Hoàn thiện pháp lý cho khu công nghiệp sinh thái
Multimedia - Ngày đăng : 08:53, 10/04/2024
Xây dựng các khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư là chủ trương được chúng ta thực hiện trong nhiều năm qua. Đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của khu công nghiệp trong quá trình thu hút đầu tư?
Thực tiễn thế giới cho thấy suốt nhiều thập kỷ qua, các quốc gia trên thế giới vẫn xác định khu công nghiệp và khu kinh tế là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư. Ở Việt Nam, kể từ năm 1992 khi khu công nghiệp Nomura được xây dựng - khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài 1987, đến nay đã 32 năm.
Tính đến hết năm 2023, cả nước đã có 416 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh thành, bao gồm 369 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn hecta và tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn hecta. Ngoài ra, cả nước có 18 khu kinh tế ven biển đã thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích cả nước).
Hiện nay, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.
Xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các khu công nghiệp và khu kinh tế. Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Những kết quả đạt được cho thấy, hệ thống khu công nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh thời gian qua và có đóng góp rất tích cực, hiệu quả đối với nền kinh tế, đặc biệt là đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thế giới đang xuất hiện những xu hướng mới, xu hướng dịch chuyển đầu tư, xu hướng số - xanh - phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ rộng sang sâu, từ nâu sang xanh. Chúng ta cũng muốn thu hút được dòng đầu tư chất lượng cao, đón các “đại bàng”. Để đón đại bàng, để đón dòng đầu tư trong sự dịch chuyển và xu hướng mới đó, việc xây dựng và phát triển hệ thống khu công nghiệp Việt Nam cần có sự đổi mới hay không, thưa ông?
Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư. Với yêu cầu lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đây cũng chính là xu hướng chủ đạo trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu. Việt Nam không thể thay đổi hay đứng ngoài xu hướng. Vì vậy, chúng ta phải chủ động càng sớm càng tốt để đón nhận các dòng đầu tư mà chúng ta mong muốn.
Nghị định 35/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được Chính phủ ban hành ngày 28/5/2022 đã đưa ra một số thay đổi đáng kể so với Nghị định 82/2018 nhằm tạo hành lang pháp lý tinh giản hơn cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào các dự án khu công nghiệp mới, khu công nghiệp chuyên ngành, công nghệ cao và đặc biệt là khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh.
Theo đó, việc xây dựng khu công nghiệp cao, khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái và chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái đã trở thành nhu cầu cấp thiết để thích ứng với yêu cầu mới.
Việc tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư hình thành một hệ thống khu công nghiệp hiện đại theo xu thế mới như là khu công nghiệp sinh thái, khu công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên biệt/chuyên sâu… là rất cần thiết trong giai đoạn mới.
Như ông vừa chia sẻ, khu công nghiệp trong giai đoạn mới phải là khu công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp xanh... Nhưng đến nay, Việt Nam có rất ít khu công nghiệp xanh và khu công nghiệp sinh thái. Và tỷ lệ lấp đầy các KCN đã hình thành cũng chưa cao, nguyên do từ đâu, thưa ông?
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn khá nhiều các tồn tại trong phát triển, quản lý các khu công nghiệp như quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại một số địa phương chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút vốn đầu tư; mô hình phát triển khu công nghiệp còn chậm đổi mới, thiếu vắng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ,… Do vậy, tuy Nhà nước đang tập trung giải quyết các bài toán về nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp và nhà ở xã hội nói chung, nhưng bài toán này vẫn chưa thể giải xong “một sớm một chiều”.
Về phát triển các khu công nghiệp xanh để loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, vẫn còn nhiều các khó khăn nhất định mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp với các định nghĩa rõ lại các khu công nghiệp như khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp mở rộng, phân khu công nghiệp… và quy định hướng dẫn chi tiết việc hình thành, quản lý và phát triển các loại hình khu công nghiệp.
Vẫn còn các quy định và định hướng phát triển các khu công nghiệp được đưa ra, nhưng nằm rải rác trong rất nhiều văn bản pháp quy khác trong các bộ luật liên quan (đất đai, xây dựng, môi trường,...), cộng với thủ tục hành chính cần được hoàn thiện hơn nữa mới có thể thúc đẩy nhanh việc phát triển các loại hình khu công nghiệp có hiệu quả cao, theo đúng định hướng phát triển xanh và công nghệ cao đặt ra cho giai đoạn phát triển tới.
Để gia tăng số lượng các khu công nghiệp kiểu mới, khu công nghiệp xanh để đón dòng đầu tư chất lượng cao, vấn đề tài chính và năng lực thực hiện là rất quan trọng, thưa ông?
Dự báo về sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón sóng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.
Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến hết năm 2030, diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 90.000 hecta khu công nghiệp, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 60-65.000 hecta.
Chính phủ cũng đồng ý với mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 40%-50% địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng khu sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.
Để làm được điều này thì tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện của doanh nghiệp là quan trọng. Ở trong nước, có không ít doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực, năng lực để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại, xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các tập đoàn lớn.
Vấn đề là làm sao có được tinh thần “3 cùng” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp FDI mới đây: “Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung và phát triển xanh nói riêng; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”.