Giải pháp tài chính phát triển khu công nghiệp
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:32, 27/03/2024
Chia sẻ tại Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024- 2029) diễn ra chiều 25/3, tại Hà Nội, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chủ tịch VIPFA cho biết nhìn lại quá trình phát triển hệ thống khu công nghiệp thời gian qua và kết quả thu hút đầu tư nước ngoài có thể thấy xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
“Hàng năm số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm tới 60 - 70% lượng vốn FDI thu hút được trong cả nước và vẫn có xu hướng tăng lên”, ông Thắng nhận định.
VẪN CÒN NHIỀU KHU CÔNG NGHIỆP CHƯA HIỆU QUẢ
Báo cáo của Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) cho thấy giai đoạn 2000-2020 là giai đoạn các khu công nghiệp phát triển mạnh. Tính đến cuối năm 2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã có 416 khu công nghiệp đã thành lập; trong đó, có 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.
Nhìn vào con số này, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng tỷ lệ lấp đấy các khu công nghiệp hiện còn thấp, có đến 121/414 khu công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, chưa tận dụng hết được một lượng vốn lớn về đất đai của nền kinh tế.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, TS. Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Chủ tịch VIPFA, cho rằng là do khu công nghiệp được quy hoạch khá dàn trải, chủ yếu dựa trên đề nghị của địa phương, chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh đó, còn khá nhiều khu công nghiệp triển khai chậm, vì nhiều lý do như công tác giải phóng mặt bằng chậm, suất đầu tư cao, chồng chéo về quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào khu công nghiệp không đảm bảo. Hạ tầng kết nối đa phương tiện thiếu đồng bộ, mất cân đối khi vận tải đường bộ chiếm tới 77% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng, nhà xưởng còn thấp.
Cùng với đó, chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Việt Nam do năng lực tài chính hạn chế, có tâm lý chờ đợi tìm được nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong khu công nghiệp; trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư. “Sự giằng co, chờ đợi này đã khiến nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp”, ông Thành nói.
NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
TS. Phan Hữu Thắng cho rằng về cơ bản phát triển một khu công nghiệp có thành công hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp, doanh nhân – chủ đầu tư là chính.
“Các yếu tố cần để phát triển khu công nghiệp hoàn chỉnh, hiện đại theo đúng định hướng được gói gọn ở 4 từ: Chế - Tài - Tâm - Tầm”, TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh và lý giải, vì trong cả 4 yếu tố cần có trên, về phía Nhà nước chỉ có 1 yêu cầu phải làm gắn với từ “Chế” - đó là hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển khu công nghiệp, có ý nghĩa “bà đỡ” cho sự phát triển của hệ thống khu công nghiệp.
Tiếp đó, 3 yếu tố còn lại đòi hỏi phải có là “Tài – Tâm - Tầm” đều ở phía doanh nghiệp và phụ thuộc vào tài năng của người đứng đầu doanh nghiệp.
Đặc biệt, phát triển hệ thống khu công nghiệp Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp, trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguồn vốn bên ngoài hướng đến chất lượng đầu tư và bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia.
“VIPFA sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, bám sát các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập của đất nước để tìm ra các giải pháp thích hợp cho từng vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn đầu tư phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay”, ông Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Chiều 25/3/2024, Đại hội Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2024-2029) đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là hội viên chính thức và khách mời từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
Tại Đại hội, các đại biểu đã thông qua quy chế hoạt động, quy chế quản lý tài chính của VIPFA và báo cáo phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2024-2029 và bầu cử Ban Chấp hành Liên chi hội gồm 51 ủy viên do TS. Phan hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm Chủ tịch. Các đại biểu cũng đã thảo luận và nhất trí thông qua Kế hoạch công tác nhiệm kỳ 1 và Chương trình nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Liên chi hội.
Mục đích hoạt động của Liên chi hội nhằm kết nối các tổ chức, cá nhân liên quan đến kinh tế tài chính khu công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam; định hướng huy động vốn đầu tư, kinh doanh trong khu công nghiệp một cách chuyên nghiệp, có chuẩn mực, đạo đức phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến khu công nghiệp…