Tiểu thương khó tiếp cận “vốn sạch”
Đề tài - Đề án - Ngày đăng : 07:20, 04/07/2024
Nỗ lực để hộ kinh doanh “bám rễ”
Vietcombank dành khoảng 20% danh mục cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm tiểu thương. Điều này cho thấy ngân hàng đã nhận thức được tầm quan trọng của tiểu thương và có chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn này, tiểu thương phải đối mặt với nhiều yêu cầu và điều kiện khá khắt khe, đặc biệt là về tài sản thế chấp. Một NHTM quy mô lớn khác là VPBank cũng đã tiên phong xây dựng hệ thống, nguồn lực để đẩy mạnh cho tiểu thương vay tín chấp, nhưng tới nay vẫn chưa được như kỳ vọng do các vấn đề liên quan đến rủi ro tín dụng.
Trên thực tế, nhiều NHTM đã chủ động đưa vốn tới nhóm hộ kinh doanh, trên cơ sở thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi của NHNN với lãi suất thấp hơn 1-2% so với thị trường. Các gói hỗ trợ tài chính này được thiết kế để giúp tiểu thương có thể tiếp cận nguồn vốn chính thức với chi phí thấp hơn, giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo điều kiện cho họ phát triển kinh doanh. Nhưng qua áp dụng thực tế, kết quả cho thấy còn cách xa so với kỳ vọng.
Các tổ chức tài chính vi mô cũng có chính sách cho vay riêng áp dụng với nhóm hộ kinh doanh, với điều kiện vay vốn dễ dàng hơn, không đòi hỏi tài sản thế chấp và thủ tục đơn giản. Các công ty tài chính như FECredit, EVNFinance, SHBFinance đều có các nhóm sản phẩm cho tiểu thương vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm, với thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn rất nhiều thách thức liên quan đến vấn đề lãi suất cao và chất lượng danh mục cho vay chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Nếu như mô hình hộ kinh doanh phổ biến nhờ nhiều ưu điểm như ít chịu ràng buộc về các chính sách quản lý, đặc biệt là thuế; không đòi hỏi cao về năng lực quản trị, tài chính… thì chính những điểm cộng này lại trở thành điểm trừ khi họ muốn tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống. Bởi lẽ dù muốn, các tổ chức tín dụng cũng không thể tự ý nới lỏng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro tín dụng theo chuẩn mực quốc tế mà họ đang áp dụng. Bên cạnh đó, đối với các NHTM, việc xây dựng hệ thống phòng giao dịch, nhân lực để hỗ trợ cho số lượng lớn tiểu thương ở các vùng nông thôn, cận thành thị vẫn là một trong những thách thức rất lớn liên quan đến kiểm soát chi phí.
Theo thống kê, hiện có khoảng 50% tiểu thương cho biết họ thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc quản lý tài chính không hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của kinh doanh; thiếu kế hoạch kinh doanh cụ thể và chiến lược phát triển dài hạn. Việc thiếu kế hoạch và chiến lược dài hạn khiến tiểu thương khó khăn trong việc định hướng và mở rộng kinh doanh, từ đó cũng không thể chứng minh hiệu quả hoạt động với bên cho vay. Ngoài ra, khoảng 60% tiểu thương không đáp ứng được yêu cầu tài sản thế chấp của ngân hàng, 80% tiểu thương không có lịch sử tín dụng hoặc tài sản bảo đảm đủ để vay vốn. Điều này khiến họ phải tìm đến các nguồn vốn không chính thức với nhiều rủi ro và lãi suất cao.
Một khảo sát của Bộ Công an cho thấy, có tới khoảng 30% tiểu thương từng sử dụng tín dụng đen do khó tiếp cận nguồn vốn chính thức. Tín dụng đen với lãi suất cắt cổ, các thủ đoạn thu hồi nợ tàn bạo là một trong những nguyên nhân đẩy đời sống của người vay tiền vào cảnh lầm than, không có khả năng trả nợ, đối diện với nhiều rủi ro pháp lý.
