Tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc
Tin tức - Ngày đăng : 10:32, 13/12/2023
Đúng như dư luận quốc tế đã nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình chắc chắn sẽ củng cố niềm tin chính trị lẫn nhau giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Chuyến thăm sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và mở ra nhiều kỳ vọng hợp tác mới giữa hai nước.
Sau lễ đón chính thức ngày hôm qua (12/12), cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã diễn ra trong không khí thân tình, hữu nghị, chân thành và thẳng thắn.
Trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược, thì Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng.
Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện. (Ảnh: VGP) |
Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí đánh giá rằng, 15 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện vào năm 2008 đến nay và với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, toàn diện; quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu.
Hai bên cũng đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, không ngừng củng cố tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thông qua các hình thức đa dạng, linh hoạt, phát huy vai trò định hướng chiến lược của quan hệ kênh Đảng đối với tổng thể quan hệ song phương.
Đồng thời, nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ song phương; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững và sâu sắc hơn…
Và không chỉ là các trao đổi, hay cam kết trong hội đàm cấp cao, đã có 36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước. Điều này đã thể hiện thành quả phong phú, toàn diện mà hai bên đạt được trong chuyến thăm lần này. Đồng thời, cũng đã mở ra rất nhiều các cơ hội hợp tác mới, sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn giữa hai nước.
Đó là các thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2024 -2028; Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về Tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ…
Hay Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa Chính phủ hai nước; rồi Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác phát triển và thúc đẩy thực hiện Sáng kiến phát triển toàn cầu (MOU)…
Bên cạnh đó, còn có Bản ghi nhớ về Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển xanh giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc; rồi Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nghe giới thiệu về các thỏa thuận hợp tác. (Ảnh: TTXVN) |
Sau hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hôm nay (13/12), Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hội kiến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, với các cuộc tiếp xúc cấp cao song phương, với hàng loạt văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác giữa cơ quan và địa phương liên quan, tư pháp, truyền thông, kết nối chiến lược phát triển, kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi và hợp tác trên biển… vì thế, sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ Việt - Trung đạt “tầm mức mới” - như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã nói.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, chuyến thăm này đánh dấu lần thứ ba Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam, và là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử Tổng Bí thư và Chủ tịch Trung Quốc. Bởi thế, ngay trước chuyến thăm, giới quan sát quốc tế đã nhận định rằng, chuyến thăm này đã thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như vai trò của Việt Nam và Trung Quốc trong chính sách phát triển của nhau. Và rằng, chuyến thăm này sẽ thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008) đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Chuyến thăm này vì thế là một dấu mốc lịch sử mới và mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hợp tác song phương, qua đó làm sâu sắc thêm và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược mà hai nước đã thiết lập vào năm 2008.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, và kể từ khi hai nước nâng tầm quan hệ thành Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, có thể nói, quan hệ chính trị Việt - Trung đã phát triển mạnh mẽ. Cùng với hợp tác chính trị, thì hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu.
Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 9 lần, từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Và chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, con số cũng đã lên tới gần 139 tỷ USD.
Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 11 tháng, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 4 tỷ USD. Tuy xét về tổng vốn đăng ký, các nhà đầu tư Trung Quốc đứng thứ 4, nhưng xét về số lượng dự án đăng ký đầu tư mới, vị trí là số 1. Cơ hội hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc được cho là đang mở rộng hơn bao giờ hết, khi dòng đầu tư toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển.
Hợp tác du lịch, giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân…, theo đó, cũng không ngừng được đẩy mạnh.
Đây chính là nền tảng bền vững và quan trọng để hai nước tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương, tăng cường tin tưởng chính trị, từ đó thúc đẩy và khai thác tiềm năng cũng như các sáng kiến hợp tác mới trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu đang chuyển mình và có nhiều thay đổi như hiện nay.