"5 năm chưa hoàn thành nghị định về thử nghiệm Fintech là quá chậm"
Fintech - Ngày đăng : 08:40, 27/06/2024
Thông tin được Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ lễ công bố Top 50 doanh nghiệp (DN) sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024 (VIE50), Top 10 DN sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024 trong các ngành kinh tế trọng điểm (VIE10) và Top 100 sản phẩm, dịch vụ đổi mới, sáng tạo hiệu quả của năm 2024.
Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Fintech hiện là lĩnh vực rất tiên phong và đã thu được kết quả bước đầu rất tốt, điển hình như trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy vậy, cho đến nay, “Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang trên bàn của những người có thẩm quyền là quá chậm”, ông Nguyễn Đức Hiển nói.
Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải là làm nhanh, đốc thúc cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong các lĩnh vực từ khoa học công nghệ cho đến các lĩnh vực ngành nghề. “Khi khuôn khổ pháp lý mới chưa có thì phải tạo điều kiện cho triển khai thí điểm”, ông Hiển nói.
Nghị định về cơ chế thử nghiệm (sandbox) đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Lý giải nguyên nhân Nghị định chậm ban hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết Nghị định về Cơ chế thử nghiệm là Nghị định được xây dựng không dựa trên quy định tại cấp độ Luật, do đó, quy trình xây dựng Nghị định sẽ cần nhiều thời gian hơn, Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định trước khi ký thông qua.
Bên cạnh đó, Nghị định là cách tiếp cận pháp lý mới nên nhiều vấn đề cần được rà soát kỹ lưỡng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cần được nghiên cứu, thiết kế để đảm bảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, đảm bảo ổn định tài chính. Đồng thời, trong quá trình phối hợp với các Bộ, cơ quan còn có ý kiến chưa thống nhất dẫn đến kéo dài thời gian trình Chính phủ
Nghị định về Sandbox đang được cộng đồng Fintech hết sức trông chờ. Việc có hành lang pháp lý đầy đủ không chỉ bảo vệ quyền lợi của fintech mà còn của cả người tiêu dùng.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng thời gian qua, Việt Nam có nhiều chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã hoạt động với sứ mệnh dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Chính sách cho phát triển đổi mới sáng tạo tuy đã có nhưng các chính sách trên chưa phát huy được hiệu quả vào thực tiễn. Cụ thể, liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện nay các chính sách hướng dẫn cũng chưa có.
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định liên quan qua khảo sát bước đầu chưa thực sự đi vào cuộc sống. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước cũng thiếu hành lang, cơ chế pháp lý để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Hơn 70% DN dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo
Kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong top VIE50, VIE10 trong các ngành kinh tế trọng điểm do Báo Đầu tư phối hợp cùng Viet Research công bố cho thấy: 86% doanh nghiệp nhận định đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” quan trọng đối với tăng trưởng trong thời gian tới, trong đó phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào đổi mới, cải tiến sản phẩm dịch vụ và quy trình.
Cùng với đó, hơn 70% doanh nghiệp trong cuộc khảo sát cũng cho biết, dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo ít nhất trong vòng 2 năm tới.
“Nhiều doanh nghiệp đi sâu vào nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực rất mới và khó như sản xuất chip, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, sản xuất xe điện… Những xu hướng phát triển mới như phát triển xanh, phát triển bền vững, tiến tới các chuẩn mực ESG ở mức cao cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống của các doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Điều hành Viet Research, nhận định và cho rằng doanh nghiệp Việt đang có những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển công nghệ, áp dụng số hóa trong cải tiến và ra mắt những sản phẩm mới.
Theo đại diện Viet Research, những đổi mới điển hình trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp VIE50 có thể kể đến từ việc ứng dụng công nghệ IoT, AI, Big Data, tự động hóa và robot hóa, đến việc sử dụng blockchain, công nghệ in 3D và số hóa quy trình quản lý.
Các doanh nghiệp VIE50 đã chủ động đưa nhiều sáng tạo trong dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Big Data, VR/AR, và tự động hóa đã giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng cường sự hài lòng và tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng.