Báo chí và chính sách: Cộng sinh vì sự phát triển ổn định của đất nước
Tin tức - Ngày đăng : 17:15, 31/05/2024
Báo chí và chính sách: Cộng sinh vì sự phát triển ổn định của đất nước
Phát biểu tại diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững”, do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức sáng 31/5, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), TS. Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học IDS đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và thực thi.
IDS đăng toàn văn bài phát biểu:
Hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và thực thi. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí khai tử ngay trước giờ ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng.
Báo chí rộng đường, chính sách thuận lợi
Mấy tuần vừa qua, chúng ta thấy thông tin về giá vàng nóng ran trên các mặt báo. Quay ngược thời gian trở lại hơn 10 năm trước, đã từng có một giai đoạn mà thông tin về giá vàng nóng hổi không kém; và chính sách quản lý thị trường vàng thực sự là bài toán gây đau đầu đối với cơ quan quản lý và những người hoạch định chính sách vĩ mô. Đó là năm 2009 – 2010, thị trường vàng biến động phức tạp, hỗn loạn chưa từng có, do quy định quản lý thời điểm bấy giờ thả lỏng để các bên tham gia thị trường tự do. Các sàn giao dịch vàng vật chất nở rộ, khiến vàng trở thành một loại hàng hoá tự do giao dịch. Các tổ chức tín dụng được huy động, cho vay vốn bằng vàng, khiến vàng cũng được coi là phương tiện thanh toán. Bối cảnh đó tạo điều kiện gia tăng tình trạng đầu cơ vàng, củng cố thêm tâm lý nắm giữ vàng trong nền kinh tế, trong khi chính các tổ chức tín dụng cũng không lường trước được rủi ro có thể xảy ra khi huy động, cho vay vốn bằng vàng. Mặc dù đã có nhiều biện pháp được áp dụng liên tục trong năm đó, nhưng vấn đề chỉ được giải quyết trong ngắn hạn. Cơn sốt vàng vẫn quay trở lại do thói quen nắm giữ, đầu cơ vàng đã ăn sâu trong tâm lý người dân.
Tại thời điểm đó, việc quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng được phân ra rất nhiều đoạn, do nhiều bộ, ngành, cơ quan quản lý từng khúc trong cả thị trường. Để thực sự dẹp yên tình trạng “vàng hoá” nền kinh tế, cần thống nhất đưa về một đầu mối là NHNN. Đó chính là bối cảnh cho sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP (NĐ24) về quản lý thị trường vàng, có hiệu lực từ 25/5/2012. NĐ24 quy định, Nhà nước (mà đại diện là NHNN) độc quyền xuất - nhập khẩu vàng; chỉ định SJC là đơn vị độc quyền sản xuất vàng thương hiệu quốc gia; đặt thêm điều kiện kinh doanh vàng miếng. Đặt ra những quy định có xu hướng đi ngược lại với kinh tế thị trường tự do như vậy, trước và kể cả sau thời điểm ban hành, NHNN đối diện với rất nhiều ý kiến trái chiều.
Thậm chí sau gần 1 năm được ban hành, sự nghi ngờ đối với NĐ24 vẫn chưa giảm. Tháng 4/2013, báo Thanh Niên đăng bài “Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội vàng thế giới: “Rửa” vàng bằng cơ chế?”, trong đó đặt nghi vấn có nhóm lợi ích đằng sau các chủ trương độc quyền của NHNN, khiến giá vàng thế giới và trong nước liên tục duy trì ở mức chênh lệch rất lớn. Lúc này cơ quan soạn thảo NĐ24 đã chỉ đạo sát sao công tác truyền thông. Cụ thể là chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về các tác động tiêu cực của thị trường vàng giai đoạn trước đây và sự cần thiết phải đưa thị trường này vào khuôn khổ; đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan, các chuyên gia kinh tế có uy tín để họ phát biểu ủng hộ chủ trương này.
Qua quá trình tranh luận và trao đổi công khai, dần dần các cơ quan báo chí đã hiểu rằng chính sách quản lý trong thời điểm bấy giờ cần đặt ưu tiên hàng đầu cho việc ổn định kinh tế vĩ mô. Để làm được điều đó, cần triệt tiêu thói quen đầu cơ vàng, thực hiện các giao dịch kinh tế bằng vàng, chấm dứt việc “vàng hoá” nền kinh tế… mà để làm được thì việc áp dụng các biện pháp cứng rắn là lựa chọn không thể khác. Sau một loạt động thái, các ý kiến trái chiều về NĐ24 đã tạm lắng xuống, chính sách tiếp tục được thực thi. Diễn biến thực tế của thị trường vàng trong mấy năm vừa qua, cho tới thời điểm trước khi cơn sốt vàng quay trở lại vào năm 2023, cho thấy NĐ24 đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực.
Báo chỉ chỉ phản ánh thực trạng xã hội là chưa đủ…
Dù khởi đầu không mấy suôn sẻ, NĐ24 cuối cùng đã được đón nhận. Tuy nhiên không phải chính sách nào cũng đi tới cái kết “đẹp” như vậy. Thực tế đã ghi nhận nhiều chính sách vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, và phía cơ quan quản lý không thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, thì chính sách đó tất yếu sẽ bị đào thải. Đáng tiếc là trong số đó có cả những chủ trương đúng đắn, mà khi bị phản đối thì đã gây ra những hệ luỵ tiêu cực về sau. Tôi muốn đề cập lại câu chuyện về trạm thu phí BOT Cai Lậy, một “điểm nóng” của kinh tế - xã hội năm 2017.
