Bổ sung quy định lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho 3 lĩnh vực

Chính sách - Ngày đăng : 08:57, 10/05/2024

Theo dự kiến, trong giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng...

Ngày 9/5/2024, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, triển khai quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Điều 91, bảo vệ tầng ozone tại Điều 92, tổ chức và phát triển thị trường carbon tại Điều 139, ngày 07/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 06 và bối cảnh quốc tế cũng như trong nước đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư đã được xây dựng, điều chỉnh một số quy định hiện hành và bổ sung một số quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon, bảo vệ tầng ozone.

PHÂN BỔ HẠN NGẠCH CHO CÁC CƠ SỞ 3 LĨNH VỰC PHÁT THẢI LỚN

Theo ông Cường, dự thảo Nghị định tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Trong đó có quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường carbon; quy định về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính;

Cùng với đó, dự thảo cũng quy định về tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon trong nước, trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon trong nước; Quy định về trao đổi tín chỉ carbon quốc tế và bảo vệ tầng ozone.

Thông tin cụ thể về những nội dung sửa đổi, bổ sung, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ ozone, nhấn mạnh với nhu cầu áp dụng các công cụ định giá carbon để tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế trong thời gian tới sẽ dẫn đến một số yêu cầu phải thay đổi quy định liên quan đến kiểm kê khí nhà kính.

Theo đó cần phải tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính để phục vụ quá trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho một số đối tượng cụ thể.

Tuy nhiên, có 3 đối tượng (nhiệt điện, sắt thép, xi măng) sẽ được kiểm kê khí nhà kính theo hình thức mới, chi tiết hơn.

Bổ sung quy định lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho 3 lĩnh vực - Ảnh 1

Ngoài ra, dự thảo Nghị định sẽ bổ sung đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê này để đảm bảo các số liệu đầy đủ, chính xác và cập nhật. Bổ sung thêm hoạt động hấp thụ carbon từ rừng, cung cấp số liệu chi tiết đến từng địa phương để hỗ trợ các hoạt động hướng tới phát thải ròng bằng 0, cũng như việc tham gia tín chỉ tự nguyện trong tương lai…

Sửa đổi quy định về thẩm định kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở. Một điểm mới đó là dự thảo đã bổ sung danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính ngành chăn nuôi.

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cũng cho biết, dự thảo nghị định cũng đề xuất bổ sung lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, trong giai đoạn đầu (2025-2026) sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 45% tổng phát thải khí nhà kính của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê. Điều này phục vụ, áp dụng với các hệ thống trao đổi hạn ngạch tín chỉ carbon (thị trường bắt buộc, thị trường tuân thủ) đối với một số doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực này.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất lượng hạn ngạch phân bổ hằng năm cho từng nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất sắt thép, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/10/2024;

Bộ Xây dựng đề xuất lượng hạn ngạch phân bổ hằng năm cho từng cơ sở sản xuất xi măng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/10/2024;

Bổ sung quy định lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho 3 lĩnh vực - Ảnh 2

Ngoài ra, dự thảo đề xuất sửa đổi quy định về tổ chức phân bổ hạn ngạch theo hướng các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất danh mục cơ sở và lượng hạn ngạch được phân bổ hằng năm cho từng cơ sở gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, lượng hạn ngạch dự trữ.

Căn cứ tổng hạn ngạch phát thải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở.

Liên quan đến các quy định về tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon trong nước, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu, cho biết dự thảo sửa đổi đối tượng tham gia thị trường carbon; Bổ sung quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; Bổ sung quy định về Hệ thống đăng ký quốc gia.

Đặc biệt, dư thảo đã bổ sung quy định về Sàn giao dịch carbon; Sửa đổi quy định về hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon…

GÓP Ý LỘ TRÌNH ĐẢM BẢO KHẢ THI ĐỂ SỚM CÓ THỊ TRƯỜNG TRAO ĐỔI HẠN NGẠCH VÀ TÍN CHỈ CARBON

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội đã góp ý đảm bảo tính khả thi của các nội dung sửa đổi, bổ sung; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện…

Các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định nhằm đẩy nhanh xây dựng thị trường tín chỉ carbon, giảm phát thải, thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, và nguồn kinh phí từ thị trường này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến nhanh hoàn vốn, mở rộng sản xuất.

Đại diện Ban pháp chế, VCCI cho biết nhiều doanh nghiệp đang quan tâm vấn đề kiểm kê khí nhà kính. Theo dự thảo Nghị định dự kiến đẩy lộ trình kiểm kê và phân bổ hạn ngạch sớm hơn so với Nghị định 06. Do đó cần cân nhắc lộ trình bởi nếu đẩy nhanh có thể sẽ tác động đến các doanh nghiệp nội địa, trong đó có nhiều doanh nghiệp tiềm lực hạn chế và chưa hiểu biết nhiều về lĩnh vực mới.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu.
"Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi quy định tại Nghị định 06 đáp ứng xu thế của thế giới và yêu cầu thực tiễn trong nước. Đó là các vấn đề trao đổi tín chỉ carbon trong nước với quốc tế, thiết lập thị trường carbon trong nước. Để có hàng hóa tốt tham gia thị trường đòi hỏi chất lượng kiểm kê bởi kiểm kê tốt sẽ ra hạn ngạch chuẩn, tín chỉ chuẩn".

Liên quan đến quy định phân bổ hạn ngạch, VCCI cho rằng cần làm rõ phương pháp để các doanh nghiệp chủ động ước tính trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, xác định lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch.

Thống nhất và ủng hộ về sự cần thiết, quan điểm xây dựng Nghị định 06 sửa đổi trên tinh thần thúc đẩy sớm triển khai trao đổi hạn ngạch và phát triển thị trường carbon, đại diện Ban Khoa học và Môi trường, Tập đoàn EVN góp ý, theo lộ trình dự thảo, trước ngày 31/10/2024 Bộ Công Thương đề xuất lượng hạn ngạch phân bổ hằng năm cho từng cơ sở nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất sắt thép, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là mục tiêu rất khó.

Ngoài ra, Tập đoàn đề xuất cần xem xét vấn đề cho phép hạn ngạch cấp Tập đoàn hoặc tổng công ty để Tập đoàn chủ động trong điều phối, trao đổi tín chỉ giữa các cơ sở, nhà máy nhiệt điện.

Đối với quy định về vay mượn hạn ngạch phát thải, trong bối cảnh nhu cầu điện quốc gia ngày càng tăng, trong trường hợp nhà máy nhiệt điện vận hành vượt quá mức bình thường theo đề xuất của nhà sản xuất sẽ dẫn đến phát thải CO2 lớn hơn. Đại diện EVN kiến nghị có thể có cơ chế tạo thuận lợi cho nhà máy nhiệt điện và EVN đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện, ví dụ trong mùa khô các năm...

Góp ý cho quy định lộ trình thực hiện, đại diện Ban an toàn môi trường, Tổng công ty xi măng Việt Nam đề xuất lượng hạn ngạch phân bổ cho các cơ sở sản xuất xi măng phù hợp với tình hình thực tế hiện tại để đảm bảo tính khả thi.

Còn theo đại diện Hội chăn nuôi Việt Nam, với những người chăn nuôi, việc thực thi kê khai, kiểm kê phát thải khí nhà kính, hạn ngạch và thực thi cắt giảm là một khó khăn. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, cần cân nhắc đưa các cơ sở, lĩnh vực chăn nuôi vào thực thi kiểm kê khí nhà kính. Bởi so với các doanh nghiệp các ngành khác, ngành chăn nuôi còn đang rất khó khăn.

Hội chăn nuôi kiến nghị cần có lộ trình và trước mắt từ nay đến 2027 chưa nên đưa đối tượng cơ sở ngành chăn nuôi vào kiểm kê khí nhà kính để có thời gian chuẩn bị hỗ trợ nông dân. Trong thời gian này nên khuyến khích các cơ sở lớn tự nguyện tham gia.

Liên quan thị trường tín chỉ carbon, đại diện Hội khoa học Kỹ thuật lạnh điều hòa không khí Việt Nam nêu thực tế đội ngũ doanh nghiệp, bên thứ 3 để kiểm kê, kiểm định khí nhà kính còn rất mỏng. Để kiểm kê khí nhà kính là tổ hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chuyên gia này cũng băn khoăn vấn đề thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng (đang chiếm tỷ lệ phát thải lớn)… Đây là một trong những rào cản cho việc thực thi Nghị định sửa đổi, đẩy mạnh xây dựng thị trường tín chỉ carbon và phân bổ hạn ngạch…

Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông, đào tạo nhân lực, cấp chứng chỉ cho các đơn vị để đảm bảo thực thi thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 cũng như phân bổ hạn ngạch, giảm phát thải, đại diện Hội này kiến nghị.

Phan Anh