entertainment, công ty con thuộc Tập đoàn AEON Nhật Bản, đã thành lập liên doanh với Beta Media để đầu tư 50 cụm rạp chiếu phim mới đến năm 2035, với chi phí đầu tư vài chục tỷ yên (tương đương 200 triệu USD). Kế hoạch mở rộng của AEON Entertainment cũng phù hợp với chiến lược xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai bên cạnh Nhật Bản để đẩy mạnh đầu tư của AEON.
Tương tự, Sojitz đã phát triển hoạt động kinh doanh đa dạng trải dài từ bán lẻ, bán buôn và phân phối đến chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Sojitz cũng có kế hoạch đầu tư vào chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra hoạt động kinh doanh mới tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Sojitz đã rót vốn vào công ty fintech Việt Nam Finviet tháng 4/2024 sau khi mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Công ty cổ phần Đại Tân Việt.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation chia sẻ, trong nhiều trường hợp, các mục tiêu chiến lược như chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường Việt Nam không thể đạt được chỉ qua một thương vụ. Sau khi thực hiện các khoản đầu tư ban đầu, các công ty Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm cơ hội tiếp theo như kênh phân phối sau khi đầu tư vào sản xuất, dịch vụ bảo trì sau khi đầu tư vào bán hàng hoặc thị trường phía Bắc sau khi gia nhập thị trường phía Nam.
“Chúng tôi đã chứng kiến dòng vốn đầu tư liên tục của các nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản nhằm mua lại các công ty Việt Nam đã có vị thế vững chắc trong các lĩnh vực như bán lẻ, phân phối bán buôn và đóng gói”, ông Yoshida nói.
Theo ông Yoshida, các công ty Nhật Bản hoạt động tích cực hơn trong các lĩnh vực như sản xuất, hậu cần và phân phối. Nhiều tập đoàn Nhật Bản bắt đầu ưu tiên Việt Nam như một trung tâm cung ứng trong khu vực, thay vì Trung Quốc hoặc Thái Lan. Một số công ty cũng đang nỗ lực thâm nhập hoặc mở rộng vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng.
Một khảo sát được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố vào tháng 5/2024 cho thấy, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cao thứ hai (24,9%) có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, sau Hoa Kỳ. Về các tập đoàn lớn có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, Việt Nam đứng thứ hai (28,6%), sau Ấn Độ (29,5%). Khoảng 24,1% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM chia sẻ, trong khi Trung Quốc đứng đầu cuộc khảo sát của Jetro năm 2020 về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, thì Covid-19 là cơ hội để các công ty nhận thấy nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Sau khi cân nhắc các thị trường tại ASEAN, nhiều công ty đã lựa chọn Việt Nam, biến nơi đây thành điểm đến được ưa chuộng thứ hai sau Hoa Kỳ kể từ cuộc khảo sát năm 2021.
Tám tháng đầu năm, nhà đầu tư Nhật Bản rót 2,5 tỷ USD vào Việt Nam, tăng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư mới phần lớn là các dự án nhà máy điện khí LNG, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư Nhật Bản với lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đầu tư mở rộng cũng tăng trưởng chứng minh nhu cầu mở rộng của nhà đầu tư Nhật ngày càng tăng.