Triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025: Kết quả và giải pháp, định hướng thời gian tới
Chính sách - Ngày đăng : 07:18, 30/01/2024
Sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, việc nghiên cứu, đầu tư công nghệ để chuyển đổi, thúc đẩy TTKDTM là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc đối với mọi tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng để tồn tại và phát triển thịnh vượng.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ - Quyết định 1813) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện được hơn hai năm, đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu, rộng về TTKDTM trong nền kinh tế, thúc đẩy sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM. Nhìn lại hơn hai năm triển khai Quyết định 1813 của ngành Ngân hàng, có thể khái quát một số kết quả nổi bật như sau:
1. Hành lang pháp lý phát triển TTKDTM thường xuyên được rà soát và hoàn thiện
Có thể thấy, những năm vừa qua, “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - CMCN 4.0”, “TTKDTM”, “ngân hàng số”, “chuyển đổi số”, “thanh toán số” là những từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Internet. “TTKDTM”, “chuyển đổi số” đã và đang len lỏi vào đời sống thường ngày của người dân. Tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, thanh toán qua mã phản hồi nhanh - QR Code, thanh toán phi tiếp xúc - NFC, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc - contactless chip... đã trở thành các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay, cả ở thành thị lẫn nông thôn; khu trung tâm thương mại lẫn các chợ “cóc” ven đường; từ khu vực công đến khu vực tư nhân...
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030 (Quyết định số 2289/QĐ-TTg), trong đó giao NHNN thực hiện một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy TTKDTM; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện chuyển đổi số, phát triển mô hình ngân hàng số; tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động ngân hàng. Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về phát triển TTKDTM, ngành Ngân hàng tập trung quan điểm lấy cải cách, hoàn thiện cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, góp phần hướng tới một xã hội không tiền mặt trong tương lai không xa.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán trong nền kinh tế, cũng như thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về phát triển TTKDTM, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều chính sách, Kế hoạch, Chương trình hành động, Chỉ thị, đặc biệt là rà soát, cập nhật các quy định, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các đơn vị trong toàn Ngành ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới để cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện lợi, đem lại trải nghiệm tích cực và nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể:
(i) Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền1, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến thanh toán như: Bổ sung quy định tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) là đối tượng báo cáo và phải thực hiện các nghĩa vụ về phòng, chống rửa tiền theo quy định; sửa đổi, bổ sung quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; bổ sung quy định về chuyển tiền điện tử...; đồng thời, NHNN cũng đã lập đề xuất sửa đổi Luật Các TCTD, Luật NHNN; trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về TTKDTM, trong đó sửa đổi, bổ sung các nội dung về phương tiện TTKDTM, chủ tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán không hợp pháp, điều kiện cung ứng dịch vụ TGTT... và dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 20252.
(ii) NHNN chủ động ban hành nhiều Kế hoạch, Chỉ thị nhằm thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng như: Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 18133; Chỉ thị về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng4; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 20305; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 20305 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 - 20256; Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”7.
(iii) Tiếp nối các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật8 (QR Code, thẻ chíp...) để tạo thuận lợi cho việc liên thông, kết nối cung ứng dịch vụ, các Thông tư hướng dẫn mở tài khoản, phát hành thẻ9, bảo lãnh ngân hàng10 bằng phương thức điện tử (eKYC) làm nền tảng cho thúc đẩy TTKDTM, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money)11 nhằm tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam...; ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng12, trong đó bổ sung cơ sở pháp lý đối với hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; Quy chế mới về an toàn bảo mật hệ thống thông tin của NHNN13; Quyết định về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng14...
(iv) Ngoài ra, để khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, NHNN đã ban hành chính sách giảm phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) của NHNN15; chỉ đạo áp dụng miễn phí chuyển mạch đối với giao dịch thanh toán trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; chỉ đạo TCTD giảm phí; miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ của Chính phủ, miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; nhiều TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ có ưu đãi về phí cho khách hàng như: Áp dụng chính sách “zero fee”; khoảng 80% giao dịch chuyển tiền trực tuyến qua tài khoản thanh toán được miễn phí.
2. Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác
Việc nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại luôn được ngành Ngân hàng quan tâm, chú trọng đầu tư. Hệ thống TTĐTLNH và Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (CMTC&BTĐT) tiếp tục được nâng cấp phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập tài chính quốc tế. Các TCTD, TGTT được kết nối liên thông qua hạ tầng thanh toán số tập trung, hiện đại với thời gian xử lí giao dịch tính bằng giây. Ngoài việc nâng cao năng lực xử lí của các dịch vụ thanh toán nội tệ sẵn có gồm: Thanh toán giá trị cao, thanh toán giá trị thấp, quyết toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ thu ngân sách nhà nước, hệ thống TTĐTLNH đã được bổ sung các dịch vụ như thanh toán ngoại tệ (với hai loại tiền là USD, EUR) và quyết toán giao dịch bán lẻ từ các hệ thống CMTC&BTĐT. Hệ thống TTĐTLNH đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống CMTC&BTĐT cung ứng khả năng thanh toán theo thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lí giao dịch đa kênh, đa phương tiện, phục vụ nhu cầu chuyển tiền, giao dịch thanh toán bán lẻ, thanh toán các dịch vụ tiện ích. (Hình 1)
Hình 1. Biểu đồ hạ tầng thanh toán
Nguồn: NHNN
Tính đến cuối năm 2023, số lượng giao dịch qua hệ thống TTĐTLNH đạt 130 triệu giao dịch, tương ứng với giá trị đạt trên 198,24 triệu tỉ đồng (giảm 16,23% về số lượng và tăng 0,96% về giá trị so với năm 2022), bình quân hệ thống xử lí hơn 789 nghìn tỉ đồng/ngày; số lượng giao dịch qua hệ thống CMTC&BTĐT đạt gần 7,42 tỉ giao dịch, tương ứng với giá trị đạt gần 54,13 triệu tỉ đồng (tăng 53% về số lượng và 13% về giá trị so với năm 2022), bình quân hệ thống CMTC&BTĐT xử lí gần 20 triệu giao dịch/ngày.
Hạ tầng thông tin tín dụng (TTTD) đạt được những bước phát triển rõ rệt với độ phủ thông tin ngày càng mở rộng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng thông tin. Trong giai đoạn 2019 - 2023, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy cơ sở dữ liệu TTTD phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Kết quả đến nay, CIC đã thu thập được thông tin từ 124/124 đầu mối TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.161 quỹ tín dụng nhân dân, 04 đơn vị tài chính vi mô và 60 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động TTTD. Tỉ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD luôn đạt mức cao, trên 98%, độ bao phủ TTTD trên tổng dân số trưởng thành luôn được cải thiện, nâng tổng số khách hàng trong cơ sở dữ liệu TTTD lên gần 55 triệu khách hàng.
Việc hoàn thiện, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), hệ thống thanh toán nội bộ của các TCTD cũng được quan tâm, đầu tư. Các TCTD tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư, cập nhật và phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống Core Banking với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, quản lí tập trung, cho phép các TCTD cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc để giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, có gần 40 TCTD đã xây mới hoặc nâng cấp hệ thống Core Banking, nhiều đơn vị đã và đang nghiên cứu triển khai nền tảng ngân hàng số; triển khai giải pháp và hệ thống thanh toán có khả năng kết nối và tương thích với các chuẩn của hệ thống SWIFT, TTĐTLNH, CMTC&BTĐT theo chuẩn IS0 20022, tập trung hóa các hoạt động thanh toán.
3. Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0
Sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, việc nghiên cứu, đầu tư công nghệ để chuyển đổi, thúc đẩy TTKDTM là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc đối với mọi tổ chức tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng để tồn tại và phát triển thịnh vượng. Triển khai nhiệm vụ, kế hoạch của ngành Ngân hàng về phát triển TTKDTM, các TCTD, TGTT đã nỗ lực đầu tư, xây dựng và phát triển được hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lí nghiệp vụ vững mạnh, tin cậy dựa trên công nghệ, dữ liệu và có thể tiếp cận khách hàng qua các kênh số, thiết kế, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện ích theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm, hướng tới cung cấp trải nghiệm giao dịch vượt trội cho khách hàng. Hiện nay, ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử của nhiều TCTD, TGTT đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng, thanh toán như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/khóa/đóng thẻ/tài khoản, thiết lập hạn mức... và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như gọi xe/gọi món, giao hàng, mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn/tour du lịch... mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh của cá nhân.
Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng. Đến tháng 11/2023, có 85 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. Trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kì năm 2022, hoạt động TTKDTM tiếp tục tăng trưởng khá, cụ thể: Giao dịch TTKDTM đạt trên 10 tỉ giao dịch, với giá trị đạt hơn 197 triệu tỉ đồng (tăng gần 50% về số lượng và giảm 0,71% về giá trị); qua kênh Internet đạt gần 2 tỉ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỉ đồng (tăng hơn 56% về số lượng và 5,8% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỉ giao dịch, với giá trị đạt hơn 49 triệu tỉ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR Code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỉ đồng (tăng gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị). Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng eKYC đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, đến cuối tháng 11/2023, hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng: Toàn thị trường có 21.014 ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kì năm 2022). Trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, NHNN đã hợp tác với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Campuchia, Lào) để triển khai thử nghiệm kết nối thanh toán bán lẻ song phương qua QR Code. Việc kết nối thanh toán song phương qua QR Code giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN hiện đang triển khai theo hình thức thử nghiệm được Thống đốc Ngân hàng Trung ương hai nước phê duyệt và triển khai theo Bản ghi nhớ (MOU) đã được kí kết giữa hai Ngân hàng Trung ương. (Hình 2)
Hình 2. Biểu đồ tăng trưởng qua các kênh thanh toán
Nguồn: NHNN
Các TCTD, TGTT đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kì hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng, ví điện tử; chuyển tiền; quản lí nhân sự; kế toán - tài chính...); nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Một số ngân hàng đã hoàn thiện hệ thống giao dịch tự động, ứng dụng một phần dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và đưa các dịch vụ tư vấn tự động 24/7 thông qua các hội thoại trên ứng dụng mobile, website hoặc mạng xã hội của ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 9/2023, cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận: (i) Tổng số tài khoản đăng kí và sử dụng dịch vụ Mobile-Money16 là hơn 5,6 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản của khách hàng đăng kí và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 3,9 triệu tài khoản (chiếm 70,12% tổng số tài khoản đăng kí và sử dụng dịch vụ); (ii) Có 11.696 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 6.426 điểm, chiếm khoảng 55% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập. Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, số lượng điểm kinh doanh tăng 1,42 lần so với thời điểm cuối tháng 9/2022; (iii) Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT) được thiết lập đến cuối tháng 9/2023 là hơn 195,89 nghìn đơn vị, trong đó chủ yếu là các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu (như điện, nước, giáo dục, viễn thông, dịch vụ công...). Số lượng ĐVCNTT thời điểm cuối tháng 9/2023 tăng hơn 13,4 lần so với thời điểm cuối tháng 9/202217; (iv) Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 47 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch gần 2.390 tỉ đồng. Trong hai năm thí điểm, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm được đảm bảo, chưa xảy ra các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ và tăng cường tiếp cận với đối tượng khách hàng mới, đặc biệt ở các khu vực còn khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ thanh toán và ngân hàng. Số lượng khách hàng đăng kí sử dụng dịch vụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã đạt được tỉ lệ cao so với tổng số lượng khách hàng đăng kí dịch vụ Mobile-Money trong thời gian vừa qua (70,12%), đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu của dịch vụ Mobile-Money tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tính đến cuối tháng 12/2023, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ TGTT trên thị trường; trong đó, dịch vụ CMTC&BTĐT: 01 tổ chức, dịch vụ cổng thanh toán điện tử: 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ: 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử: 14 tổ chức và dịch vụ ví điện tử: 49 tổ chức. Đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt) với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 3,82 nghìn tỉ đồng. Trong năm 2023, số lượng giao dịch bằng ví điện tử của các tổ chức TGTT được xử lí thành công đạt 4.088,90 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 1.895,56 nghìn tỉ đồng (tăng 47,15% về số lượng và 41,78% về giá trị so với cùng kì năm 2022); bình quân khoảng 463 nghìn đồng/giao dịch (trong đó, bình quân 01 ví điện tử đang hoạt động phát sinh khoảng 10 giao dịch/tháng, với giá trị giao dịch là xấp xỉ 4,8 triệu đồng/tháng).
Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công tiếp tục được NHNN, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, TGTT quan tâm, đẩy mạnh. NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công như: Triển khai mở rộng dịch vụ thanh toán phí và lệ phí tới 71 bộ, ngành/địa phương; triển khai thanh toán cho 07 nhóm dịch vụ bao gồm: Nộp bảo hiểm xã hội, thuế bất động sản, nộp phạt vi phạm giao thông, tạm ứng án phí, phí và lệ phí, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân; mở rộng hình thức thanh toán bằng mã VietQR trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với 17 ngân hàng thanh toán lệ phí, hồ sơ xét tuyển đại học.
Bên cạnh các nỗ lực phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán và mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, ngành Ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, giúp tạo lập niềm tin và sự gắn bó của khách hàng. NHNN thường xuyên, định kì tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT; cảnh báo, khuyến nghị về các vấn đề rủi ro trong hoạt động thanh toán; đồng thời, thường xuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập các báo cáo định kì về tình hình hoạt động của các hệ thống thanh toán, giám sát tình hình cung ứng dịch vụ TGTT.
Mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh phát triển TTKDTM đó chính là công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục tài chính của NHNN và các TCTD. NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan và cơ quan báo chí tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm như: Phối hợp với báo Lao động tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy thanh toán điện tử ở Việt Nam”; phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức chuỗi sự kiện hàng năm “Ngày thẻ Việt Nam”; phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức chuỗi sự kiện hằng năm “Ngày không tiền mặt - 16/6”; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo: “Thúc đẩy dịch vụ công và TTKDTM”; phối hợp với báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Hội thảo: “Chuyển đổi số tài chính, ngân hàng và cơ hội của nông dân”.
