Hướng tới một nền tài chính toàn diện

Đề tài - Đề án - Ngày đăng : 08:45, 28/06/2024

Thế giới đang trải qua sự gia tăng về kết nối và luồng dữ liệu toàn cầu. Đây chính là là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc trưng bởi việc số hóa toàn bộ tài sản và tích hợp vào hệ sinh thái kỹ thuật số. Quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng cũng đang tiến triển mạnh mẽ.
Đề tài - Đề án

Hướng tới một nền tài chính toàn diện

LTV {Ngày xuất bản}

Thế giới đang trải qua sự gia tăng về kết nối và luồng dữ liệu toàn cầu. Đây chính là là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc trưng bởi việc số hóa toàn bộ tài sản và tích hợp vào hệ sinh thái kỹ thuật số. Quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng cũng đang tiến triển mạnh mẽ.

Công nghệ tài chính (fintech) đề cập đến một loạt các đổi mới công nghệ trong lĩnh vực tài chính nhằm nâng cao hoặc thay đổi cách cung cấp dịch vụ tài chính. Những đổi mới bao gồm huy động vốn từ cộng đồng, bảo hiểm, phần mềm lập ngân sách, blockchain, thanh toán và chuyển khoản điện tử, chatbot và ứng dụng giao dịch, giúp giảm chi phí và rủi ro, cũng như mở rộng dịch vụ cho những người không có tài khoản ngân hàng.

Là một ngành công nghệ tài chính mới, fintech được sử dụng để giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng quản lý tốt hơn các hoạt động, quy trình và cuộc sống tài chính của họ thông qua phần mềm và thuật toán chuyên dụng, không phụ thuộc vào ngành nghề, vị trí địa lý và mô hình kinh doanh.

Bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính truyền thống bằng kỹ thuật số, thông qua các thiết bị như máy tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh, tài chính kỹ thuật số có tiềm năng giúp những nhóm dân cư chưa được phục vụ đầy đủ có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính ở những khu vực thiếu cơ sở hạ tầng tài chính, đồng thời mang lại nhiều lựa chọn hơn và tăng hiệu quả hoạt động, miễn là những nhóm dân cư đó cũng có cơ hội truy cập vào các công nghệ kỹ thuật số cần thiết. Đó chính là cơ sở hạ tầng số của để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện.

Fintech đang ở vị thế vừa đồng hành, vừa cạnh tranh lành mạnh với hoạt động ngân hàng truyền thống trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng. Đang hình thành một thế hệ người tiêu dùng mới luôn trực tuyến để thực hiện nhiều dịch vụ bao gồm quản lý thanh toán, chuyển tiền, cho vay, gây quỹ và thậm chí quản lý tài sản thông qua các thiết bị di động, điều này đã tạo ra thị trường mới, việc làm mới. và các dịch vụ mới, tất cả đều được cung cấp dưới dạng kỹ thuật số.

Có thể khẳng định, fintech chính là cơ sở hạ tầng số của để thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia.

Chiến lược tài chính toàn diện

Tài chính toàn diện là một nền tài chính mà trong đó mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Mục tiêu chung của một nền tài chính toàn diện là tiến tới việc mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Tài chính toàn diện là vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Đến nay, hơn 80 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện và fintech là một tác nhân quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tiến tới một nền tài chính toàn diện.

Tại Việt Nam, đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được mở rộng và cải thiện. Mặc dù vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến nay vẫn còn khoảng cách với những mục tiêu đề ra, đặc biệt là khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nghèo ở nông thôn, vùng sâu vùng xa…

Để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 20.01.2020 của Thủ tướng Chính phủ, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số IDS phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng Đầu tư tài chính tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ” nhằm đánh giá thực trạng của vấn đề để có những kiến nghị về cơ chế, chính sách trong thực hiện Chiến lược.

Tham dự tọa đàm có đại diện một số cơ quan của Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, các nhà khoa học và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian tổ chức: 8.00 sáng ngày 01 tháng 07 năm 2024 tại trụ sở báo Sài Gòn Giải phóng, số 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5 quận 3 thành phố Hồ Chí Minh.

banner-toa-dam-tai-chinh-toan-dien.jpg

LTV