Doanh nghiệp Đức hợp tác phát triển công nghiệp hydrogen tại Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 06:39, 31/07/2024

Tập đoàn công nghiệp Neuman&Esser (Đức) khẳng định sẽ sớm quyết định đầu tư tại Việt Nam, trước mắt là mở Văn phòng đại diện, tiếp đến là đầu tư cơ sở sản xuất.
Quang cảnh lễ ký. (Ảnh: KỲ DUYÊN)
Quang cảnh lễ ký. (Ảnh: KỲ DUYÊN)

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) và Tập đoàn công nghiệp Neuman&Esser (Đức) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp hydrogen tại Việt Nam, đặt nền móng cho việc nghiên cứu về cơ chế, chính sách, pháp luật, thị trường cho việc đầu tư nhà máy sản xuất, nhu cầu cung ứng và chuyển giao công nghệ hydrogen cho các đối tác tại Việt Nam.

Lễ ký diễn ra tại trụ sở IDS (Hà Nội) với sự chứng kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phạm Thúy Chinh và Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV Thái Quỳnh Mai Dung.

Neuman&Esser là doanh nghiệp công nghệ hydrogen hàng đầu của Đức, được thành lập từ năm 1830, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khí nén hydro và đến nay đã có 30 công ty con tại 10 quốc gia trên toàn cầu.

Doanh nghiệp này hiện cung cấp một hệ thống hoàn chỉnh và tích hợp trong chuỗi giá trị hydro, bao gồm năng lượng sơ cấp, chuyển đổi và xử lý, lưu trữ, vận chuyển và phân phối cho đến khâu ứng dụng.

Việc Neuman&Esser hợp tác với IDS-nơi tập hợp được nhiều chuyên gia đầu ngành về chính sách công, kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, là sự lựa chọn hợp lý cho những những bước phát triển về thị trường của Tập đoàn trong thời gian tới tại Việt Nam.

Ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với IDS là một trong những hoạt động quan trọng của Tập đoàn công nghiệp Neuman&Esser trong chuyến thăm để khảo sát các điều kiện chuẩn bị cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp hydrogen đầy triển vọng của Việt Nam, diễn ra từ ngày 30/7/2024 đến ngày 2/8/2024.

Tại lễ ký kết, IDS đã giới thiệu với đối tác về tình hình hiện tại cũng như triển vọng của kinh tế vĩ mô Việt Nam thời gian tới; giới thiệu về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Quy hoạch đã đề ra mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Neuman&Esser đã làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trao đổi về chính sách pháp luật, môi trường đầu tư vào ngành công nghiệp hydrogen theo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như là một trong những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới, gắn với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2026-2030.

Bà Stefanie Peters, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Neuman&Esser khẳng định sẽ sớm quyết định đầu tư tại Việt Nam, trước mắt là mở Văn phòng đại diện, tiếp đến là đầu tư cơ sở sản xuất, ưu tiên cho đặt tại khu vực phía nam, gần với thị trường năng lượng tái tạo nói riêng và công nghiệp năng lượng nói chung.

Trong thời gian khảo sát cơ hội đầu tư ở Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Neuman&Esser sẽ làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để trao đổi về những mục tiêu phát triển và cơ hội đầu tư vào công nghệ của các ngành dầu khí, năng lượng và hóa chất Việt Nam trong những năm tới.

Tập đoàn công nghiệp Neuman&Esser cũng có chương trình làm việc với các doanh nghiệp lớn thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp Hydrogen Việt Nam-ASEAN nhằm tìm hiểu thực trạng phát triển của ngành hydrogen hiện nay tại Việt Nam cũng như trong khu vực để xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

TÔ HÀ