Thủ tướng yêu cầu khẩn trương có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo
Tin tức - Ngày đăng : 07:11, 20/12/2023
Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế.
Các chủ thể có liên quan từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức đồng lòng, hơn lúc nào hết cần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, càng khó khăn phải càng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý việc nào dứt việc đấy.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh việc điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2023, lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia
Thực hiện các giải pháp tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay, tài sản bảo đảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn, đồng thời phải bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Khẩn trương hoàn thiện, sớm trình cấp thẩm quyền các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay hoặc kéo dài thời gian thực hiện đối với các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN và Thông tư số 06/2023 nhằm phù hợp với tình hình thực tế, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 2878/TB-TTKQH ngày 16 tháng 10 năm 2023. Nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ mới cho các dự án xanh, chuyển đổi số.
Triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Xử lý xong các ngân hàng mua bắt buộc theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong năm 2023.
Xử lý nghiêm việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp sân sau
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm rủi ro và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau, việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số, đặc biệt an toàn mạng, chống xâm nhập hệ thống lấy tiền trong tài khoản của ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại.
Tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đối với chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, mỗi ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng Đề án riêng để đẩy mạnh cho vay đối tượng này.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.
Tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số; tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, cải tiến hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, kết nối, tích hợp liền mạch với các dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng đến công chúng.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tập trung cho khắc phục hậu quả nhưng phải xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật theo quy định. Có giải pháp quyết liệt xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để khẩn trương có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, các tiêu cực trong hạn mức tăng trưởng tín dụng và cho vay không đúng quy định, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.