Hydrogen sẽ hoàn thiện hệ sinh thái năng lượng xanh tại Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 18:14, 01/08/2024
Hydrogen sẽ hoàn thiện hệ sinh thái năng lượng xanh tại Việt Nam
Ngày 1/8, tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Tập đoàn công nghiệp Neuman & Esser (NEA) và Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) đã tham gia toạ đàm “Phát triển chiến lược và quan hệ đối tác để xây dựng cơ sở hạ tầng hydrogen tại Việt Nam”.
Sự kiện do Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Câu lạc bộ Doanh nghiệp hydrogen Việt Nam-ASEAN (VAHC) phối hợp tổ chức, nhằm chia sẻ về thực trạng phát triển của ngành hydrogen tại Việt Nam cũng như trong khu vực; đồng thời giới thiệu các cơ hội đầu tư, kết nối các đối tác đầu tư tiềm năng trong ngành kinh tế - năng lượng mới này.
Ông Lê Ngọc Anh Minh, Chủ tịch VAHC đánh giá, việc phi cacbon hóa nền kinh tế là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên điều này có thể đạt được bằng cách chuyển sang năng lượng tái tạo và liên kết các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng và giao thông.
Do việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời không ổn định, nên cần có các giải pháp để lưu trữ và vận chuyển nhằm giảm tối đa thất thoát, tiết kiệm chi phí… Hydrogen chính là giải pháp đáp ứng các yêu cầu này theo cách gần như lý tưởng.
Ông Markus Bissel, Trưởng nhóm Năng lượng của GIZ đã chia sẻ về tiềm năng phát triển của ngành năng lượng tái tạo nói chung và hydrogen nói riêng tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh với nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10%/năm; trong đó khu vực sản xuất công nghiệp tiêu thụ hơn 50% sản lượng năng lượng hàng năm. Bên cạnh đó, khuôn khổ chính sách năng lượng ổn định và hướng tới tương lai, cùng tham vọng trở thành người đi đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Đông Nam Á, cũng hứa hẹn nhiều cơ hội rộng mở cho nhà đầu tư.
Chuyên gia của GIZ phân tích thêm, ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam rộng lớn và đa dạng, với cơ sở hạ tầng ở vị trí tốt để triển khai hydrogen xanh. Việc ở gần các nhà nhập khẩu lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng khiến Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu năng lượng tiềm năng trong tương lai.
Bà Stefanie Peters, Thành viên Hội đồng Hydro quốc gia CHLB Đức, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NEA cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển và sức cạnh tranh của ngành hydrogen tại Việt Nam trong tương lai. Tại toạ đàm, bà cũng chia sẻ về chiến lược và kế hoạch phát triển ngành hydrogen của nước Đức, cùng các lĩnh vực mà Đức có thể hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành kinh tế - năng lượng mới này, gồm tài chính xanh, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khả thi và xây dựng dự án…
Các đối tác tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế, cam kết phát triển xanh, sạch, cân bằng phát thải carbon vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này thì chuyển đổi năng lượng từ các nguồn hóa thạch sang năng lượng tái tạo là giải pháp chủ yếu và CHLB Đức cũng như Liên minh Châu Âu đã có Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư VEIPA với Việt Nam, nên việc đầu tư của NEA chắc chắn sẽ được phía Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ.