Nới room tín dụng – vì sao vào lúc này và hệ quả là gì?
Chính sách - Ngày đăng : 07:15, 07/09/2024
Vì sao sớm điều chỉnh?
Ngày 28-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm, theo đó, những TCTD nào có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị, theo như NHNN cho biết.
Khác với những năm trước, trong năm 2024, NHNN đã sớm phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD ngay từ đầu năm, với tổng mức tăng của toàn hệ thống nằm trong mục tiêu 15%, như là giải pháp để thúc đẩy các ngân hàng chủ động giải ngân cho vay ngay từ quí 1 nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Với dư nợ toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 gần 13,57 triệu tỉ đồng, như vậy sẽ có khoảng hơn 2,03 triệu tỉ đồng đưa vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy tín dụng những tháng đầu năm nay rốt cuộc vẫn tăng trưởng khá chậm khi qua năm tháng cũng chỉ tăng 3,43%, một phần do cầu tín dụng vẫn còn thấp do các doanh nghiệp còn đối mặt nhiều khó khăn, phần khác do nền kinh tế phải hấp thụ hết lượng tín dụng đã tăng vọt trong những tháng cuối năm 2023.
Tuy nhiên, kể từ cuối quí 2 đến nay xu hướng tín dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn, dù mức tăng sau gần tám tháng vẫn còn thấp so với mục tiêu cả năm, nhưng việc NHNN sớm nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua được xem là chính sách phù hợp và kịp thời.
Cụ thể, tín dụng riêng trong tháng 6 – tháng cuối cùng của quí 2 đã tăng nhanh thêm 2,58%, đưa mức tăng lũy kế sáu tháng lên 6,1%; đến giữa tháng 7 có giảm trở lại và thu hẹp mức tăng xuống 5,3% so với đầu năm, nhưng kể từ đó đến nay dư nợ tín dụng đã liên tục đi lên trở lại. Theo các thông tin chia sẻ từ NHNN, tín dụng đến cuối tháng 7 tăng trở lại lên mức 5,66%; đến ngày 16-8 tăng 6,25% và gần nhất đến ngày 26-8 tiếp tục mở rộng lên 6,63%.
Như vậy, trong vòng gần hai tháng qua đã có thêm gần 180.500 tỉ đồng được bơm ra, nâng lũy kế sau gần tám tháng lên khoảng 900.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 44% tổng mức tăng kế hoạch của năm nay. Điều quan trọng hơn là sự tăng trưởng có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng, trong đó một số ít vẫn tăng chậm hoặc sụt giảm, nhưng nhiều ngân hàng khác đã ghi nhận mức tăng trưởng lên đến hai con số chỉ trong nửa đầu năm và đã sử dụng hết hoặc gần hết dư địa được giao trong năm nay.
Vì vậy, việc NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cũng nhằm để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, cũng như theo tinh thần phân bổ hạn mức tín dụng từ nơi thừa sang nơi thiếu đã được đề cập nhiều lần trong thời gian qua.
Ai hưởng lợi và hệ quả là gì?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 2 đã công bố, có 11 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng từ hai con số trở lên trong nửa đầu năm nay, trong đó một số có mức tăng trưởng rất cao như NCB tăng 16%, LPBank tăng 15,2%, Techcombank tăng 14,2%, ACB tăng 12,8%, HDBank tăng 12,5%… Do đó, các ngân hàng có lẽ cũng nằm trong nhóm được nới room tín dụng trong đợt điều chỉnh vừa qua.
Điều này sẽ giúp cho các ngân hàng có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh nhanh hơn, giúp lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tiếp nối kết quả tích cực đã đạt được từ đầu năm đến nay. Đơn cử như LPBank đã chứng kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất sáu tháng tăng vọt 142% so với cùng kỳ, HDBank tăng 49%; Techcombank tăng 39%…
Ngoài ra, trong bối cảnh nợ xấu ngành ngân hàng tiếp tục chịu áp lực gia tăng, nhu cầu tái cơ cấu nợ vẫn cao sau khi chính sách này đã được gia hạn thực hiện đến hết năm nay, việc mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những cách để giúp các ngân hàng kìm hãm tỷ lệ nợ xấu tăng cao, hoặc thậm chí kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống, nhất là những tổ chức đang để vượt tỷ lệ quy định. Số liệu thống kê cũng cho thấy có đến 9 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên mốc 3% tính đến cuối tháng 6 vừa qua.
Về tổng thể nền kinh tế, tăng trưởng nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của khách hàng cá nhân sẽ được hỗ trợ từ nguồn vốn vay nhiều hơn, khi các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân vốn ra với dư địa tín dụng được phân bổ thêm. Với tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm chưa cao như kỳ vọng, cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu, chính sách tiền tệ nới lỏng thêm có thể mang lại những hiệu ứng tích cực.
Bên cạnh những lợi ích đạt được, vẫn có một số hệ quả không mong muốn có thể kéo theo sau chính sách này. Đầu tiên, với hoạt động tín dụng tiếp tục được kích thích, lãi suất sẽ còn chịu áp lực đi lên là tất yếu, sau khi đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu quí 2 đến nay. Trong khi đó, cùng với quyết định nới rộng chỉ tiêu tín dụng và yêu cầu hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, nhà điều hành cũng lại yêu cầu các ngân hàng phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi đầu vào.
Có lẽ với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp sửa giảm lãi suất từ tháng 9 tới, nhà điều hành có cơ sở để tin rằng lãi suất trong nước cũng có cơ hội giảm trở lại, hoặc ít nhất là không tăng thêm. Và cũng không loại trừ khả năng đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy nhà điều hành lựa chọn thời điểm này để quyết định nới tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Một hệ quả cũng cần dè chừng là với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được phân bổ thêm, các ngân hàng với áp lực phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng được giao phó, có thể lựa chọn cho vay thiếu thận trọng hơn, trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế có thể vẫn chưa phục hồi và theo kịp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được mở rộng. Điều này có thể kéo theo rủi ro tín dụng tiềm ẩn lại phát sinh trong giai đoạn kế tiếp.
Vì vậy, dễ hiểu khi cùng với quyết định chỉ tiêu, nhà điều hành đồng thời yêu cầu các TCTD phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD.
Đáng chú ý, theo giới phân tích, động lực tăng trưởng tín dụng thời gian tới có thể nằm ở tín dụng tiêu dùng bất động sản khi lĩnh vực này chỉ mới tăng 1,2% trong sáu tháng đầu năm nay, mặc dù các gói hỗ trợ ưu đãi cho vay mua nhà lãi suất cực thấp được bung mạnh. Ba bộ luật liên quan bất động sản (đã hiệu lực từ ngày 1-8, hỗ trợ thị trường nhà đất phục hồi), cùng với mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp có thể thúc đẩy tín dụng bất động sản và xây dựng tăng nhanh trong thời gian tới.
Một hệ quả cũng cần dè chừng là với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được phân bổ thêm, các ngân hàng với áp lực phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng được giao phó, có thể lựa chọn cho vay thiếu thận trọng hơn, trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế có thể vẫn chưa phục hồi và theo kịp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được mở rộng. Điều này có thể kéo theo rủi ro tín dụng tiềm ẩn lại phát sinh trong giai đoạn kế tiếp.