Logistics cho cứu trợ: Tính toán liên kết để tạo hiệu quả cao
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 06:39, 13/09/2024
Phương tiện và nỗi niềm trong cứu trợ
Ngày đầu tiên sau bão Yagi (6/9), lũ lụt đổ xuống các địa phương miền Bắc và Thái Nguyên là nơi chịu thiệt hại nặng đầu tiên. Trong bối cảnh này, chị Liên chủ một doanh nghiệp may mặc có nhà máy sản xuất nhỏ tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên) nhận được sự kêu gọi giúp đỡ từ chính quyền địa phương và bà con tại chỗ.
Sau nửa ngày nhận thông tin, chị Liên lập tức tập hợp hàng cứu trợ và lên đường. Nhưng sau đó, đoàn cứu trợ chỉ đến được thành phố Thái Nguyên, chuyển đồ cho Đoàn Thanh niên thành phố tại chỗ, bất lực nhìn dòng nước dâng và không thể về nhà dù chỉ cách đó hơn 20km. Hôm sau, đoàn cứu trợ tính phương án di chuyển đường khác xa hơn nhưng sạt lở đất nên phải chờ quân đội mở lại đường.
“Nếu muốn cứu trợ ngay, phải có phương tiện chuyên dụng như xuồng và quân đội đi mở đường. Đoàn vận chuyển bất lực vì chỉ có đồ cứu trợ chứ không có phương tiện cứu trợ, dù thông thạo địa hình”, chị Liên cho hay
Một, hai ngày đầu, dân địa phương phải chờ quân đội điều trực thăng đến cứu. Chị Liên cũng như hàng ngàn đoàn cứu trợ khác, phải tìm cách dựa vào chính quyền địa phương cùng hỗ trợ, tổ chức mới có thể giúp đỡ các gia đình không may ở Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Trong cơn bối cảnh bão lũ xảy ra trên diện rộng tại miền Bắc, cả nước nóng lòng hướng về đồng bào nơi đây. Nhưng cứu trợ chưa bao giờ là một việc dễ dàng, bên cạnh lòng nhiệt tình thì cần tính toán hợp lý tùy tình hình thực tế để hạn chế rủi ro.
Anh Đinh Quang Tiến, giám đốc công ty TNHH Tiến Hưng tại Hà Nội đã lên đường tham gia cứu trợ ngay từ ngày 9-9. Đến 12-9, sau những ngày dầm mưa tại huyện Văn Yên (Yên Bái) anh Tiến chia sẻ với KTSG online rằng, các đoàn cứu trợ cần có sự tính toán khoa học để tránh lãng phí nguồn tài chính kêu gọi được. Nên tham khảo các kênh thông tin chính thống, tương tác với chính quyền, ban ngành, hội nhóm tại địa phương để cứu trợ hiệu quả hơn.
“Trong hành trình vừa qua, đoàn cứu trợ đã trao đổi với chính quyền sở tại rồi sau đó sắp xếp người ở các địa điểm cần vận chuyển. Tình hình hạ tầng tại nơi cứu trợ ra sao, đoàn phải liên lạc với người dân bản địa để có thể di chuyển”, anh Tiến cho hay.
Sáng tạo nhưng cần tổ chức hợp lý
Với các đoàn cứu trợ, phương tiện vận chuyển và hành trình vận chuyển là vấn đề cần tính toán hơn là chuyện huy động hàng hóa cứu trợ. Trong thời gian qua có nhiều phương án cứu trợ sáng tạo được các đoàn vận dụng nhưng việc quan trọng nhất là cần tổ chức hợp lý để vận hành hiệu quả.
Anh Đỗ Quốc Việt, thành viên đoàn cứu trợ Việt Flycam đã dùng máy bay điều khiển (drone) để thả hàng cứu trợ đến những nơi ngập sâu không thể vào được. Chia sẻ về cách dùng thiết bị chuyển đồ đến những người dân vùng lũ anh Việt cho biết, cần xác định thiết bị sẽ được sử dụng cho các khu vực khá xa trung tâm và có tầm bay 2-7m để đưa vật tư. Các drone sẽ được trang bị hệ thống lắp, nhả đồ và vận chuyển được 25-30 gói hàng/giờ. Người điều khiển dùng camera và định vị lái tới các khu vực cần thả, cố gắng thả vào sân hoặc chỗ khô ráo, dễ nhận đồ. Các drone không nên cố gắng hạ thấp gây nguy hiểm cho người dân và thiết bị.
Ở các khu vực bay tối thì chú ý đến ánh sáng đèn xoay tròn vì nơi đó có người kêu cứu. Đội bay của Việt Flycam thường ưu tiên các hộ ở xa và đơn độc vì khả năng tiếp cận được nạn nhân là khó nhất. Sau 100 chuyến bay thử nghiệm thành công, mang theo đồ ăn, nước uống với những người dân bị lũ cô lập ở Tuyên Quang, nhóm đã kêu họi tất cả những người có drone tham gia vào đoàn cứu trợ vì “những người cần chúng ta nhất là những người không thể đến nhận hàng cứu trợ”. Tất cả hoạt động của đoàn đều phối hợp với chính quyền, công an các địa phương để có hiệu quả cao nhất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc công ty TNHH quốc tế Delta, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hà Nội cùng 103 doanh nghiệp hội viên rất nóng lòng từ hôm bão Yagi quét qua Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hiệp hội Logistics Hà Nội xác định hàng chục ngàn cây đổ gãy trong thành phố nên nhu cầu vận chuyển là rất lớn. Các hội viên đã tính toán phương án dùng các doanh nghiệp có xe cẩu tự hành để làm phương tiện khắc phục hậu quả. Bởi loại xe này hỗ trợ được cả di chuyển và trồng cây mới khi nhiều tuyến đường trong nội thành vẫn ngổn ngang cây đổ.
Trao đổi với KTSG online hôm 12-9, ông Nghĩa cho hay: “Chúng tôi không thể hỗ trợ vận chuyển tự phát theo lời kêu gọi cá nhân vì khó xác định được tình hình. Hiệp hội luôn phối hợp chặt chẽ với Sở công thương, Sở GTVT Hà Nội để lập đội xe sẵn sàng di chuyển người và tài sản. Cây đổ cũng cần ngay phương tiện vận tải, khả năng đe dọa vỡ đê cũng cần phương tiện để vận chuyển hộ đê, chúng tôi sẵn sàng”.
Ông Nghĩa khuyến nghị, để đạt hiệu quả tối ưu, các đội cứu trợ cần làm có tổ chức và liên hệ với các tổ chức chuyên môn hay cơ quan chức năng nhằm phân bổ nhận lực phối hợp. Đơn cử như mang ca nô, thuyền đến phải có lực lượng nâng hạ bốc xếp thế nào, nếu không sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại chỗ hoặc gây nguy hiểm nếu không được sử dụng đúng cách.