Nhiều thách thức trong đào tạo nhân lực bán dẫn
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:10, 12/05/2024
Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (sau đây gọi là Đề án).
Tại hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới.
Từ năm 2001-2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỉ đô la Mỹ/năm vào năm 2023 và kỳ vọng đạt đến 1.000 tỉ đô la Mỹ/năm vào năm 2030. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Trong bối cảnh này, Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Đó là quyết tâm chính trị cao; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử. Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)… Chúng ta có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang…
Bên cạnh đó, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Mỹ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Để đón cơ hội này, Việt Nam đang lên kế hoạch chi tới 1 tỉ đô la để đào tạo nhân lực bán dẫn. Đề án, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đặt mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.
Các con số cụ thể là, đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó, có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn và tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo.
Ước tính, tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỉ đồng (tương đương hơn 1 tỉ đô la), trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17.000 tỉ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỉ đồng.
Căn cứ kết quả khảo sát năng lực đào tạo của các trường đại học lớn tham gia đào tạo các ngành gần, ngành phù hợp, ngành đúng để chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “con số 50.000 kỹ sư đến năm 2030 là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể đào tạo được nhiều hơn”.
Dù vậy, thực tế đào tạo nhân lực bán dẫn ở các trường đại học đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi có cơ chế đột phá, chính sách đặc thù. Tại hội nghị nói trên, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết trường hiện chưa có chuyên ngành riêng về thiết kế vi mạch. Theo quy định, phải có đủ số lượng giáo sư, tiến sĩ nhất định mới được mở ngành và tính “quota” đào tạo trên số lượng giảng viên.
Tuy nhiên, đây là ngành học hoàn toàn mới, số tiến sĩ đếm trên đầu ngón tay nên không thể mở ngành, nếu có thì cũng chỉ tuyển sinh ở quy mô rất nhỏ. Về nguồn tuyển, các em sinh viên còn mơ hồ về ngành thiết kế vi mạch nói riêng và công nghệ bán dẫn. Chương trình đào tạo mới và thay đổi liên tục. Nơi thực tập cho sinh viên cũng là một khó khăn trong khi ngành này phải thực tập, thực hành mới làm việc được.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện cung cấp hơn 3.000 sinh viên mỗi năm trong các lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và cũng có hệ thống phòng thí nghiệm. Song, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết những phòng thí nghiệm này chưa tích hợp được công đoạn của công nghiệp bán dẫn.
Cơ hội việc làm cũng là vấn đề đặt ra khi nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cũng như hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đô la (khoảng 30-50% tổng đầu tư) để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.
Ví dụ, Mỹ đã ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỉ đô la hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120-150 tỉ đô la vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014. Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỉ đô la vào ngành công nghiệp bán dẫn trong năm năm. Hàn Quốc công bố Chiến lược “Vành đai chip bán dẫn” với kế hoạch chi tiêu 450 tỉ đô la trong 10 năm. Ấn Độ công bố sáng kiến “Nhiệm vụ công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỉ đô la, hỗ trợ lên đến 50% chi phí.
Thực tế này đặt ra câu hỏi: Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào trong việc thu hút FDI để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong nước, từ đó có thêm cơ hội việc làm cho nhân lực ngành này, hay nói cách khác là bảo đảm đầu ra của Đề án?