IDS kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp Trung Quốc với Bộ GTVT Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 14:44, 10/01/2024

Ngày 9/1, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) đã chủ trì cuộc gặp mặt, chào xã giao giữa đoàn doanh nghiệp Trung Quốc và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam.
anh-1-ids.jpg
Ngày 9/1, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số đã chủ trì cuộc gặp mặt, chào xã giao giữa đoàn doanh nghiệp Trung Quốc và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học IDS dẫn đầu đoàn công tác.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tiếp đón đoàn tại trụ sở Bộ. Cùng dự có ông Trần Việt Hà, Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Đại diện của đoàn doanh nghiệp Trung Quốc là ông Wu Deyun, Tổng giám đốc kinh doanh Hãng hàng không Sichuan Airlines.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, trước năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra, lĩnh vực GTVT rất phát triển và phía Trung Quốc có nhiều chuyến bay tới Việt Nam. Tuy nhiên do đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực, khiến hoạt động du lịch, hàng không giữa hai nước đình trệ và hạn chế nhiều.

Năm 2023 phía Trung Quốc bắt đầu khôi phục hoạt động du lịch, nhất là hàng không quốc tế. Đặc biệt tháng 12 vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Việt Nam và mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng giao thông trọng yếu. Các cơ quan Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ GTVT rất mong muốn cụ thể hoá các chương trình, hoạt động này; đồng thời tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng.

Chia sẻ về hoạt động của Sichuan Airlines, ông Wu Deyun cho biết, hãng đặt trụ sở tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên; quy mô đội tàu bay 192 chiếc phục vụ cả vận tải hành khách và hàng hoá. Hiện nay các chuyến bay của hãng đã đến cả 5 châu trên thế giới.

Từ đầu năm 2023 khi chính sách mở cửa của Trung Quốc mạnh hơn so với trong dịch, Chính phủ nước bạn đã yêu cầu tất cả các hãng nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Đồng thời chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cũng yêu cầu Sichuan Airlines nhanh chóng khôi phục tất cả đường bay. Vì vậy hãng đã đẩy mạnh hoạt động, khôi phục các tuyến bay tới châu Âu và Nga. Tại châu Á mục tiêu phát triển đường bay tới Thái Lan, Việt Nam. Trong tương lai, hãng định hướng hàng không phát triển theo chính sách vành đai con đường của Chính phủ Trung Quốc.

Tính đến tháng 12 vừa qua, hoạt động của Sichuan Airlines đã hồi phục hơn 90% so với trước dịch. Mặc dù chưa theo đúng kế hoạch nhưng kết quả này được đánh giá là khá tốt so với các hãng hàng không trên thế giới. Tính riêng trong năm 2023, hãng đã phục vụ 33 triệu lượt khách.

anh-2-ids.jpg
Quang cảnh buổi làm việc.

Lãnh đạo Sichuan Airlines dự báo sắp tới lượng khách Việt Nam đến Trung Quốc giao lưu văn hoá, du lịch sẽ ngày càng lớn. “Chúng tôi rất mừng khi vừa qua làm việc với các ngân hàng lớn của Trung Quốc, được biết thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt 4.000 USD, từ con số này sẽ ngày càng có nhiều khách du lịch Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, nhà đầu tư Trung Quốc cũng sẽ mở rộng hoạt động sang Việt Nam”, ông Wu Deyun cho hay.

Với kỳ vọng đó, hãng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo Bộ GTVT để có thêm các sản phẩm mới nhằm mở rộng hoạt động, tăng chuyến bay tới Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cam kết tiếp tục phối hợp hỗ trợ nhà chức trách Trung Quốc và hãng. Phía Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đường bay giữa các thành phố Việt Nam tới tỉnh Tứ Xuyên và các tỉnh, thành phố khác đạt tần suất bay cao, lượt khách nhiều như trước dịch và ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, thời gian qua IDS đã tổ chức kết nối đầu tư giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước với tổ chức, doanh nghiệp quốc tế trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong khuôn khổ hợp tác đầu tư quốc tế, IDS đang xúc tiến hoạt động kết nối và giới thiệu các cơ hội đầu tư tại Việt Nam đến với các doanh nghiệp Trung Quốc, trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, thời gian qua IDS đã tổ chức kết nối đầu tư giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước với tổ chức, doanh nghiệp quốc tế trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong khuôn khổ hợp tác đầu tư quốc tế, IDS đang xúc tiến hoạt động kết nối và giới thiệu các cơ hội đầu tư tại Việt Nam đến với các doanh nghiệp Trung Quốc, trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia.

CVP