Điểm nóng BOT Cai Lậy bùng nổ ở thời điểm chúng ta đang phát huy tốt chủ trương huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư các công trình giao thông lớn của quốc gia. Chỉ từ một điểm nóng, đã tạo thành làn sóng phản đối và gây sức ép xem xét lại, từ đó thay đổi cục diện của một chủ trương lớn. Khi đó, những ý kiến được báo chí trích dẫn tập trung vào mấy vấn đề: doanh nghiệp BOT tay không bắt giặc; chính sách thu phí ảnh hưởng tới người nghèo; mức thu ảnh hưởng giá cước của các doanh nghiệp vận tải... Các lập luận tập trung ở những chi tiết tạo ra điểm nóng và không thuộc về bản chất của chính sách, chẳng hạn như tranh luận về khái niệm “thu giá” hay “thu phí”.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí nói doanh nghiệp tay không bắt giặc, trong khi thực chất họ đã làm đúng theo quy định của nhà nước là có 20% vốn đối ứng, còn lại được phép vay ngân hàng để làm dự án BOT. Các lập luận đưa ra dường như rất thuyết phục, nhưng lại không phân tích thực chất của vấn đề là 20% tổng mức đầu tư của một dự án cơ sở hạ tầng đã rơi vào khoảng vài trăm tỷ đồng. Tại thời điểm đó và ngay cả bây giờ, việc tìm được một doanh nghiệp trong nước có đủ số vốn đối ứng ở mức này là không đơn giản. Tôi xin hỏi các anh chị đã từng phản đối quy định này một câu: Chúng ta ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam dữ chưa?
Nhìn ở bức tranh rộng hơn. Chúng ta phản ứng quá gay gắt với các dự án BOT, mà không nhìn vào cục diện giai đoạn 2011-2015, hơn 400.000 tỷ đồng vốn xã hội đã được huy động thành công vào xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó rõ nhất là vào hàng hải, quy hoạch cảng biển phục vụ xuất nhập khẩu và nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ điểm nóng là một dự án BOT đường bộ, đã dẫn tới thay đổi cục diện chính sách của cả một chủ trương lớn. Bởi sau sự việc này, hàng loạt quy định then chốt về các dự án hợp tác công tư đã được xem xét và thay đổi. Dẫn tới hệ quả là với các quy định mới quá chặt chẽ, thì không thể thu hút dự án mới theo hình thức PPP, thậm chí một số nhà đầu tư còn trả lại dự án. Để giải quyết vấn đề đó, cơ quan hoạch định chính sách đã phải ban hành Luật PPP trong đó quy định rõ có những dự án nhà nước phải đầu tư vốn mồi lên tới 50% tổng mức đầu tư và các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác phải lo 50% còn lại. Quy định tưởng chừng như cởi mở hơn, nhưng kết quả thu lại không như mong muốn. Cho nên toàn bộ tuyến đường cao tốc Bắc – Nam hình thành từ đầu nhiệm kỳ này hoàn toàn là vốn NSNN; dẫn tới hệ quả chúng ta không đủ tiền hỗ trợ cho những dự án cấp bách khác phục vụ cho các lĩnh vực hàng không, hàng hải… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế và khu vực.
Từ câu chuyện thực tế này, chúng ta thấy báo chí đã thực hiện tốt chức năng giám sát và trở thành một kênh hiệu quả để Nhà nước giải tỏa nỗi bức xúc, đồng thời gia tăng sự ủng hộ của người dân đối với chính sách của mình. Nếu không giải quyết được điểm nóng để củng cố niềm tin của công chúng, thì không chỉ chính sách phát triển hạ tầng giao thông mà rất nhiều chính sách khác sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên ở góc nhìn rộng hơn, tôi cho rằng báo chí mới đang làm tốt vai trò phản ánh thực trạng xã hội, mà chưa đầu tư vào việc nghiên cứu chuyên sâu đòi hỏi kết hợp kiến thức chuyên môn, quản lý nhà nước, tâm lý xã hội, thị trường… Từ đó chưa thực hiện đầy đủ chức năng phản biện và định hướng xã hội. Hệ quả là điểm nóng được dập tắt, nhưng cho tới nay sau gần 10 năm, việc huy động nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vốn đang rất lạc hậu và quá tải, đã chững lại và tiếp tục dồn lên vai Nhà nước.
Tất nhiên, yêu cầu giám sát, phản biện và định hướng xã hội không thể chỉ đặt ra đối với các cơ quan báo chí truyền thông. Từ hai câu chuyện mà tôi dẫn chứng ở trên, cùng với rất nhiều câu chuyện thực tế khác, có thể thấy ở bộ ngành, địa phương, cơ quan nào thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, thì cùng với sự vào cuộc phản biện của báo chí, chính sách đó sẽ được đón nhận và thực thi tốt. Đáng tiếc đó chỉ là số ít. Rất nhiều cơ quan hoạch định chính sách chưa tận dụng hết thế mạnh của các cơ quan truyền thông, nên đã bỏ phí khả năng huy động các nguồn lực nhàn rỗi cho phát triển.
Tôi cũng hiểu rằng các cơ quan báo chí hiện nay chịu rất nhiều ràng buộc về việc phải là tiếng nói đại diện của một ngành, lĩnh vực, cùng với sức ép về kinh tế báo chí, nên trong nhiều trường hợp khó có thể cất lên tiếng nói trái chiều. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh thông tin không chỉ giữa các cơ quan báo chí với nhau, mà còn giữa báo chí với mạng xã hội hay các kênh thông tin khác, chỉ có đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, đặt lợi ích tổng thể của xã hội lên trên lợi ích của ngành hay lĩnh vực mà mình đại diện, thì báo chí mới thực sự tạo ra sức cạnh tranh khác biệt và vượt trội.