Vì sao ngân hàng mới cam kết giải ngân 7 nghìn tỷ trong gói 120 nghìn tỷ cho vay nhà ở xã hội?

Tin tức - Ngày đăng : 14:40, 13/03/2024

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 5,8%...

Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

NGÂN HÀNG MỚI CAM KẾT CHO VAY 7.000 TỶ ĐỒNG TRONG SỐ 120 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Theo thông tin từ hội nghị, đến nay mới có 68 dự án trên cả nước được công bố đủ điều kiện tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng, mặc dù chương trình được đề cập tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và có tới 10 văn bản hướng dẫn thực hiện bởi nhiều bộ, ngành.

Đến nay, một số địa phương đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Trong 68 dự án được 28 tỉnh, thành phố công bố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Hội nghị có sự tham gia của doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và các bộ/ngành liên quan.
Hội nghị có sự tham gia của doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và các bộ/ngành liên quan.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân, bao gồm 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng; và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 03 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.

Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng.

Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng.

Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

Qua thời gian triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã tập hợp một số vướng mắc, khó khăn từ các đơn vị cho vay.

Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Theo ủy quyền của Bộ Xây dựng thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ công bố danh mục nhà ở xã hội trên địa bàn của địa phương mình. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023 và Bộ Xây dựng ban hành văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 24/04/2023 hướng dẫn triển khai Chương trình thì đến nay mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7 năm 2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn Chương trình này.

Thứ hai, qua báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thì có một số địa phương chưa công bố danh mục này mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị.

Thứ ba, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác).

Tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.

Thứ tư,các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.

Theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng, chỉ có 4 dự án (tại TP.HCM, Hà Nội và Nghệ An) trên 68 dự án là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Kết quả này cho thấy số lượng các dự án này còn chiếm tỷ lệ rất thấp.

ĐIỀU KIỆN CƯ TRÚ VÀ THU NHẬP CẢN TRỞ NGƯỜI MUA NHÀ XÃ HỘI

Nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng… vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở (2014) quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà đã tăng cao. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi trong đó một số điều kiện đã được chỉnh sửa tuy nhiên hiện chưa có hiệu lực thi hành.

Thực tế triển khai cho vay đối với người mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội (đơn vị đang thực hiện cho vay người mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định 100) cho thấy việc cho vay với đối tượng này còn gặp nhiều vướng mắc. Những lý do được chỉ ra như do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện để mua nhà, không đủ điều kiện để vay vốn tín dụng chính sách xã hội, chủ đầu tư khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm…

Vì vậy, đến thời điểm kết thúc giải ngân Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (đến hết năm 2023), thì doanh số giải ngân của Chương trình mới đạt trên 10.200 tỷ đồng (bằng khoảng 68% số vốn được bố trí).

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP cho thấy các đối tượng này sẽ có xu hướng lựa chọn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi hơn (chương trình có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Ngân hàng Nhà nước cho biết khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như: bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng… dẫn đến nguồn thu nhập của khách hàng sụt giảm. Do đó, khách hàng hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này.

Liên quan gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, đã có nhiều văn bản liên quan gồm:

  1. Công văn 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 triển khai chương trình;
  2. Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội;

3. Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023;

4. Công văn 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi của Bộ Xây dựng;

5. Công văn 6745/VPCP-CN ngày 31/8/2023 về Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi của Văn phòng Chính phủ;

6. Công văn 7447/NHNN-TD ngày 25/9/2023 triển khai Chương trình của Ngân hàng Nhà nước;

7. Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 04/10/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023;

8. Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 của Thủ tướng;

9. Nghị quyết 185/NQ-CP ngày 07/11/2023 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2023.

(VnEconomy tổng hợp).

Hoàng Lan