Lãi suất có tín hiệu tăng, ngân hàng tranh thủ phát hành trái phiếu
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 06:12, 20/05/2024
Tích cực phát hành trái phiếu
Trong 37.928 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành trong bốn tháng đầu năm nay, tỷ trọng phát hành của nhóm ngân hàng cao thứ 2 với 33,9%, tương ứng gần 12.860 tỉ đồng, chỉ sau ngành bất động sản (tỷ trọng 51,2%). Riêng trong tháng 4 vừa qua, có ba ngân hàng đã phát hành với tổng giá trị lên đến 7.800 tỉ đồng, chiếm hơn 71% tổng giá trị phát hành của nhóm ngân hàng trong bốn tháng đầu năm.
Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Techcombank đã phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm với lãi suất 3,7%/năm; MSB phát hành 2.800 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm với lãi suất 3,9%/năm; MB phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn từ 7-10 năm, lãi suất tính theo bình quân lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank + 1,6%/năm, từ năm thứ 6 trở đi sẽ tính theo lãi suất tham chiếu cộng với biên độ từ 2-2,3%/năm.
Về kế hoạch phát hành sắp tới, HDBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành hai đợt với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỉ đồng và 12.000 tỉ đồng. BIDV dự kiến phát hành 8.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn trên năm năm cho giai đoạn 1 năm nay. Xu hướng các ngân hàng phát hành trái phiếu có thể tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Trước tình hình mặt bằng lãi suất huy động vốn đi lên ngày càng rõ ràng hơn, khi nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất trở lại trong hơn hai tháng qua nhằm giữ chân khách hàng tiền gửi trong bối cảnh giá vàng và giá ngoại tệ tăng mạnh mẽ, chiến lược tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để hạn chế rủi ro chi phí vốn đối mặt áp lực gia tăng trong giai đoạn tới của các ngân hàng là có thể hiểu được.
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài ngay từ thời điểm này được xem là chiến lược phù hợp. Ngoài việc tận dụng mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp, các ngân hàng còn có thể hạn chế bớt thách thức chi phí vốn đầu vào có thể gia tăng trong thời gian tới một khi lãi suất đang bắt đầu đi lên trở lại.
Trong nửa đầu tháng 5, đã có 12 ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng tăng đến hai lần. Đặc biệt, các ngân hàng từ trước đến nay thường theo đuổi khung lãi suất niêm yết thấp cũng không tránh khỏi xu hướng chung. Đơn cử như Techcombank đã tăng lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5 điểm phần trăm tùy kỳ hạn so với thời điểm tháng 4; Sacombank tăng từ 0,2-0,3 điểm phần trăm.
Thống kê cho thấy so với thời điểm cuối tháng 3, lãi suất tiền gửi bình quân theo niêm yết của 35 ngân hàng trong nước đã tăng 0,04 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-5 tháng; tăng 0,07 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-11 tháng; tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 12 tháng và tăng 0,06 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Đặc biệt, nếu như thời điểm nửa cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4 chỉ chứng kiến lác đác một vài ngân hàng tăng lãi suất, từ nửa cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5 đã ghi nhận làn sóng tăng lãi suất lan rộng hơn.
Chiến lược hợp lý?
Dù đã có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng có thể nói mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn đang ở vùng thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài ngay từ thời điểm này được xem là chiến lược phù hợp. Ngoài việc tận dụng mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp, các ngân hàng còn có thể hạn chế bớt thách thức chi phí vốn đầu vào có thể gia tăng trong thời gian tới một khi lãi suất đang bắt đầu đi lên trở lại như đã nói. Có thể thấy mức lãi suất phát hành chỉ 3,7-3,9%/năm của Techcombank và MSB ở kỳ hạn ba năm, hay mức xấp xỉ quanh 6,3%/năm của MBBank ở kỳ hạn 7-10 năm, đã phần nào thể hiện điều này.
Với việc nguồn vốn điều lệ đã tăng mạnh trong thời gian qua, các ngân hàng càng có điều kiện để phát hành thêm trái phiếu kỳ hạn dài nhằm tăng vốn tự có cấp 2, nếu đảm bảo đủ điều kiện. Theo quy định hiện nay, trái phiếu kỳ hạn trên năm năm của ngân hàng phát hành sẽ được tính vào vốn tự có cấp 2, miễn sao vốn tự có cấp 2 không được vượt quá 100% vốn tự có cấp 1 (chủ yếu gồm vốn điều lệ, các quỹ dự trữ và lợi nhuận chưa phân phối).
Đặc biệt, với việc nguồn vốn trung và dài hạn vẫn chịu nhiều áp lực, việc tăng nguồn vốn dài hạn qua con đường phát hành trái phiếu càng trở nên cần thiết. Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đến cuối tháng 3 là 28,15%, dù vẫn thấp hơn mốc quy định 30%, nhưng riêng nhóm NHTM cổ phần vẫn đang ghi nhận tỷ lệ này lên đến 39,95%. Đáng chú ý, tỷ lệ này của nhóm NHTM cổ phần đã vọt lên mốc 39%, cao hơn quy định kể từ tháng 8 năm ngoái mà vẫn không thể giảm xuống cho đến nay, khả năng một phần bị ảnh hưởng bởi nợ xấu gia tăng.
Để hóa giải phần nào áp lực nợ xấu, NHNN vừa trình Chính phủ đề xuất gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02 về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn thêm sáu tháng, thay vì kết thúc vào giữa năm nay như dự kiến. Theo NHNN, đến cuối năm 2023 đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu trên 183.000 tỉ đồng.
Nếu tiếp tục được gia hạn thì những khoản nợ của doanh nghiệp, người đi vay sẽ tiếp tục được kéo giãn đến hết năm nay, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước. Dù chính sách này không tránh được việc nợ xấu của ngân hàng có thể tăng thêm, tuy nhiên điều quan trọng nhất lúc này là doanh nghiệp cần có thêm thời gian và được trợ lực, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước xu hướng nợ xấu có thể còn tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới, áp lực gia tăng lên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ còn hiện hữu, vì theo quy định, các khoản dư nợ gốc bị quá hạn mặc nhiên được tính vào dư nợ cho vay trung và dài hạn. Điều này càng khiến các ngân hàng phải tăng cường làm dày bộ đệm nguồn vốn trung và dài hạn của mình.
Một trong những cách giúp gia tăng nguồn vốn kinh doanh dài hạn của các ngân hàng trong thời gian qua là vay vốn ngoại tệ từ nguồn tài trợ thương mại của các định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, với rủi ro tỷ giá tăng cao từ năm ngoái đến nay, cộng thêm lãi suất vay đô la Mỹ đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, các tổ chức tín dụng trong nước cần phải thận trọng hơn đối với các khoản vay ngoại tệ này. Thay vào đó, con đường phát hành trái phiếu tiền đồng xem ra dễ chịu hơn hẳn.