Các bộ ngành đang ứng xử với biến động thị trường vàng ra sao?
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 09:39, 16/05/2024
Chính phủ yêu cầu thanh tra thị trường vàng
Một thông tin khác liên quan, cũng trong ngày 14-5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan về công tác quản lý thị trường vàng.
Vấn đề cấp bách được đưa ra là triển khai các giải pháp đồng bộ về tăng nguồn cung và thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để thị trường vàng miếng SJC ổn định hơn. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cử các cán bộ tham gia đoàn thanh tra liên ngành. Ông cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chậm nhất cuối tuần này phải công bố quyết định thanh tra. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị nếu các cơ quan, bộ ngành, địa phương phát hiện sai phạm trong quá trình thanh, kiểm tra thị trường vàng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an xử lý theo quy định.
NHNN tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung và kìm giá
Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng có động thái trong hoạt động quản lý thị trường vàng. Ngày 12-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm việc với UBND TPHCM triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp quản lý thị trường vàng.
Tại đây, phía NHNN cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cung ứng ra thị trường với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường. Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế, NHNN khuyến nghị người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.
Lãnh đạo NHNN và UBND TPHCM cũng thống nhất sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là nghị định 24 để quản lý, điều hành thị trường vàng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thành công phiên đấu thầu vàng miếng SJC diễn ra ngày 14-5. Kết quả là có 8 đơn vị tham gia trúng đấu thầu vàng với tổng khối lượng trúng đấu thầu là 81 lô, tương đương 8.100 lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng.
Đây là khối lượng vàng miếng trúng đấu thầu cao nhất trong 3 phiên đấu thầu diễn ra theo đúng kế hoạch thời gian gần đây. Tổng khối lượng trúng thầu của hai phiên trước đó là 6.800 lượng vàng miếng SJC.
NHNN tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày mai (16-5). Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 87,5 triệu đồng/lượng. Khối lượng 1 lô là 100 lượng.
Tại lần đấu thầu này, khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thấu là 40 lô, tương đương 4.000 lượng. Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Bộ Công an đề nghị cơ chế can thiệp giá và cung – cầu thị trường
Gần đây nhất, phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15-5, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, bộ đã nắm tình hình và kiến nghị nhiều giải pháp ổn định an ninh tiền tệ, an ninh quốc gia. Trong đó, giải pháp cần thiết lúc này là tăng quy mô dự trữ vàng, quản lý khuôn vàng miếng SJC tại Nhà máy in tiền quốc gia…
Cơ quan này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng cơ chế can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường vàng như giá mua – bán, cung – cầu thị trường. Đơn vị chức năng cũng cần bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua vào và bán ra của vàng miếng, cũng như trách nhiệm quản lý với vàng miếng, sản xuất gia công trang sức, mỹ nghệ.
Bên cạnh đó là kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành quy định pháp lý kiểm soát nghĩa vụ thuế về kinh doanh vàng, trong đó có quy định bắt buộc về xuất hóa đơn điện tử, quy định về thuế giá trị gia tăng, mã số, mã vạch.
Bộ cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiểm soát thị trường vàng, tránh để xảy ra các hoạt động kinh doanh vàng giả, vàng nhái, cũng như phát hiện các hoạt động vi phạm để xử lý kịp thời.
Bộ Tài chính siết buôn lậu vàng
Trước đó, hôm 14-5, Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu lực lượng hải quan xử lý các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới nhằm thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh vàng trái phép.
Đồng thời, phía Tổng cục thuế phải hướng dẫn các cục thuế phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh vàng. Ngành thuế phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về thuế, hóa đơn trong giao dịch vàng theo quy định; chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Khoảng 16 giờ ngày 15-5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 87,7- 90,2 triệu đồng/lượng; tăng 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt ngày giao dịch hôm qua, thông tin từ bieudogiavang.vn.
Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào và bán ra lần lượt là 87,5 triệu đồng/lượng và 89,2 triệu đồng/lượng. So với hôm trước, mức giá này tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào ở mức 87,8 và bán ra ở mức 90,0 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.