TS. Nguyễn Đức Kiên: 'Không nên sửa Nghị định 24 chỉ vì dư luận'
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 12:06, 24/06/2024
Toàn bộ 5 đơn vị triển khai biện pháp bán vàng "bình ổn" của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay đều đã dừng nhận khách hàng trực tiếp. Công ty SJC và Big 4 ngân hàng chỉ nhận khách hàng đăng ký mua vàng online, dừng phát số bán trực tiếp tại các điểm giao dịch. Khách hàng cần đến địa điểm giao dịch theo địa chỉ và thời gian đã xác nhận lịch hẹn để thực hiện giao dịch.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, thực tế tình trạng "xếp hàng" mua vàng miếng SJC theo chương trình bình ổn giá của NHNN chưa hết nóng, chỉ chuyển từ trạng thái vật lý tại các điểm bán sang xếp hàng online. Thường các trang web đăng ký sẽ hết chỗ chỉ sau vài chục phút mở hàng hoặc quá tải không thể truy cập được.
Câu chuyện về quản lý thị trường vàng đặt ra với các cơ quan chức năng hiện nay cũng nóng không kém. Vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề nên quản lý vàng theo cách nào? Có nên mở lại kênh nhập khẩu vàng? Có nên bỏ độc quyền SJC?...
Để có thêm một góc nhìn về chủ đề này, Tạp chí Nhà đầu tư đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Vẫn còn những tranh cãi xung quanh câu chuyện quản lý thị trường vàng như thế nào, nên coi nó là một loại tiền tệ hay là hàng hoá? Là người tham gia xây dựng Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, ông đánh giá ra sao về vấn đề này?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Bản thân thị trường vàng rất đặc thù, không nên quy nó là hàng hoá hay tiền tệ. Vàng là vàng.
Thứ nhất, theo Luật Giá, vàng không nằm trong 9 mặt hàng phải bình ổn giá theo quy định.
Thứ hai, vàng là lĩnh vực đặc thù, vừa được coi như một công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô, vừa liên quan tới nhu cầu của thị trường, mà cụ thể là thị trường vàng trang sức, chứ không phải thị trường vàng miếng như câu chuyện đang nóng lên trong thời gian qua.
Trước hết, nhìn từ góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, quan điểm của các cơ quan điều hành kinh tế là không khuyến khích người dân mua vàng để tích trữ. Vì vậy thời gian qua chúng ta làm mọi biện pháp nhằm cải cách thể chế, thông thoáng môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn lực nhàn rỗi vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Những biện pháp đó đều xuất phát từ chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Biện pháp cụ thể nhất là chúng ta đặt ra điều kiện kinh doanh để không khuyến khích người dân giữ vàng miếng, nhưng người có nhu cầu vàng trang sức thì chúng ta tạo mọi điều kiện. Nếu đối chiếu lại chủ trương đó với tình trạng “sốt vàng” trong thời gian qua, thì chúng ta thấy “cơn sốt” này chỉ cục bộ ở một bộ phận người có nhu cầu mua vàng miếng, còn vàng trang sức thì không hề sốt. Câu hỏi đặt ra là khi có “cơn sốt” gây hiện tượng tăng cung ở một mặt hàng không chỉ không thuộc nhóm phải bình ổn giá, mà còn không khuyến khích người dân nắm giữ, thì chính sách cần ứng xử như thế nào cho phù hợp.
Đáng tiếc là trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý không có số liệu thống kê cụ thể những người xếp hàng mua vàng miếng SJC thuộc thành phần, độ tuổi nào? Đây là dữ liệu đầu vào quan trọng để thiết kế chính sách cho phù hợp.
Chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới thời gian vừa qua rất cao, theo ông chúng ta có cần quản lý?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Giá vàng bán ra trên thị trường bao gồm cả giá nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, công chế tác và công của doanh nghiệp bán hàng cộng lại, chưa kể còn cộng thêm lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp. Như vậy, so với giá vàng nguyên khối mà chúng ta đang dùng để so sánh hiện chênh lệch không quá lớn (5-6 triệu đồng/lượng). Nói về quản lý vàng, như tôi phân tích ở trên, yếu tố nhu cầu thật của thị trường mà cụ thể là thị trường vàng trang sức gần như không có đột biến.
Thời gian qua sốt vàng xảy ra đối với vàng miếng, là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích nắm giữ vì có liên quan tới ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy trước hết cần xác định rõ, mục tiêu của chính sách quản lý là không để vàng trở thành một phương tiện thanh toán trong nền kinh tế thay thế VND. Đó là mục tiêu tối thượng của công tác điều hành, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Chúng ta thấy rằng vài tháng trở lại đây mới có hiện tượng giá vàng nhảy múa. Cần xem xét kỹ lưỡng và trả lời câu hỏi vì sao giá vàng nhảy múa? Nếu do biến động của giá vàng thế giới thì giá vàng trong nước biến động là hợp quy luật cung - cầu. Còn trong trường hợp này, chênh lệch giá vàng lớn, tiềm ẩn rủi ro nhưng khách hàng vẫn mua, vậy đó là quyết định của khách hàng.
Nếu trong thực tế có những người thấy trước rủi ro mà vẫn mua vàng để dự trữ, thì khi đó hãy để vấn đề giá vàng cho thị trường. Việc của các cơ quan quản lý là cần xem xét liệu trong bối cảnh đó có xảy ra các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường để vào cuộc xử lý, tránh để sốt ảo lan ra thành sốt thật.
Theo Luật Giá quy định, trong trường hợp này phải thu thập các số liệu thống kê để tham mưu cho Chính phủ phương án điều hành, quản lý. Vấn đề là lâu nay chúng ta chưa có đủ cơ sở dữ liệu về giao dịch vàng để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vàng.
Một số ý kiến đề xuất nên mở lại kênh nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung, hỗ trợ giảm giá vàng miếng trong nước, giảm thiểu tình trạng nhập lậu vàng?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Trước hết cần trả lời được câu hỏi "nhập khẩu thêm vàng có giúp cho tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô hay không?". Nếu có lợi thì Nhà nước sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho nhập, giống như chúng ta tạo điều kiện cho nhập khẩu xăng dầu, nhập khẩu điện, nhập khẩu các sản phẩm dệt may cao cấp phục vụ phân khúc người có thu nhập cao. Hiện nay chúng ta vẫn cho nhập khẩu vàng trang sức và nhập khẩu vàng để phục vụ xuất khẩu.
Đối với vàng miếng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ NHNN là cơ quan tổ chức thực hiện nhập khẩu vàng nguyên liệu để làm vàng miếng, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ.
Để nói rõ hơn về câu chuyện chính sách quản lý thị trường vàng, cần quay trở lại thời điểm Nghị định 24 ra đời. Có thể chúng ta không còn nhớ quá trình xử lý kinh tế vĩ mô của đất nước từ những năm 2007-2008 đến 2012, không cảm nhận được độ nóng của vàng thời điểm đó; không cảm nhận được sự tương đồng của tình hình trong nước khi cho ra đời Nghị định 24 và thời điểm hiện tại.
Sở dĩ khi đó có bất ổn vĩ mô vì tiềm lực chúng ta còn yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân. Còn hiện tại, sau 12 năm Nghị định 24 ra đời và phát huy hiệu lực, vàng đã bị đánh bật ra khỏi thị trường Việt Nam với tư cách một công cụ thanh toán. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, có dấu hiệu thao tung giá vàng để kiếm lời. Đứng từ góc độ kinh tế vĩ mô có thể thấy khi thị trường bất động sản đóng băng, tình hình kinh tế địa chính trị thế giới bất ổn, vàng là kênh trú ẩn tốt nhất đối với giới đầu cơ. Tôi cho rằng chỉ có một bộ phận chớp thời cơ tạo sự bất ổn trên thị trường vàng miếng trong nước chứ người dân thực tế không quan tâm nhiều.
