Hướng đến nền kinh tế hydro xanh
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:18, 07/08/2024
Quy hoạch điện 8, hay Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 2 năm nay có nội dung về phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hướng đến mục tiêu giảm phát thải “Net Zero” mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.
Hydro xanh là một phần quan trọng của tương lai năng lượng, giúp giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp vào sự bền vững của hệ thống năng lượng. Điện phân nước là một phương pháp sản xuất hydro. Trong quá trình này, nước (H₂O) được tách thành hydro (H₂) và oxy (O₂) bằng cách sử dụng điện năng. Điện phân nước có thể được thực hiện bằng năng lượng tái tạo từ nguồn gió, mặt trời hoặc thậm chí từ các nguồn năng lượng thủy triều. Hydro được tạo ra từ quá trình này được gọi là hydro “xanh”.
Trăn trở với việc phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm từ nay đến 2050 của đất nước, một nhóm các vị nguyên là lãnh đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Kinh tế và hiện là lãnh đạo Viện Chiến lược phát triển Kinh tế số (IDS) của Việt Nam đang thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng hydro xanh hướng đến việc hình thành nền kinh tế hydro xanh tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cho biết, cách đây 3 năm ông sang CHLB Đức và ấn tượng trước công nghệ của công ty Neuman & Essers - một doanh nghiệp gia đình của CHLB Đức có lịch sử phát triển gần 200 năm, chuyên sản xuất các hệ thống máy nén khí, lưu trữ và truyền tải. Ông cũng được hiểu thêm về quy trình sản xuất hydro xanh, đặc biệt là sản xuất hydro từ lượng điện năng dư thừa, không đưa lên lưới điện từ các nhà máy điện gió, điện mặt trời. Vì vậy, ông đã thuyết phục lãnh đạo Neuman & Essers sang Việt Nam.
Bà Stefanie Peters cùng anh trai là thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Neuman & Essers, bà đồng thời là thành viên Hội đồng Hydro Quốc gia của Chính phủ Đức. Trong mấy ngày qua, bà Stefanie Peters dẫn đầu một đoàn công tác của công ty sang tìm hiểu cơ hội kinh doanh và thúc đẩy việc sản xuất hydro xanh tại Việt Nam. Nhờ sự kết nối của lãnh đạo Viện Chiến lược phát triển Kinh tế số (IDS), Đoàn đã có các buổi làm việc với đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban Đối ngoại cùng những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Trong các buổi làm việc, bà Stefanie cho biết, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để trở thành nước sản xuất và xuất khẩu hydro xanh nhờ nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời dồi dào. Tuy nhiên, có ba thách thức lớn cùng lúc mà Việt Nam cần xử lý, gồm: có đủ năng lượng tái tạo để sản xuất hydro xanh, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật (sản xuất, lưu trữ, vận chuyển hydro) và hình thành thị trường sử dụng hydro. Để xử lý những thách thức này, Việt Nam cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp đi cùng với quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo và khát vọng chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp. Đại diện của Neuman & Essers cũng giới thiệu với các đối tác Việt Nam những công nghệ tiên tiến và giải pháp kỹ thuật liên quan đến sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydro xanh (máy điện phân, hệ thống nén khí, hệ thống truyền tải, các trạm tiếp…). Ngoài các vấn đề công nghệ, kỹ thuật, Neuman & Essers còn cung cấp dịch vụ tư vấn các giải pháp tích hợp toàn diện.
Trao đổi với các lãnh đạo Viện Chiến lược phát triển Kinh tế số (IDS), tôi vẫn thấy những trăn trở và tinh thần nhiệt huyết đóng góp cho đất nước của các vị đại biểu Quốc hội ngay cả khi đã về hưu. Các anh cho biết, những tư vấn từ những công ty như Neuman & Essers là rất cần thiết cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Luật Điện lực cùng với nhiều văn bản pháp luật khác đang được xem xét sửa đổi hoặc ban hành mới trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, tạo khuôn khổ pháp lý để năng lượng tái tạo, năng lượng xanh trở thành một hợp phần quan trọng của ngành năng lượng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.