Cách nào để doanh nghiệp “yếu thế” tiếp cận được vốn tín dụng
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 10:12, 02/07/2024
Chính phủ đã sớm hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Cụ thể, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030 (Chiến lược).
Chiến lược xác định tài chính toàn diện là mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Cách nào để doanh nghiệp “yếu thế” tiếp cận được vốn tín dụng |
Phát biểu tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ” do Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức ngày 1/7 tại TPHCM, TS. Trương Văn Phước - Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng người tiêu dùng không được thừa hưởng.
Năm 2020, Singapore đưa ra 4 giấy phép cho một số tập đoàn cung ứng các nghiệp vụ của một ngân hàng. Về luật, Singapore cử ra một nhóm chuyên gia đem hết tất cả bộ luật về lĩnh vực này, cái nào không phù hợp thì gạch đi, cái nào phù hợp sẽ dùng hết. Đây là điều mà Việt Nam nên học hỏi, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thị trường, cái nào chưa rõ thì thí điểm, áp dụng rút kinh nghiệm để thể chế hóa.
Nhưng theo TS Phước, sự xuất hiện của các fintech giải quyết vấn đề đó với nguyên tắc rủi ro cao lãi suất cao. Vậy liệu khi tham gia thì các công ty fintech có được thu lời cao hơn không? Nếu người vay không trả thì sao? Đó là vấn đề thực tiễn đặt ra và cần phải có một cái cách nhìn nhận mới trong chiến lược tài chính của Việt Nam.
Đặc biệt là một thị trường tài chính hoàn hảo là sự cạnh tranh khốc liệt trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Các ngân hàng chạy theo lợi nhuận tối đa. Còn nhà nước phải đảm bảo tính bình đẳng công bằng. “Nhưng làm sao để bắt vietcombank cho người dân ở huyện Trần Văn Thời vay 2-3 triệu. Chúng ta không bắt ngân hàng thương mại đi làm việc này, mà đã có ngân hàng chính sách xã hội phải làm. Chuyên lo các chính sách xã hội, song nếu một ngân hàng chính sách xã hội mà vốn chỉ có tổng tài sản 396 tỷ đồng thì không thể làm được”, ông Phước nói và cho rằng, thị trường tài chính cảu chúng ta còn ngổn ngang. Ở Việt Nam fintech phát triển, nhưng vẫn còn nhiều điều người tiêu dùng tài chính trong nước không được hưởng.
TS. Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cũng cho rằng, một trong vấn đề nằm trong chiến lược là làm sao đó để mà ứng dụng khoa học công nghệ để đưa ra các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhóm đối tượng của mục tiêu tài chính toàn diện. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng là hợp tác với các fintech và các fintech tận dụng lợi thế của nhau để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem là “yếu thế”.
Sau 4 năm triển khai Chiến lược trên, nhiều vấn đề đã làm được như khuôn khổ pháp lý đã cố gắng rất nhiều, kênh phân phối, các sản phẩm dịch vụ, vấn đề hạ tầng, cơ sở, vấn đề giáo dục tài chính và truyền thông. Tuy nhiên như nhận định của nhiều nhà khoa học, chính sách luôn luôn đi sau thực tiễn nên vấn đề về chính sách luôn luôn túc trực trong nhiệm vụ của cơ quan quản lý trong đó có ngành ngân hàng.
GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia dẫn chứng câu chuyện về một người nông dân ở khu vực ĐBSCL. Nông dân này muốn trồng trọt lại vườn cần 15 triệu đồng để phát kênh mương, làm máy tưới nước, mua giống. Khoản tiền này rất nhỏ nên không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Thơ, hiện trên không gian mạng có nhiều tổ chức, có rất nhiều định chế mời chào các khoản tín dụng và người dân cũng có thể tiếp cận để vay.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro, khách hàng và cả SMEs nên tìm đến các tổ chức cung ứng vốn được NHNN cấp phép và uy tín. Bởi theo PGS.TS Trần Ngọc Thơ, rất nhiều tổ chức này “săn mồi” với những điều kiện rất hấp dẫn, nhưng nếu tham gia vay những dịch vụ đó người thu nhập thấp có nhiều nhu cầu không hoạch định được dòng tiền làm sao để họ hiểu biết để trả nợ đúng hạn?
Hiểu cách khác, người dân chưa đủ kiến thức tài chính sẽ đối mặt với rủi ro, nên mong rằng luật lệ của chúng ta bảo vệ người tiêu dùng và đặc biệt là người tiêu dùng ở phân khúc thiếu hiểu biết về tài chính. Từ câu chuyên này, GS.TS. Trần Ngọc Thơ đặt vấn đề liệu các doanh nghiệp fintech được cấp phép sau này tham gia thị trường tài chính toàn diện có cạnh tranh được với lại các kỹ thuật "săn mồi" của các định chế tổ chức tài chính ở trên không gian mạng hay không?
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng đưa ra nhận định rằng, để bảo vệ người “yếu thế” và phát triển tài chính toàn diện số cần có 3 yêu cầu. Một là ổn định kinh tế vĩ mô, vì lạm phát sẽ ảnh hưởng đến người thu nhập thấp. Hai là cần khuôn khổ pháp lý, ngoài pháp lý cho fintech cần có luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ba là loạt chính sách hỗ trợ bên cung, bên cầu. Bên cung đưa ra nhiều sản phẩm nhưng làm sao để dễ tiếp cận, dễ hiểu thì cần chuyển đổi về tư duy, đào tạo về tài chính toàn diện cho các khách hàng.