Startup Fintech khu vực Đông Nam Á tiếp tục đối diện với khó khăn trong huy động vốn

Fintech - Ngày đăng : 10:11, 19/06/2024

Nguồn vốn tài trợ cho Fintech ở Đông Nam Á đã giảm 13% trong quý đầu tiên, riêng trong 3 tháng đầu năm 2024 không ghi nhận bất kỳ công ty Fintech nào trong khu vực phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)...

Theo Báo cáo Thị trường Fintech Đông Nam Á quý 1/2024 của nền tảng thông tin thị trường Tracxn, năm 2023, nguồn vốn tài trợ trong quý đầu tiên của các công ty trong ngành đạt 607 triệu USD, trong khi năm nay là 530 triệu USD. Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm, không ghi nhận bất kỳ công ty Fintech nào trong khu vực phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư quý 1/2024 còn thấp quý 4/2023, giảm đến 44% từ 939 triệu USD. Vào quý cuối cùng của năm ngoái, các startup Fintech Đông Nam Á ghi nhận đạt 758 triệu USD vốn đầu tư trong các vòng giai đoạn sau, trong khi trong quý 1/2024, con số này sụt giảm xuống chỉ còn 270 triệu USD.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu của Tracxn cho rằng việc giảm nguồn tài trợ chủ yếu là do các nhà đầu tư hiện không đẩy mạnh đầu tư vào các vòng ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, với sức mạnh của ngành như hiện nay, việc nguồn vốn sụt giảm trong quý đầu năm nay không thể chỉ do sự sụt giảm đầu tư ở giai đoạn cuối, theo Tech Collective.

5 LÝ DO ĐẰNG SAU SỰ SỤT GIẢM NGUỒN TÀI TRỢ CHO FINTECH ASEAN

Thứ nhất, thế giới đã phải chịu những đợt tăng lãi suất cao trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và tránh suy thoái kinh tế. Ảnh hưởng chính sách điều chỉnh tiền tệ từ các nước khác đã làm tăng chi phí năng lượng và sản xuất tại khu vực.

Thứ hai, hoạt động kinh tế giữa các ngành công nghiệp đã chậm lại, làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và bóp nghẹt thị trường vốn đầu tư.

Thứ ba, những thách thức kinh tế như hiện nay, các nhà đầu tư có xu hướng tài trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chính sách ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Trong khi đó, số lượng công ty theo đuổi ESG có phần khiêm tốn tại khu vực.

Thứ tư, những xung đột gia tăng trong những năm gần đây, bao gồm các cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, Mỹ và Trung Quốc, Israel và Palestine, Yemen cùng nhiều quốc gia khác. Những căng thẳng này đã gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, gây bất ổn cho thị trường chứng khoán và ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh.

Thứ năm, các cuộc tấn công mạng như ransomware và lừa đảo cũng đang gây nguy hiểm cho các hoạt động và giao dịch Fintech. Các mối đe dọa mất dữ liệu sẽ khiến khách hàng lo ngại về quyền riêng tư khi thực hiện thanh toán kỹ thuật số. Khi người dùng đề cao giao dịch bằng tiền mặt, lĩnh vực fintech mất đi sức hấp dẫn, điều này khiến các nhà đầu tư đắn đo với quyết định tài trợ cho các công ty khởi nghiệp.

CHIẾN LƯỢC GIÚP CÁC STARTUP FINTECH SỐNG SÓT QUA THỜI KỲ SUY THOÁI VỐN

Theo các chuyên gia, các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính tại Đông Nam Á cần đẩy mạnh tận dụng các xu hướng công nghệ hiện nay chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI) và xác thực đa yếu tố (MFA) nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và điều hành quản lý.

Theo đó, AI có thể ứng dụng trong phân tích dữ liệu, tự động hóa thanh toán và quản lý khách hàng. Còn MFA đảm bảo an toàn dữ liệu bằng cách thiết lập nhiều quy trình nhận dạng trước khi cho phép người dùng truy cập vào tài khoản fintech của họ.

Bên cạnh đó, các công ty nên cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, thông qua việc hợp tác với các công ty khác trong khu vực nhằm tạo ra một hệ sinh thái tài chính toàn diện trong khu vực.

Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp nên tận dụng các nguồn lực từ chính phủ như nguồn vốn tài trợ hay các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.

Cuối cùng, các công ty nên đánh giá lại chi phí hoạt động để giảm lãng phí vốn và ngừng phát sinh các chi phí kinh doanh không cần thiết. Họ nên tập trung vào việc đổi mới và sử dụng các công nghệ như blockchain để giải quyết vấn đề loại trừ tài chính và mang lại giải pháp cho cư dân ASEAN chưa được phục vụ đầy đủ và không có dịch vụ ngân hàng.

Việc sẵn sàng áp dụng những công nghệ mới và thực hiện thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ giúp các công ty khởi nghiệp tối ưu hóa chi phí hoạt động mà sẽ còn trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Ngô Huyền