'Sản xuất bán dẫn không nhất thiết phải có đất hiếm'

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:17, 20/12/2023

GS. Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng đất hiếm là nguyên vật liệu đắt, khó kiếm và không nhất thiết lúc nào cũng phải dùng trong sản xuất bán dẫn.

Đó là những chia sẻ của GS. Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore bên lề buổi tọa đàm "Công nghệ bán dẫn - Nền tảng của thế giới hiện đại", trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023, khi được hỏi về vai trò của đất hiếm trong lĩnh vực bán dẫn.

Ngày nay có nhiều vật liệu mới cho sản xuất bán dẫn

Theo GS. Teck-Seng Low, ngành bán dẫn xuất phát từ những vật liệu rất cơ bản. Ví dụ, với bán dẫn thông thường có nguyên liệu đầu vào là silica, còn được biết đến là cát, vật liệu có rất nhiều trong tự nhiên và rất dễ kiếm. Sau đó bắt đầu có thêm những loại vật liệu khác được sử dụng như silic, carbide, gali,... Khoảng 5-6 nguyên tố sẽ được kết hợp với nhau để tạo thành bán dẫn. Có thể nói, với bán dẫn truyền thống thì các nguyên liệu đầu vào để sản xuất bán dẫn không hề đắt.

LPA06287

GS. Teck-Seng Low phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Vingroup.

"Trong khi đó, đất hiếm dùng để sản xuất nam châm, sản xuất pin xe điện thì có nguyên liệu quý như là neodymium. Các bạn có thể thấy, ngày nay, người ta đã nghiên cứu vật liệu mới và cũng phát minh ra rất nhiều vật liệu mới cho sản xuất bán dẫn. Và không phải nhất thiết lúc nào ngành bán dẫn cũng đòi hỏi những nguyên vật liệu đắt, khó kiếm như đất hiếm", GS. Teck-Seng Low cho biết.

GS. Low nhận định, hiện nay người ta sử dụng nguyên vật liệu hữu cơ, rất dễ kiếm và đang được phát triển. Còn nói về đất hiếm thì tiềm năng của nó chỉ trong các lĩnh vực phát triển các vật liệu từ tính như sản xuất trong pin xe điện thì nó mới là quý giá.

Cùng quan điểm với GS. Low, GS. Vivian Yam, thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, đánh giá, lĩnh vực Điện tử hữu cơ đang phát triển nhanh chóng, liên quan đến việc sử dụng vật liệu hữu cơ trong các thiết bị điện tử.

LPA06201

GS. Vivian Yam, thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture. Ảnh: Vingroup.

"Những vật liệu này có nguồn gốc từ carbon và có thể được tìm thấy trong tự nhiên hoặc được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Điện tử hữu cơ đã thu hút được sự chú ý đáng kể nhờ các đặc tính độc đáo của chúng, chẳng hạn như tính linh hoạt, chi phí thấp và dễ xử lý", GS. Yam nói.

Kinh nghiệm cho Việt Nam trong đầu tư bán dẫn

Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư vào ngành bán dẫn của Singapore, GS. Teck-Seng Low cho rằng, Việt Nam có thể bắt đầu như Singapore, đó là đầu tư vào các phòng LAB. Giai đoạn khởi động có thể chỉ cần đầu tư ở mức hợp lý bằng phương thức hợp tác với những công ty khởi nghiệp. Khi đó, vốn của chính phủ đóng vai trò như vốn "mồi", thu hút các nhà đầu tư.

"Chính phủ Singapore cũng có rất nhiều các chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Singapore. Chẳng hạn như chúng tôi có luật pháp rất rõ ràng, chính trị ổn định, chính phủ kiến tạo, chỉ số thực hiện kinh doanh thuận lợi cũng rất dễ dàng. Hơn nữa, chúng tôi có chính sách nhập cư, khuyến khích những lao động có kỹ năng, khuyến khích những lao động tài năng nhập cư vào Singapore để làm việc rất là thuận lợi", ông Low nói thêm.

Cũng theo GS. Teck-Seng Low, Việt Nam có thể thực hiện song song việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn cùng với việc phát triển các công ty bán dẫn trong nước. Từ đó từng bước xây dựng một thế hệ doanh nhân mới và nhà sản xuất mới trong lĩnh vực bán dẫn.

Về việc đầu tư vào nguồn nhân lực ngành bán dẫn, GS. Vivian Yam cho rằng Việt Nam có thể bắt đầu với quy mô nhỏ như đầu tư vào các trường đại học để đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo. Các trường đại học sẽ tạo ra nguồn lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn.

Trọng Hiếu