Mừng hay lo khi nhập siêu có dấu hiệu trở lại?
Tin tức - Ngày đăng : 07:35, 07/06/2024
Xuất khẩu tiếp tục tăng
Theo số liệu cập nhật của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 5 vừa qua ước đạt 870 triệu đô la Mỹ, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ với mức tăng trưởng tương ứng 36% và 92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với ngành rau quả, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 665 triệu đô la, tăng 10,3% so với tháng trước đó. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,5 tỉ đô la, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không riêng thủy hải sản và rau quả có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mà theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng vừa qua, một số lĩnh vực khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao.
Tính chung của cơ quan thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,81 tỉ đô la, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,37 tỉ đô la và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,44 tỉ đô la, tăng tương ứng 13% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỉ đô la, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 43,7 tỉ đô la, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỉ đô la, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.
Nhập siêu trở lại sau 23 tháng xuất siêu
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tháng vừa qua tăng khá cao nhưng nhập khẩu trong cùng thời gian này cũng tăng mạnh hơn. Điều này dẫn tới cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu trong tháng 5-2024.
Cụ thể kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 vừa qua ước đạt 33,81 tỉ đô la, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả ghi nhận được, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu 1 tỉ đô la.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỉ đô la, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng ước tính xuất siêu 8,01 tỉ đô la (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỉ đô la).
Như vậy, sau 23 tháng xuất siêu liên tục, nhập siêu đã quay trở lại vào tháng 5 vừa qua. Từ đây cũng dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về cán cân thương mại của nền kinh tế, trong đó không ít ý kiến thể hiện sự lo ngại về tình hình nhập siêu trở lại. Nhưng nhìn trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhập siêu thời điểm này không phải là điều đáng bi quan.
Mừng hơn lo lắng…
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhập siêu trong 1 tháng là hiện tượng chưa đáng quan ngại, nhưng cần chú ý phân tích tại sao dẫn đến nhập siêu. Trường hợp nhập khẩu nhiều máy móc, nguyên vật liệu sản xuất thì tương đối bình thường. Nhưng nếu nhập siêu hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng thì sẽ đáng lo ngại vì kim ngạch nhập khẩu của đất nước nhiều nhất là từ Trung Quốc.
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất để phục hồi kinh doanh, quốc gia này còn xây dựng những tổng kho rất lớn dọc biên giới Việt Nam với giá hàng hóa rất rẻ.
Tương tự, TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, nhập siêu dài hạn mới đáng lo ngại, còn việc nhập siêu trong 1 hay 3 tháng sau thời gian xuất siêu thì không có vấn đề gì.
Chuyên gia này cũng đề nghị xem lại cơ cấu lĩnh vực nhập khẩu dẫn đến nhập siêu. Trong thời điểm này, khả năng doanh nghiệp nhìn nhận thị trường xuất khẩu tốt lên, hoạt động kinh doanh có dấu hiệu phục hồi nên tăng nhập thiết bị máy móc để phục vụ cho sản xuất trong thời gian tới. Tương tự, việc tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu cũng đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng.
Đáng chú ý, việc sản xuất trong nước nhiều lĩnh vực còn phụ thuộc nhiều nguyên vật liệu nước ngoài thì việc nhập lúc này được xem là những bước chuẩn bị cho gia tăng sản xuất của doanh nghiệp. Đơn cử như sản phẩm dệt may, da giày,… phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu. Ngay cả mặt hàng nông sản xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng phải nhập nguyên liệu thô về chế biến.
Bên cạnh đó, việc các địa phương phấn đấu đẩy mạnh thực hiện đầu tư công cũng cần nhập khẩu thiết bị, công nghệ và nguyên phụ liệu để thực hiện các dự án công trình…
Báo cáo vĩ mô mới cập nhật của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) vừa công bố cũng đưa ra nhận định rằng nhập siêu nên mừng hơn lo. Việc ghi nhận tháng nhập siêu đầu tiên của tháng 5 với 1 tỉ đô la trong gần 2 năm qua ở góc độ chính sách tiền tệ thì có vẻ tiêu cực bởi tăng thêm áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng từng số liệu, trong báo cáo chuyên gia ACBS cho rằng đây lại có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Số liệu cho thấy, nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu nhập nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử, điện máy và dệt may. Do đó, việc nhập khẩu hiện tại có thể là bước đi trước của xuất khẩu ở các lĩnh vực chủ lực này. Tăng trưởng nhập khẩu chậm trong năm 2023 cũng kìm hãm đà hồi phục của xuất khẩu.
“Dù thặng dư thương mại có thể giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong năm 2023 nhưng đổi lại nền kinh tế cũng ảm đạm trong năm 2023. Vì vậy, nhập siêu ở thời điểm này tuy tạo áp lực tỷ giá trong ngắn hạn nhưng lại mở ra tín hiệu tích cực hơn cho giai đoạn hồi phục các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo trong thời gian tới”, ACBS nhận định.
Chi tiết hơn, số liệu nhập khẩu bật tăng rõ nét bắt đầu từ đầu tháng 4, sau một chuỗi tăng trưởng ảm đạm. Các mặt hàng nhập khẩu tập trung vào các nguyên liệu then chốt cho sản xuất, gồm: linh kiện điện tử, máy tính, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu dệt may, sắt thép.
Trong đó, nhập khẩu linh kiện điện tử máy tính, máy móc thiết bị tăng từ 20 – 50% trong riêng tháng 5-2024, dự kiến sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy từ 20 – 30% xuất khẩu trong nửa cuối năm 2024.
Tăng trưởng mạnh của nguyên vật liệu dệt may (tăng 33% trong tháng vừa qua và hơn 20% trong 5 tháng đầu năm) báo hiệu đơn hàng dệt may sẽ tăng tốt trong nửa cuối năm nay. Nhập khẩu sắt thép và sản phẩm sắt thép cũng tăng mạnh trong tháng 4 và tháng 5-2024 (lần lượt tăng 16% và 47%), trong đó hơn 60% là đến từ Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng đây có thể coi là động thái tích trữ hàng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên, đồng thời đối phó với rủi ro về chính sách thuế.
Trên thực tế cùng với nhập siêu, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)… cũng tăng, cho thấy sản xuất đang dần phục hồi trở lại. Tốc độ tăng trưởng về sản xuất công nghiệp ở một số ngành cao hơn, kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu, trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
“Số lượng đơn đặt hàng mới lại tăng mạnh trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng nhu cầu đang được duy trì, thúc đẩy sự tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ hơn trong tháng 5”, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đánh giá.
Khi nhập siêu có dấu hiệu quay trở lại, Tổng cục Thống kê cho rằng cần chú trọng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn.
Bên cạnh đó cần chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập và sử dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, về sản xuất trong tháng 5, Chỉ số IIP ước tính tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu tăng cao như: sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa tăng 24,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 23%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,4%…
Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch tăng cao, như gạo tăng 56,5%; sơ, xợi dệt các loại tăng 52,7%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 50,7%; điện thoại và linh kiện tăng 50,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 31,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 16,1%…