Những kết quả trên cho thấy, những chính sách, quy định về thúc đẩy TTKDTM đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội qua hai năm sau dịch bệnh và suy thoái kinh tế, đưa TTKDTM với những phương thức thanh toán phi tiền mặt như thẻ thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua QR Code, chuyển tiền tức thời 24/7... trở nên quen thuộc, hữu ích với người dân, doanh nghiệp.
4. Một số khó khăn, thách thức và giải pháp, định hướng trong thời gian tới về phát triển TTKDTM
Thời gian qua, TTKDTM, trong đó có thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực; tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: (i) Thói quen, tâm lí sử dụng tiền mặt của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tâm lí e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của một bộ phận người dân gây trở ngại cho phát triển TTKDTM; (ii) Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp, rửa tiền, trốn thuế, gian lận, lừa đảo...; (iii) Việc phối hợp thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu từ đất và lệ phí trước bạ còn một số vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình trao đổi dữ liệu nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước giữa các cơ quan gây ảnh hưởng đến người nộp thuế; (iv) Việc đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua ngân hàng mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị.
Để giải quyết những thách thức nêu trên và tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, lấy khách hàng làm trọng tâm và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng làm mục tiêu chính, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, định hướng cụ thể như sau:
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về TTKDTM, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về TTKDTM; xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán đáp ứng yêu cầu thanh toán của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Đẩy mạnh kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo Đề án 06 để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng trong các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng.
Thứ ba, NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile-Money trước tháng 5/2024.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy TTKDTM trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tham gia xây dựng văn bản, chính sách, quy định, hướng dẫn cho việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong việc xác thực và định danh khách hàng.
Thứ năm, tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác kết nối thanh toán song phương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN về thanh toán bán lẻ sử dụng QR Code với mục tiêu thúc đẩy TTKDTM, giảm chi phí giao dịch và tăng cường sử dụng đồng bản tệ mỗi nước.
Thứ sáu, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Từ những kết quả, nền tảng đã đạt được thời gian qua, cùng với giải pháp theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, ngành Ngân hàng vững tin sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, thắng lợi mới về phát triển TTKDTM trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
1 Luật số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
2 Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
3 Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 của Thống đốc NHNN.
4 Chị thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN.
5 Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN.
6 Quyết định số 1887/QĐ-NHNN ngày 03/11/2022 của Thống đốc NHNN.
7 Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 giữa NHNN và Bộ Công an.
8 “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía Đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” (Quyết định số 1928/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 của Thống đốc NHNN); Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chíp nội địa (Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 của Thống đốc NHNN).
9 Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 và Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 của Thống đốc NHNN.
10 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Thống đốc NHNN.
11 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
12 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN.
13 Quyết định số 1820/QĐ-NHNN ngày 26/10/2020 của Thống đốc NHNN.
14 Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN.
15 Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020, Thông tư số 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020 và Thông tư số 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021 của Thống đốc NHNN.
16 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
17 Số lượng ĐVCNTT tăng đột biến là do trong kì báo cáo các doanh nghiệp thực hiện thí điểm (Viettel, VNPT-Media) đã thực hiện kết nối thanh toán cho Cổng dịch vụ công quốc gia; theo đó, dịch vụ Mobile-Money có thể được sử dụng để thanh toán cho tất cả các ĐVCNTT có kết nối thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.
2 Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
3 Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 của Thống đốc NHNN.
4 Chị thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN.
5 Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN.
6 Quyết định số 1887/QĐ-NHNN ngày 03/11/2022 của Thống đốc NHNN.
7 Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 giữa NHNN và Bộ Công an.
8 “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía Đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” (Quyết định số 1928/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 của Thống đốc NHNN); Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chíp nội địa (Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 của Thống đốc NHNN).
9 Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 và Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 của Thống đốc NHNN.
10 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 của Thống đốc NHNN.
11 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
12 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN.
13 Quyết định số 1820/QĐ-NHNN ngày 26/10/2020 của Thống đốc NHNN.
14 Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN.
15 Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020, Thông tư số 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020 và Thông tư số 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021 của Thống đốc NHNN.
16 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
17 Số lượng ĐVCNTT tăng đột biến là do trong kì báo cáo các doanh nghiệp thực hiện thí điểm (Viettel, VNPT-Media) đã thực hiện kết nối thanh toán cho Cổng dịch vụ công quốc gia; theo đó, dịch vụ Mobile-Money có thể được sử dụng để thanh toán cho tất cả các ĐVCNTT có kết nối thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Phạm Anh Tuấn
Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN