Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế

Multimedia - Ngày đăng : 09:59, 23/04/2024

Trăn trở với tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn nhưng chưa được khai thác giữa Việt Nam và Nga, các học giả và chuyên gia hai nước tham dự diễn đàn “Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng” đã đưa ra những phân tích sâu và khuyến nghị quý báu...
Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 1
Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 2

“Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại giữa hai nước, việc cung cấp những giải pháp tài chính để doanh nghiệp hai nước phát triển ổn định và bền vững là hết sức cần thiết. Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) hiện đang là ngân hàng mang trên vai sứ mệnh này.

Trong lĩnh vực thanh toán giữa hai quốc gia, VRB tự hào là ngân hàng duy nhất kết nối thanh toán cũng như giữ vững vai trò chủ đạo trong thanh toán song phương giữa đồng Việt Nam và đồng Rúp Nga, góp phần thúc đẩy giao thương hai nước. Thông qua VRB, khách hàng có thể chuyển tiền trực tiếp Việt - Nga bằng đồng nội tệ mà không cần qua trung gian với mức phí ưu đãi, nhanh chóng, an toàn và bảo mật.

Để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, VRB đề xuất các cơ quan ban, ngành cần có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Nga và Việt Nam như: cơ chế hỗ trợ thuế, loại bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp logistics để mở thêm nhiều tuyến đường vận tải biển, bằng đường sắt, hàng không, xúc tiến du lịch…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan, tổ chức sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo xúc tiến thương mại tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp với VRB để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhưng vướng mắc trong vấn đề thanh toán song phương bằng đồng Việt Nam và Rúp”.

Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 3

“Năng lượng luôn là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.

Việt Nam là một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, dành phần tương đối lớn thu nhập vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và thiếu năng lực cũng như kế hoạch về năng lượng. Nga có năng lực và công nghệ, trong khi Việt Nam không phải lúc nào cũng có thông tin hoặc khả năng tiếp cận các hệ thống năng lượng.

Việt Nam có những lo ngại về năng lượng chủ yếu liên quan đến nguồn cung, việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi Nga lại quan tâm hơn đến việc phân phối đầy đủ dầu, than và khí đốt tự nhiên. Việt Nam còn thiếu các đòn bẩy và khả năng thương lượng như các nước lớn và nước phát triển. Nga và Việt Nam cũng có khả năng tiếp cận sở hữu trí tuệ, kiến ​​thức và công nghệ khác nhau, do đó sự hợp tác bổ sung cho nhau là một tài sản quý.

Các quốc gia nhập khẩu cần các quốc gia để mua còn các quốc gia xuất khẩu cần các quốc gia để bán, và ngay cả những quốc gia sản xuất đủ lượng năng lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi những gì xảy ra bên ngoài biên giới của họ. Bởi vậy, Việt Nam và Nga hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng là phần tất yếu của xu thế này”.

Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 4

“Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ, châu Âu và các quốc gia đồng minh đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và công nghệ của Nga. Hơn 17.500 lệnh trừng phạt đã được đưa ra, khiến Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Khoảng 300 tỷ EUR dự trữ ngoại hối đã bị đóng băng, chiếm khoảng một nửa tổng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga. Cùng với đó, 70% tài sản của hệ thống ngân hàng Nga hiện đang bị trừng phạt, và hơn 1.000 công ty nước ngoài đã rút khỏi hoặc cắt giảm hoạt động tại Nga.

Ứng phó với bối cảnh mới, năm 2023 Nga đưa ra khái niệm chính sách đối ngoại mới, trong đó xem chính sách chống Nga của Mỹ và các đồng minh là rủi ro lớn đối với an ninh của Nga. Đồng minh của Nga là những quốc gia thành viên của các khối như BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Cùng với đó, Nga hợp tác sâu sắc hơn với “các trung tâm quyền lực toàn cầu có chủ quyền” như Trung Quốc và Ấn Độ; phát huy tối đa tiềm năng của quan hệ với các quốc gia thuộc thế giới Hồi giáo, thành viên ASEAN, lục địa châu Phi, châu Mỹ Latin và vùng Caribê.

Về chính sách kinh tế, Chính phủ Nga đã thực hiện các chính sách nhằm giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt gồm kiểm soát vốn nghiêm ngặt, tăng lãi suất, triển khai các loại khoản vay trợ cấp, tăng hoặc áp dụng các loại thuế mới, tạo ra hệ thống tài chính của riêng mình, chuyển sang sử dụng tiền tệ của các quốc gia thân thiện, và đưa đồng Rúp kỹ thuật số đi vào hoạt động.

Vượt xa dự đoán của nhiều nhà phân tích quốc tế, nền kinh tế của Nga hiện đang chứng minh sức bền và khả năng phục hồi ấn tượng. Tổng thống Vladimir Putin cho rằng sự cô lập kinh tế với phương Tây chỉ giúp Nga trở thành “một trung tâm tăng trưởng mới” trong một thế giới mà phương Tây đang “tụt lại phía sau”. Nền kinh tế Nga sau khi giảm 2,1% năm 2022 đã dần khôi phục, với mức tăng trưởng gần 3,6% năm 2023.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh của phương Tây cũng như những phản ứng của Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế Việt Nam. Về mặt bất lợi, việc thanh toán trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Nga gặp khó khăn do lệnh trừng phạt; chuỗi cung ứng bị đứt gãy; các dự án hợp tác dầu khí giữa hai nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội từ việc nhiều tập đoàn lớn rút khỏi Nga để thúc đẩy quan hệ đầu tư với Nga, mở rộng quan hệ thương mại và tăng cường xuất khẩu sang Nga”.

Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 5

“Nga được biết đến là nước có tiềm năng về năng lượng rất lớn, đặc biệt là về than đá, đầu mỏ và khí đốt, là nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn nhất thế giới. Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất, trữ lượng than đứng thứ hai, dầu mỏ đứng thứ tám thế giới. Cụ thể, Nga chiếm 32% trữ lượng khí đốt tự nhiên, 12% trữ lượng dầu, 10% trữ lượng than đã khai thác (14% trữ lượng ước tính) và 8% trữ lượng uranium của thế giới. Ngoài ra, Nga còn có tiềm năng về thủy điện và điện tái tạo rất lớn, vượt xa nhiều lần so với nhu cầu của nước này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hai bên có tiềm năng lớn trong hợp tác năng lượng vì thực tế nhu cầu năng lượng ASEAN tăng gấp đôi vào năm 2050, trong khi Nga có khả năng cung cung năng lượng rất lớn, đặc biệt là than đá, dầu mỏ và khí đốt. Các nước ASEAN nhập khẩu dầu thô từ Nga đạt 1,96 tỷ USD năm 2020. Trong thời gian khủng hoảng Ukraine, xu hướng đó giảm mạnh.

Nga và ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược và ký kết nhiều văn bản hợp tác, song hợp tác năng lượng giữa hai bên không phát triển như kỳ vọng và tiềm năng. Hợp tác chủ yếu đang ở trên văn bản hợp tác, thực chất chưa cụ thể rõ ràng, ngoại trừ một số hợp tác trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ nhưng không lớn.

Cả Nga và ASEAN đều nhìn thấy cơ hội và tiềm năng thúc đẩy hợp tác năng lượng song phương. Nhu cầu năng lượng của ASEAN tăng gấp đôi đến năm 2050, trong khi khả năng cung ứng của Nga rất cao vì Nga là nhà sản xuất năng lượng lớn thứ ba thế giới.

Nga và ASEAN có thể tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng: sử dụng hiệu quả năng lượng, đảm bảo tính bền vững của năng lượng, cùng nhau phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; thăm dò hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí, điện lực, sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng hạt nhân dân sự, và năng lượng tái tạo nhằm tăng cường an ninh năng lượng”.

Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 6

“Trong mối quan hệ kinh tế, thương mại với ASEAN, Nga có tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân; nông nghiệp, bao gồm sản xuất máy móc nông nghiệp; công nghệ thông tin, kinh tế kỹ thuật số, gồm các dự án thành phố thông minh, chính phủ điện tử; phát triển các mỏ dầu khí và xây dựng nhà máy lọc dầu, chẳng hạn trong các dự án ở Indonesia; cũng như dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải như tại Myanmar và Thái Lan. Để đẩy mạnh hợp tác, Nga và ASEAN cũng như các nước thành viên trong khối có thể xây dựng một chiến lược mới về tương tác kinh tế, bao gồm danh mục các dự án đầu tư cụ thể.

Để vượt qua trở ngại từ các biện pháp trừng phạt, các nước có thể phát triển thanh toán bằng đồng nội tệ quốc gia hoặc thông qua đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, cũng cần xây dựng hệ thống thanh toán, quyết toán riêng. Một phương án khác có thể xem xét là sử dụng tài sản tài chính kỹ thuật số tại một số nước ASEAN, chẳng hạn một đồng tiền kỹ thuật số dạng stablecoin được hỗ trợ bởi hàng hóa hoặc tiền tệ riêng lẻ. Ngoài ra, triển vọng sử dụng các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, bao gồm cả các loại tiền đa phương, cũng là một nội dung mà các bên nên cân nhắc”.

Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 7

“BRICS ban đầu là một câu lạc bộ của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, thành lập vào tháng 6/2006. Trong đợt mở rộng đầu tiên của khối, năm nước gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran và Ethiopia đã chính thức trở thành thành viên BRICS vào ngày 1/1/2024. Đến nay, đã có hơn 30 quốc gia nộp đơn xin gia nhập BRICS. Hợp tác với BRICS sẽ mang lại một số lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng. Hợp tác BRICS sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại, góp phần tăng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên BRICS hiện nay và các thành viên mới của khối trong tương lai.

Thứ hai, về đầu tư, hợp tác với BRICS sẽ mở rộng và đa dạng hóa đối tác đầu tư vào Việt Nam thông qua các cơ chế BRICS hiện có như Ngân hàng Phát triển mới.

Thứ ba, về phát triển cơ sở hạ tầng, tương tác với BRICS cũng mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam các tuyến vận tải và hậu cần, trong đó giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giảm thời gian cũng như chi phí vận chuyển hàng hóa.

Thứ tư, hợp tác với BRICS sẽ cho phép Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực với các nước khác trong khối, trong đó sẽ giúp đất nước cải thiện hệ thống giáo dục, y tế và lĩnh vực nghiên cứu khoa học”.

Chuyên gia Việt Nam và Nga “hiến kế” tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 8

Bình Minh