Fintech rút ngắn đường đến “vốn sạch”
Mô hình hộ kinh doanh dự báo sẽ còn rộng mở hơn trong tương lai, nhờ lực đẩy từ tăng trưởng tiêu dùng nội địa hàng năm đạt khoảng 7-8% trong giai đoạn 2015-2023. Sự gia tăng này cho thấy tiềm năng phát triển lớn cho các tiểu thương, khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng. Trong khi đó, xu hướng mua sắm và tiêu dùng của người dân cũng đang thay đổi theo hướng mở rộng hơn trên không gian trực tuyến. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Sự bùng nổ của thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội mới cho tiểu thương trong việc mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, các ngân hàng, công ty tài chính đang có xu hướng hợp tác với các quỹ quốc tế nhằm xây dựng sản phẩm tài chính vi mô phục vụ nhu cầu vốn cho hộ kinh doanh, các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ, đặc biệt tại vùng nông thôn. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín không chỉ giúp hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngoại, mà còn là cơ hội để nhóm này được xây dựng riêng hành lang bảo vệ, hỗ trợ chiến lược phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế. Giải pháp tiên quyết mà các quỹ ngoại khuyến nghị với đối tác Việt Nam là phải hỗ trợ tiểu thương ứng dụng công nghệ.
Hiện nay, khoảng 60% tiểu thương tại các thành phố lớn sử dụng phần mềm quản lý bán hàng. Việc ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) không chỉ giúp tiểu thương quản lý hàng hóa, tài chính, mà còn tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, từ đó tăng khả năng cạnh tranh. Đó còn là cơ sở quan trọng để các tổ chức tài chính đánh giá, thẩm định hiệu quả kinh doanh của tiểu thương nhằm đưa ra các sản phẩm tài chính phù hợp, đồng thời làm đánh giá các rủi ro liên quan đến công việc kinh doanh của tiểu thương. Các dữ liệu về doanh số bán hàng, chi phí, thông tin tồn kho, số lượng khách hàng, thời gian sử dụng các phần mềm hỗ trợ bán hàng… được lưu giữ trên môi trường số cũng giúp tiểu thương có thể hoàn thành nhanh chóng đơn đăng ký vay với TCTD, qua đó rút ngắn quy trình vay, nâng cao khả năng đáp ứng về nguồn vốn để bắt kịp các cơ hội kinh doanh.
Thị trường fintech Việt Nam dự kiến đạt 18 tỷ USD vào năm 2024. Fintech mang đến nhiều giải pháp tài chính linh hoạt, giúp tiểu thương dễ dàng tiếp cận nguồn vốn theo cách nhanh chóng và thuận tiện hơn so với các kênh truyền thống. Fintech với thế mạnh vượt trội về sự linh hoạt, khả năng tiếp cận với số lượng khách hàng lớn cùng với tốc độ phát triển cực kỳ nhanh là giải pháp hiệu quả để giúp tiểu thương khắc phục được hạn chế trong tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng, tài chính chính thống.
Để giúp tiểu thương tiếp cận nhanh hơn với các DN fintech, cần khuyến khích họ sử dụng các nền tảng quản lý bán hàng, tiếp thị trực tuyến… Đây là bước đầu tiên để hiện đại hóa quản trị, từ đó tạo cơ sở hợp tác với các công ty fintech để cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt. Việc tiếp cận với fintech sẽ đưa tới bước tiếp theo là giúp tiểu thương tiếp cận nguồn vốn chính thức từ các ngân hàng, tổ chức tài chính để họ có đủ nguồn lực cho các kế hoạch phát triển đường dài, đồng thời giảm bớt rủi ro từ các hình thức tín dụng đen.
Khoảng 30% tiểu thương từng sử dụng tín dụng đen do khó tiếp cận nguồn vốn chính thức. Tín dụng đen với lãi suất cắt cổ, các thủ đoạn thu hồi nợ tàn bạo là một trong những nguyên nhân đẩy đời sống của người vay tiền vào cảnh lầm than, đối diện với nhiều rủi ro pháp lý