Kinh tế Việt Nam, bước tiến và “nỗi lo” qua nửa nhiệm kỳ
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 09:56, 18/12/2023
Bên cạnh những dấu ấn tích cực, không ít khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt thời gian tới cũng đã được chỉ ra. Ảnh: Đức Thanh |
Biến nguy thành cơ trong sóng gió
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là sự kiện được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số cơ quan tổ chức mới đây. Gần 50 tham luận của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cùng các ý kiến của chuyên gia đã đem đến góc nhìn cả tổng thể và cụ thể về bức tranh kinh tế trong giai đoạn đất nước đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ.
“Ở nửa đầu nhiệm kỳ này, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng”, PGS-TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ trong phát biểu đề dẫn.
Ông Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh, một điểm mới rất quan trọng của nhiệm kỳ này là, Đảng ta đã ban hành và chỉ đạo tổ chức rất thành công các hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng, cả về lý luận và thực tiễn, trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.
“Trong bối cảnh sóng gió, biến động khó lường của kinh tế thế giới, Việt Nam đã ứng vạn biến, biến nguy thành cơ, nhờ đó đã ứng phó được với khó khăn”, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nhận xét.
Theo vị chuyên gia này, “từ Đại hội XIII, không gian phát triển của Việt Nam đã được mở rộng, không bị ‘đóng cứng’ như trước, mà cởi mở hơn, mang tâm thế mới hơn. Cải cách thể chế cũng có nhiều thay đổi trong 3 năm qua - quãng thời gian cực kỳ bất thường của cả kinh tế thế giới và Việt Nam”.
Một trong những điểm sáng được ông Thiên và một số vị chuyên gia khác nhấn mạnh, đó là thời gian gần đây, nhiều tập đoàn công nghệ đã vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đặt nền móng đầu tư, cho thấy một không gian phát triển mới của Việt Nam từ sau Đại hội XIII.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhìn nhận, kinh tế Việt Nam so với các nước xung quanh có những tiến bộ đáng ghi nhận, kinh tế vĩ mô ổn định, dù phát triển chậm hơn tốc độ đề ra, nhưng vẫn ở mức tương đối. Không chỉ có ngoại giao vắc-xin, mà ngoại giao kinh tế của Việt Nam rất giỏi, tạo điều kiện để Việt Nam làm bạn và hợp tác với tất cả các nước. “Đó là điều chưa từng có”, ông Dũng nhận định.
Vị chuyên gia này cũng nhắc đến sự kiện ông Jensen Huang, CEO Tập đoàn Nvidia - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới vừa đến Hà Nội với cam kết muốn thiết lập “cứ điểm” và biến Việt Nam thành “quê hương thứ hai của Nvidia”. “Việc này đánh dấu định hướng ngoại giao kinh tế chuyển hướng sang chất lượng cao hơn, hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới như chip bán dẫn. Đây là điều kiện tốt để chuyển sang nền kinh tế với chất lượng cao hơn”, ông Dũng đánh giá.
Cải cách thể chế vẫn là thách thức
Ghi nhận những dấu ấn tích cực, song các chuyên gia cũng chỉ ra không ít khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt thời gian tới.
“Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%/năm trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ, thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023 - 2025 phải đạt khoảng 7,3%/năm. Đây là mức rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được”, PGS-TS. Vũ Trọng Lâm nêu rõ.
- Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an
Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm tham nhũng, kinh tế; đấu tranh quyết liệt với các hành vi đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các loại tội phạm hình sự, nhất là băng, nhóm tội phạm “núp bóng” doanh nghiệp hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuế, “tín dụng đen”, cưỡng đoạt tài sản.
Nhận diện khó khăn, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương nhìn nhận, việc ban hành, xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn nhiều bất cập. Các quy định về pháp luật, các chủ trương, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước còn chồng chéo, bất cập, làm giảm tính chủ động và hình thành rào cản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý đã bộc lộ những thiếu sót, lạc hậu, chưa đồng bộ và toàn diện, không theo kịp sự phát triển của thực tiễn.
Với quan điểm cải cách thể chế cần căn cơ hơn, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, cần đánh giá lại để phát hiện những vấn đề của nền kinh tế. “Kinh tế sáng nhưng sáng ra sao? Vì sao doanh nghiệp vừa qua rời bỏ, đóng cửa nhiều đến vậy?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.
Vẫn theo ông Thiên, trong đầu tư công, rồi sự “gay go” của hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết, song vẫn còn nhiều việc chưa làm được.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng, cải cách thể chế là một trong những thách thức đặt ra cho Việt Nam giai đoạn tới, bởi đây là yếu tố then chốt quyết định khả năng chống chịu của kinh tế. “Chống tham nhũng, nhưng phải đảm bảo an toàn pháp lý cho bộ máy, đây là vấn đề rất quan trọng”, ông Dũng nêu quan điểm
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nếu bộ máy sợ đến mức không dám làm như vừa qua, kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn. “Cái gì đúng, thủ tục đúng thì làm, không nên chính trị hóa những chuyện liên quan đến nền công vụ”, theo lời ông Dũng.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, trong tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, cũng đề cập câu chuyện rất thời sự tại nghị trường là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Ông Quảng dẫn kết quả khảo sát được tiến hành vào tháng 9/2023 cho thấy, gần 50% người dân cho rằng, cán bộ, công chức TP. Đà Nẵng hiện nay thiếu tinh thần cống hiến, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám đổi mới. Trên 30% ý kiến cho rằng, cán bộ hiện nay có biểu hiện dĩ hòa vi quý, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thiếu kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tham nhũng, tiêu cực, bè phái, cục bộ, vây cánh, lợi ích nhóm.
Sau khi nhận diện 10 nhóm biểu hiện đùn đẩy, né tránh, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã bàn và ban hành, triển khai nhiều giải pháp mới, trong đó bổ sung tại Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố một nội dung quan trọng. Đó là, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sẽ “có trách nhiệm đánh giá, nhận xét đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có những đề xuất hoặc quyết định giải quyết các vấn đề mới, chưa có quy định của pháp luật hoặc các vấn đề vướng mắc, tồn tại nhiều năm của Thành phố vì lợi ích chung” để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
“Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực và đạo đức công vụ có vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu quan điểm khi nhìn lại nửa nhiệm kỳ từ chính thực tế của Thành phố.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nêu thực tế, hiện nay, Trung Quốc đầu tư nhiều vào các trang thương mại điện tử của Việt Nam. Từ đó, chủ các sàn này sẽ ưu tiên đưa hàng Trung Quốc lên các sàn thương mại điện tử. Phía Trung Quốc đưa hàng hóa chất lượng thông qua sàn thương mại điện tử, cộng thêm chi phí logistics giá rẻ, nên không có nhiều cơ hội cho hàng tiêu dùng Việt Nam cạnh tranh.
Theo ông Nam, hàng Trung Quốc “không còn như xưa” là chất lượng thấp và rẻ tiền, mà có đủ loại phù hợp túi tiền, giá cạnh tranh, thời gian giao hàng nhanh. Vì thế, dù Việt Nam có quyết tâm, nhưng nếu không có giải pháp cụ thể, thì không thể xây dựng nền tảng cho hàng hóa sản xuất trong nước và khó có thể cạnh tranh.