Do đó khi đặt mục tiêu ổn định giá vàng, chúng ta cần xác định đang thiết kế chính sách cho vài nghìn, thậm chí chỉ vài trăm người, hay cho 89 triệu dân.
Hiện nay, tiềm lực kinh tế của chúng ta đã mạnh hơn nên không có những ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô nhưng đó cũng không phải lý do để chúng ta chủ quan. Con số dự trữ ngoại hối của chúng ta hiện nay cũng còn khá nhỏ bé so với các quốc gia khác trên thế giới.
Đối với vấn đề nhập lậu vàng, hiện không có những con số chính thức về số lượng vàng nhập lậu vào Việt Nam, chủ yếu là con số ước lượng. Ngay cả khi dựa trên số liệu về nhu cầu vàng của người dân Việt Nam do một số tổ chức quốc tế thống kê thì cũng cần xem xét kỹ về số lượng mua vào - bán ra, mục đích, thể loại, có khi chỉ là để thay đổi mẫu mã. Thi thoảng mới thấy bắt được một vài vụ nhập lậu qua biên giới nhưng số lượng không đáng kể.
Vậy còn đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC khi sửa Nghị định 24 thì sao, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Kiên: "Tại sao phải bỏ độc quyền vàng miếng SJC? Giữ độc quyền vàng miếng SJC có hệ luỵ gì không?" cũng là câu hỏi cần đặt ra. Một số ý kiến cho rằng, vì độc quyền vàng miếng SJC nên giá vàng miếng SJC chênh lệch với giá vàng nhẫn và vàng thế giới. Lý giải vấn đề này, cũng giống như cùng là ô tô, gần như giống nhau về thông số kỹ thuật nhưng xe Trung Quốc giá rẻ hơn nhiều so với xe Đức hay xe Nhật.
Theo quy định tại Nghị định 24, chúng ta có thể quy đổi từ vàng nhẫn ra vàng miếng SJC. Chỉ cần mang vàng nhẫn đủ tuổi và thuê NHNN gia công là có thể có vàng miếng SJC. Nếu doanh nghiệp có vàng nhẫn, vàng chế tác mà thấy chuyển đổi thành vàng miếng SJC có lợi hơn thì có thể chuyển đổi. Có lẽ chúng ta đã quên Nghị định 24 có gì. Còn giữ lại vàng SJC đơn giản là để quản lý vàng miếng.
Vậy theo ông, có cần sửa Nghị định 24?
TS. Nguyễn Đức Kiên: Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có đủ công cụ để quản lý thị trường vàng. Nếu sửa cũng cần căn cứ vào pháp lý, cơ sở khoa học, không nên sửa theo dư luận. Cần xác định mục tiêu sửa Nghị định 24 để làm gì? Để phát triển thị trường vàng? Hay đáp ứng yêu cầu của vài nghìn người nhưng gây ảnh hưởng tới 89 triệu người?
Vấn đề cần quan tâm đối với thị trường vàng hiện tại là minh bạch hoá đối tượng được thụ hưởng trong thị trường vàng là ai.
Tôi muốn nhắc lại rằng chúng ta không cấm nhập khẩu vàng, mà chỉ xác định đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, do việc thả lỏng hoàn toàn thị trường này đã gây ra những hệ luỵ tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô như đã từng xảy ra. Doanh nghiệp có nhu cầu vàng có thể đăng ký nhập khẩu với NHNN. Với doanh nghiệp chế tác, có thể cam kết với NHNN để nhập khẩu về 70% xuất khẩu, 30% giữ lại trong nước. Chúng ta đã có cơ chế rất linh hoạt để doanh nghiệp chế tác vàng tham gia trong chuỗi gia công giá trị toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!